Địa điểm

DI TÍCH ĐÌNH NHỰT THẠNH

2021-10-26 06:38:08
Đình Nhựt Thạnh thuộc ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 3912/QĐ-UBND ngày 27/12/2019.

1. Tên gọi di tích

Đình Nhựt Thạnh (tên gọi khác: Nhựt Thạnh Cổ Miếu).

Tên gọi đình Nhựt Thạnh: do người dân nơi đây lấy tên gọi hành chính của ấp đặt cho tên gọi của đình (ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Nhựt Thạnh Cổ Miếu, sở dĩ có tên gọi này bởi một phần hình dáng ban đầu của đình rất đơn giản, chỉ có một gian nhà tranh, vách đất. Trong tiềm thức dân gian Nam bộ quan niệm miếu thường là những gian thờ nhỏ nằm cạnh bờ sông, trên các gò, dốc, đồi cao hoặc gần trục giao thông. Có lẽ vì vậy mà buổi ban đầu khi xây dựng đình dân gian hay gọi là Nhựt Thạnh cổ miếu.

2. Địa điểm phân bố và đường đi đến di tích

Địa điểm di tích: Đình Nhựt Thạnh thuộc ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Nhựt Thạnh là một làng cổ của tỉnh Bình Dương. Trong sắc thần được vua Tự Đức ban còn lưu giữ tại đình Nhựt Thạnh ghi rõ đình Nhựt Thạnh ở thôn Nhựt Thạnh, huyện Phước Chánh (sau giải phóng 2 địa phương Phước Thành và Thạnh Hội được sáp nhập lại với tên là Thạnh Phước. Đến năm 2005, xã Thạnh Hội được tái lập tách ra từ xã Thạnh Phước thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Cùng với sự thay đổi về địa giới hành chính trong các giai đoạn lịch sử, Thạnh Hội cũng đã có những thay đổi phù hợp, với những tên gọi khác nhau. Trong thời kỳ đầu khai phá, Thạnh Hội là vùng đất thuộc dinh Trấn Biên. Thời kỳ nhà Nguyễn (từ năm 1802), Thạnh Hội là một phần của tổng Chánh Mỹ Trung. Thời gian này, các làng Tân Hội – Nhựt Thạnh được tách riêng. Năm 1832, nhà Nguyễn đổi dinh Trấn Biên thành tỉnh Biên Hòa. Thạnh Hội (tức thôn Tân Hội và Nhựt Thạnh) thuộc tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa. Theo Công báo Pháp năm 1863 (lưu trữ tại Bảo tàng Đồng Nai) có ghi: tỉnh Biên Hòa gồm 2 phủ: Phước Long, Phước Tuy; 4 huyện: Phước Chánh, Bình An, Phước An, Long Thành. Huyện Phước Chánh gồm 6 tổng 100 thôn xã. Thời kỳ này, Thạnh Hội thuộc tổng Chánh Mỹ Trung, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. “Năm 1878, tỉnh Biên Hòa có 6 quận, 17 tổng, 168 làng. Trong đó, quận Tân Uyên có 3 tổng, 43 làng. Thạnh Hội thuộc tổng Chánh Mỹ Trung, quận Tân Uyên. Sau thời gian phát triển, theo tài liệu của Tòa Bố Biên Hòa đề ngày 15 tháng 9 năm 1923 (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai) thì năm 1923, tỉnh Biên Hòa có 17 tổng, 156 làng. Lúc này, Thạnh Hội

vẫn thuộc tổng Chánh Mỹ Trung, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Theo tài liệu này, Tổng Chánh Mỹ Trung có 19 làng gồm: An Chữ, Bình Chữ, Bình Hưng, Điều Hòa, Tân Trạch, Bình Hóa, Bình Chánh Đông, Tân Hội, Nhựt Thạnh, Phước Hải Đông, Tân Ba, Tân Long, Tân Mỹ, Vĩnh Phước, Tân Uyên (xứ Thủ Đường), Dư Khánh, Hiệp Hưng, Thiện Khánh, Tân Lương. Như vậy, thời gian này Thạnh Hội gồm 2 làng Tân Hội và Nhựt Thạnh thuộc tổng Chánh Mỹ Trung, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa”1.

Thạnh Hội là một xã cù lao, sử sách còn gọi là đảo Quy Dự, nơi đây có một ngọn đồi nổi cao 15 mét so với mặt bằng khu vực, hai bên đất thoai thoải, chính giữa nhô cao tựa hồ như mai rùa nên nhân dân gọi là Cù Lao Rùa. Từ xa xưa, nơi đây đã ghi nhận có sự cư trú của con người. Đến cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, vùng đất Đồng Nai nói chung, cù lao Thạnh Hội nói riêng xuất hiện lớp cư dân người Việt từ miền Thuận Quảng di cư vào. Đến cuối thế kỷ XVII, khi phong trào “Kháng Thanh phục Minh” ở Đài Loan tan vỡ (1683), vùng đất này ghi nhận sự xuất hiện của lớp cư dân người Hoa. Như vậy, có thể khẳng định, người Việt đến vùng đất Đồng Nai nói chung, Thạnh Hội nói riêng sinh cơ lập nghiệp, xây dựng và phát triển làng xã đến nay đã trên 300 năm.

Ngày nay, cù lao Thạnh Hội trở thành một địa giới hành chính riêng - xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Toàn xã có 4 ấp: Tân Hội, Nhựt Thạnh, Thạnh Hòa, Thạnh Hiệp. Mỗi ấp có một miếu bà, toàn xã có 2 ngôi đình (Tân Hội và Nhựt Thạnh), có 2 ngôi chùa: Khánh Sơn và Long Thắng.

Đường đi đến di tích

Từ Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, theo đường Lý Thái Tổ 2km đến đường Điện Biên Phủ (Tạo Lực 1) rẽ phải theo hướng vào khu công nghiệp Đại Đăng, đi tiếp 5km đến đường Mỹ Phước – Tân Vạn. Từ đường Mỹ Phước – Tân Vạn rẽ trái khoảng 1km đến đường ĐT743 rẽ trái xuôi về hướng thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) khoảng 10 km đến ngã ba Tân Ba, rẽ trái theo đường HL401 khoảng 4km qua cầu Thạnh Hội là đến vùng đất cù lao và di tích Đình Nhựt Thạnh.

Di tích nằm trên một cù lao nên việc đi đến di tích bằng phương tiện đường thủy rất thuận tiện theo các hướng thị xã Tân Uyên, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Trước đây, để đến được với vùng đất cù lao, người ta có thể di chuyển bằng xuồng, phà. Năm 2008, cầu Thạnh Hội được xây dựng và khánh thành nối vùng đất Tân Uyên và cù lao tạo điều kiện thuận lợi đến với di tích bằng ô tô.

Đình Nhựt Thạnh nằm trên xã Thạnh Hội, là một xã cù lao trên dòng sông Đồng Nai nên khi đến tới di tích có thể di chuyển theo đường sông từ Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Từ bến sông Bạch Đằng, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương đi thuyền theo sông Sài Gòn hướng về thành phố Hồ Chí Minh đến dòng sông Đồng Nai, rẽ trái theo hướng về thượng nguồn sông Đồng Nai đến bến đò Thạnh Hội (đình Nhựt Thạnh cách bến đò khoảng 200m).

3. Phân loại di tích

Đình Nhựt Thạnh thuộc loại hình di tích lịch sử.

4. Sự kiện, nhân vật lịch sử

Sách Lịch sử, truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thạnh Hội trang 23 ghi rõ “Vào năm 1848, khi cuộc sống ổn định, nhân dân đã góp tiền lập đình thần ở 02 làng Tân Hội và Nhựt Thạnh, miếu thờ, nhà vuông và xây chùa thờ Phật”. Theo các vị cao niên trong làng, lúc đầu, đình được làm bằng gỗ tạp, mái lợp lá, vách bằng nan tre, nền đất. Sau đó, bà con trong làng cùng nhau góp công, góp của xây dựng đình với kiểu kiến trúc ba gian hai chái. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, một số ngôi đình ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa bị thực dân Pháp chiếm đóng dùng làm đồn bót hoặc là nơi phục vụ cho hoạt động quân sự của chúng. Vì vậy, bà con làng Nhựt Thạnh đã tháo dỡ ngôi đình, sau này khi chiến tranh tạm thời lắng xuống mới dựng lại ngôi đình với những gì đã có sẵn. Đình Nhựt Thạnh đã trải qua nhiều lần tu bổ, nhưng lần lớn nhất là vào năm 1957, nhân dân Nhựt Thạnh đã cùng nhau xây dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ, năm 1970 xây dựng nhà túc và năm 2018 xây dựng thêm mặt tiền phía trước như hiện nay.

Đình Nhựt Thạnh thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức ban tặng sắc phong vào năm Tự Đức thứ năm (1852) nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Sắc phong luôn được cất giữ tại đình từ khi được ban cho đến nay.

Nội dung Sắc thần tại đình Nhựt Thạnh như sau:

敕 日 盛 城 隍 之 神 原 贈 保 安 正 直 佑 善 之 神 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 肆 今 丕 承. 耿 命 緬 念 神 庥 可 加 贈 保 安 正 直 佑 善 敦 凝 之 神. 仍 准 偪 正 縣 日 盛 村 依 舊 奉 事. 神 其 相 佑 保 我 黎民

欽 哉

嗣 德 五 年...2

Phiên âm: Sắc Nhựt Thạnh Thành Hoàng chi thần, nguyên tặng Bảo An Chính Trực Hựu Thiện chi thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miễn niệm thần hưu, khả gia tặng Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần. Nhưng chuẩn Phước Chánh huyện, Nhựt Thạnh thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân.

Khâm tai.

Tự Đức ngũ niên...

Tạm dịch:

Sắc cho thần Thành Hoàng Nhựt Thạnh, vốn đã được tặng là thần Bảo An Chính Trực Hựu Thiện, giúp nước che dân, nổi tiếng linh ứng. Cho nên, nay vâng theo mệnh lớn, nghĩ đến đức tốt của thần, tặng thêm là thần Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng. Vẫn cho phép thôn Nhựt Thạnh, huyện Phước Chánh thờ phụng như cũ, thần có trách nhiệm bảo vệ cho con dân đen của ta. Hãy tuân theo!

Tự Đức năm thứ năm.......

Như vậy, căn cứ vào sắc phong lưu giữ tại đình và các sử liệu có thể thấy đình Nhựt Thạnh được thành lập trong khoảng thời gian trước năm 1852.

Đình thần Nhựt Thạnh ngoài việc là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đình còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, hoạt động đấu tranh yêu nước của nhân dân trong vùng. Theo ông Nguyễn Long Nha, Trưởng Ban quý tế đình Nhựt Thạnh kể lại: khu vực từ phía sau đình đến miếu Bà có nhiều hầm bí mật, là nơi ẩn náu của cán bộ chiến sĩ tại địa phương, nhưng sau này để phục vụ cho việc cải tạo đất làm nông nghiệp nên hầm bí mật đã bị lấp.

Tổng thuật các kết quả nghiên cứu

Đình Nhựt Thạnh là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân người Việt tại vùng đất cù lao gần 200 năm nay. Với lịch sử tồn tại lâu đời, Đình Nhựt Thạnh trở thành một di tích chứa đựng các giá trị lịch sử và văn hóa, gắn liền quá trình hình thành và phát triển của vùng đất và con người Bình Dương. Vì vậy, đến nay đã có một số công trình nghiên cứu, bài viết về Đình Nhựt Thạnh, tiêu biểu như:

Huỳnh Ngọc Đáng (2017), Tìm hiểu liễn đối Hán – Nôm trong các đình, chùa, miếu tỉnh Bình Dương, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội. Đây là kết quả của đề tài nghiên cứu cùng tên do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương thực hiện. Cuốn sách trình bày tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của các đình, chùa, miếu trên địa bàn tỉnh Bình Dương; nội dung phiên âm, dịch nghĩa và diễn giải các hoành phi, liễn đối Hán – Nôm trong các cơ sở thờ tự này; qua đó làm toát lên những giá trị về lịch sử, nội dung và ý nghĩa của các hoành phi, liễn đối Hán Nôm. Công trình nghiên cứu đã tập hợp, phiên âm và dịch nghĩa được 2.174 thành tố chữ Hán – Nôm, trong đó có hơn 581 câu đối, 431 hoành phi và chữ thờ trong tổng số 39 ngôi đình ở tỉnh Bình Dương (trong đó có Đình Nhựt Thạnh).

Nguyễn Thị Hiền, Tìm hiểu hoành phi, liễn đối Hán nôm ở Đình thần Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Thông tin Khoa học lịch sử - Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương số 40, tháng 10 năm 2015. Bài viết đã trình bày khái quát sơ lược về lịch sử hình thành ngôi đình, phiên âm, diễn nghĩa một số câu đối, hoành phi tại đình.

Trên cơ sở tiếp thu những kết quả của những công trình nghiên cứu khoa học và những bài viết liên quan đến đình Nhựt Thạnh trước, chúng tôi sẽ trình bày những nội dung quan trọng như: lịch sử hình thành và phát triển; những giá trị lịch sử – văn hóa biểu hiện qua kiến trúc, văn hóa Hán – Nôm qua hoành phi, liễn đối, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng; từ đó có những nhận định, đề xuất xếp hạng cấp tỉnh di tích Đình Nhựt Thạnh.

5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, về cơ bản đình Nhựt Thạnh hiện nay vẫn giữ và duy trì được phần lớn những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian và những lễ hội truyền thống của địa phương: lễ kỳ yên diễn ra vào ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm (đây là lễ hội chính trong năm của đình) và lễ hội kỳ bông diễn ra ngày15 tháng 8 âm lịch. Ngoài ra, vào dịp rằm hàng tháng, người dân quanh vùng thường đến thắp hương, dâng cúng đình lễ vật chủ yếu là trái cây, hoa quả.

Lệ cúng Kỳ Yên là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng yên vui, dân giàu nước mạnh và là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Bình Dương nói chung và người dân vùng đất Thạnh Hội nói riêng, thu hút đông đảo người dân khắp nơi về dự. Lễ Kỳ yên cũng là dịp để người dân họp mặt, bàn chuyện, thắt chặt tính cộng đồng. Các nghi thức cúng trong lệ kỳ yên gồm có: lễ Thỉnh sanh, lễ Tống Phong, lễ Đàn cả và lễ Tế tiền bối, hậu bối.

Lễ thỉnh sanh (07 giờ ngày 15 âm lịch, trước kia diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 14)

Nghi lễ thỉnh sanh là một trong chuỗi những nghi thức quan trọng trong lễ Kỳ yên đình. Theo nghi thức cổ truyền, tại Đình Nhựt Thạnh lễ Thỉnh sanh diễn ra vào lúc 14 giờ ngày 14 âm lịch. Gồm các bước nhạc lễ khai lễ, lễ sinh dâng lễ vật, chánh tế đọc khấn. Thực hành nghi lễ gồm có các thành phần như: Ban nghi lễ, học trò lễ, tể giả… Nghi lễ được thực hiện tuần tự: Nghi lễ được thực hiện tuần tự theo lời xướng của xướng quan, qua các bước: niệm hương, dâng hương, dâng rượu. Đến đây, xướng quan xướng “Tĩnh sanh”, chánh tế, tể giả và những người tham gia nghi lễ mỗi người cầm 1 cây đèn, 3 tờ vàng bạc đi phía sau lễ sinh bên hữu đi vòng quanh con heo xem có tì tích gì không. Nếu không có gì thì mới đốt 3 tờ vàng bạc, đổ rượu rồi dùng dao kê miết một đường ngay ở cổ heo coi như thần chấp nhận lễ vật và tễ giả mới dắt heo đi yết.

Heo được cột vào một thân cây trước cổng đình, người đồ tể đặt chậu dưới máng yết heo, trong rắc 1 ít muối. Chuẩn bị xong người ta đặt heo lên máng, người đồ tể cầm dao chọc vào yết hầu sao cho chỉ một nhát dao là huyết chảy ra thật nhiều, thật mạnh vì người ta tin rằng huyết càng chảy mạnh thì may mắn trong năm đó càng lớn. Khi huyết heo chảy ra, lấy keo hứng 3 chén huyết heo, 3 chung lông heo, lấy giấy đỏ bịt lại và đưa vào đặt trên bàn thờ Thẩn để thực hiện nghi thức Ế mao huyết trong nghi cúng Túc yết (ban quý tế đưa chung mao huyết này đưa ra trước sân đình chôn để cầu cho sự sinh sôi nảy nở của đất). Ban chấp sự dâng trà lên thần. Lễ tất.

Hiện nay, tại đình Nhựt Thạnh, do điều kiện kinh tế, xã hội nên lễ Thỉnh sanh được lược đi khá nhiều các nghi thức, phần lễ này diễn ra khá đơn giản:

Đến giờ tiến hành lễ, khi trình heo lên tế thần, người ta chở heo đến đình sau đó ông tể giả cùng bà con trong làng yết heo tại trước sân nhà túc của đình. Sau khi yết xong, heo tế sẽ được cạo lông, lấy bộ lòng ra ngoài và để nguyên con lên bàn thờ Ván son trong chánh điện để cúng. Đến lúc này, phần lễ Thỉnh sanh coi như đã thực hiện xong.

Lễ Túc yết (diễn ra vào 19 giờ đêm 14, do điều kiện nên hiện nay lễ này đã không còn diễn ra tại đình)

Tiếp sau lễ Thỉnh sanh là lễ Túc yết: khi heo đã được mổ bụng, làm sạch, bày trong máng trên bàn hội đồng trước khánh thần, đầu con vật xoay về hướng bàn chánh thần, bên cạnh đặt một đĩa lòng, trên lưng cắm 1 con dao, cùng lễ vật của bà con dâng cúng. Chủ lễ và Ban chánh tế, Ban nguyện hương ngồi chứng dự.

Lễ túc yết là nghi lễ mời Thần về dự lễ (trong nghi lễ thường có câu “nghinh thân cúc cung bái”). Đây là một trong hai lễ chính, quan trọng nhất của lễ hội Kỳ yên vì vậy thời gian diễn ra lâu hơn, cách thức chặt chẽ hơn, gồm hai phần: nghi thức và đọc chúc văn.

Thực hiện nghi lễ trong nghi Túc yết gồm học trò lễ, ông chánh tế, ông chánh bái, bồi tế, phân hiến, hầu bàn và đào thài. Học trò lễ gồm được phân công đứng ở các bàn nghi và xếp thành hai hàng để dâng lễ vật. Khi dâng lễ vật, lễ sinh bước theo trống nhạc, chân đi theo hình chữ “bát” tiến về bàn thờ thần. Tùy theo tiếng nhạc mà lễ sinh bước mau, thưa nên cuộc lễ cũng có thể kéo dài hay rút ngắn.

Có tất cả 6 đào thài, là người của đoàn hát. Từ Hán – Việt âm gốc của thài là thai, đây là tiếng tôn xưng đối với người trên, như gọi các người trên là thai tiền. Do tránh tiếng đào thai nên đọc trại là đào thài. Đào thài, mỗi bên tả ban, hữu ban 1 vị đi phía sau lễ sinh, 4 người ở giữa khi dâng lễ vật, tùy theo tuần cúng, đào thài vừa đi vừa thài. Đào thài chỉ tham gia hai lễ chính là lễ Túc yết và lễ Đàn cả. Bắt đầu từ bàn chấp sự (bàn dành cho các vị thần quản trị ngôi đình trong lệ Kỳ yên có nhiệm vụ chứng chiếu lòng thành, chấp nhận nghi lễ), đào thài đi sau lễ vật, thài theo nhịp trống vào đến bàn thần. Kết thúc thài khi lễ sinh hoàn tất nghi lễ dâng lễ vật. Trong cả hai lễ đào thài giống nhau gồm các bài: thài tuần hương, tuần sơ, tuần á, tuần chung, ẩm phước, thọ tợ, tuần trà và phần chúc với nội dung dâng lễ vật lên thần và cầu chúc cho thần “thánh thọ vô cương”, tạ ơn thần đã ban phước trước nay và mong thần tiếp tục ban nhiều phước lộc cho bá tánh nhân dân, cầu cho “người no nhà đủ thảnh thơi”, “thánh đức thôn trung vững bền”.

Dưới sự hướng dẫn, qua lời xướng của xướng quan, nghi lễ được thực hành tuần tự. Mỗi ban đều lo nhiệm vụ của mình. Trên bàn hội đồng nơi Ban nghi lễ tề tựu đặt một chiếc giá sơn đỏ, bên trên gác chúc văn đã gấp lại; trên bàn nhỏ đặt hương, đăng, trà, quả, rượu. Nhạc lễ tiếp lệnh, tiến ra giữa bàn hội đồng đánh bản “tiếp giá nghinh thần” mời rước thần cùng tất cả các vị phước thần, các vị thần tín ngưỡng dân gian, tiền hiền, hậu hiền, anh hùng liệt sĩ về cùng chung vui, cùng ban phước lộc trong lễ Kỳ yên.

Khi nhạc sanh tựu vị là tới phần thực hành nghi lễ của lễ sinh. Lễ sinh chân bước lễ theo chữ “bát” trong tiếng nhạc của các bài Hạ, Nam, Đảo, tay bưng khay lễ vật gồm dâng một tuần hương, 3 tuần rượu, một tuần trà, một tuần hoa quả dâng lên bàn thần, tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền. Mỗi bàn đều có một vị trong Ban nghi lễ túc trực để tiếp nhận lễ vật đặt lên bàn. Đào thài thài sau lễ sinh, ăn mặc rực rỡ mà kín đáo, tay cầm quạt phe phẩy, miệng hát bài thài tạo nên một quang cảnh dập dìu như sóng rất đẹp mắt.

Khi hết ba tuần rượu, ông chánh tế sẽ đọc chúc văn. Chúc văn là bản văn ca ngợi công đức của thần và cầu xin ân đức thần. Trước đây chúc văn được đọc với lời lẽ ê a, như tụng kinh, rất khó nghe và được viết bằng chữ Hán trên nền giấy đỏ. Nay người chấp sự đọc theo kiểu cải cách, dễ nghe hơn và âm vẫn là âm tiếng Hán nhưng là chữ quốc ngữ do đã được phiên âm ra.

Chúc văn đọc xong được đốt rồi lấy rượu rảy lên để gửi lời khẩn cầu của bá tánh cho không riêng thần Thành Hoàng mà cho cả tập hợp phúc thần theo tín ngưỡng dân gian được mời về cùng “phối hưởng” trong ngày lễ Kỳ yên. Đốt chúc văn xong lễ sinh tiếp tục dâng một tuần trà, một tuần hoa quả. Lễ tất. Các vị trong Ban nghi lễ đồng bái lạy rồi lui ra.

Sau lễ Túc yết người ta đem heo xuống xẻ thịt, chế biến thành các món ăn phong phú, đa dạng tùy vào bàn tay khéo léo của Trưởng Ban hậu cần. Nhưng dù gì, một heo cúng cũng phải được luộc lên, đầu heo đặt trên bàn chánh, các bàn: tiền hiền, hậu hiền, tiên sư,... mỗi bàn một be sườn, một tợ thịt heo luộc, một khúc lòng; riêng bàn Thần Nông đặt nọng heo. Nước luộc heo dùng nấu cháo phục vụ bà con và những người túc trực tại đình về khuya. Bà con lúc này kéo tới đình rất đông vì tiết mục chính phục vụ bà con – phần hội sắp bắt đầu – tiết xây chầu đại bội và diễn tuồng.

Tiết xây chầu đại bội (21 giờ ngày 14, hiện nay nghi thức này không còn diễn ra tại đình)

Ở Nam bộ, khi người ta nhắc đến lễ hội thường kèm theo câu nói cửa miệng “yến diễn ca xướng”, nghĩa là khi đình đám thì phải có tiệc tùng diễn xướng, trong đó Hát Bội và ca nhạc tài tử là chương trình không thể thiếu. Riêng phần Hát bội trong cúng đình vốn vừa là hình thức sinh hoạt văn nghệ, giải trí với chương trình hát tuồng hào hứng (phần Hội) vừa là nghi thức nghiêm túc với tiết mục Xây chầu, Đại bội và Tôn vương, Hồi chầu để mở đầu và kết thúc chương trình hát tuồng đó (mang tính chất lễ).

Xây chầu còn gọi là lễ Khai tràng, sẽ được cử hành sau lễ Túc yết và trước lễ Đại bội của đoàn hát. Bởi “đuôi Xây chầu, đầu Đại bội” và trong tâm thức của dân gian xây chầu - đại bội là một nghi lễ rất quan trọng, nếu tổ chức trọn vẹn sẽ thuận gió hòa mưa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc muôn nhà... Ta có thể hiểu là phần cầu an khi xong phần tế lễ vậy. Xưa, nông nghiệp là gốc của sự phát triển, là yếu tố căn bản để vua ngồi vững trên ngôi báu, dân không nhiễm tật xấu, nảy sinh trộm cướp, nghe lời xúi giục kiểu “sấm truyền” dị đoan mê tín. Muốn ổn định thời tiết, ổn định trật tự xã hội, theo quan niệm xưa, phải tuân theo sự vận hành của trời đất mà kim chỉ nam là Kinh Dịch, với thuyết Âm Dương, Bát Quái

(càn, khảm, cấn, chấn...), ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Việc Xây chầu nhắc nhở nguyên tắc ấy. Làng xã nằm trong vũ trụ lớn. Xây chầu, nói đơn giản, là dùng tiếng trống chầu, đánh rõ từng tiếng, để khuấy động, nhắc nhủ hòng đổi mới trời đất với việc dùng âm thanh và ánh sáng. Phải có ngọn nến cháy nên giá đặt cái trống (gọi trống này là Thái cực), trống phải sơn màu đỏ, mặt trống vẽ hình tròn âm dương.

Vì tầm quan trọng đó, lễ Xây chầu được chuẩn bị rất kỹ càng. Kỹ từ người đứng xây chầu đến thời gian xây. Người đứng xây chầu phải là một cụ cao niên trong làng, có sự hiểu biết, có đạo đức, có cuộc sống mẫu mực và con cháu đề huề bởi người nào không hội đủ những tiêu chuẩn đó, nếu đứng xây chầu sẽ không trấn yểm được tà khí, có thể gục ngay tại sân đình hoặc về thọ bệnh mà mất. Thời gian xây chầu mỗi dịp một thay đổi chứ không cố định một giờ do giờ xây chầu phụ thuộc vào giờ thủy triều. Người hiểu biết sẽ tính giờ con nước lên cao nhất trong ngày và lấy đó là giờ làm lễ vì theo quan niệm của người xưa đó là giờ tốt nhất. Đó là tâm thức của cư dân sống bằng nông nghiệp, của những con người vùng sông nước.

Xây chầu gồm 3 phần.

+ Phần thứ nhất: Bắt đầu nghi lễ ông bái cầm hai chéo khăn đỏ, trên có đặt dùi trống rê xung quanh và khấn những câu có nội dung nói lên ý nghĩa của lễ Xây chầu:

1. Kích cổ kỳ đường thấu tứ phương

2.Thinh chấn huyên thiên phu thượng hạ

3. Điền nhiên động địa đáo đàng tràng

4.Xuân thu huyết thực tế như tại

5. Hương hỏa nghi sanh ứng hữu thường

6.Ủng hộ quốc gia tăng phước khánh

7.Huê phong kiến chúc thọ vô cương

+Phần thứ hai: ông bái và các cử động của người xây chầu đều mang ý nghĩa:

1. Nhất bái thiên thiên gián phúc

2. Nhị bái địa địa gián nghinh tường

3.Tam bái thánh thần an định vị

4. Phò trì hương đãng thọ thiên thu

5. Nguyên đường kim thánh thọ vô cương

6. Minh tề bổn cảnh thiên hạ thái bình

7. Nguyên chư lão tiêu diệt, chấp tri thủ trung chỉ

+ Phần thứ ba: Mỗi câu đọc xong ông đánh một tiếng trống: “Chánh thần ứng, tà thần khứ”.

Thơ phù viết:

Chánh thần ứng, tà thần khứ

Nhất trừ tai ương, nguyện chủ tai tiêu diệt

Nhị trừ tà quỉ

Tam tống hung tai

- Nhất trịch thiên linh gián phúc (nhịp dùi trống 1 tiếng)

- Nhị trịch trừ địa sát tai ương (nhịp dùi trống 1 tiếng)

- Tam trịch trừ tà ma, lai khê thủ (nhịp và cúi đầu)

Tùng tư hương đãng thọ miên trường

- Nhất điểm thông thiên thiên thượng chí (đánh 1 tiếng)

- Nhì điểm thấu địa địa thần lai (đánh 1 tiếng)

- Tam điểm chánh thần an định vị (đánh 1 tiếng)

Phò trì hương đãng thọ thiên thu

Tiền phát cổ tam thinh (đánh 3 tiếng)

Hậu phát cổ tam liên

Nhất liên thấu triệt thiên đình (đánh 1 hồi 27 tiếng)

Nhị liên thấu triệt thông trung giới (đánh 1 hồi)

Tam liên thấu triệt long cung (đánh 1 hồi là đủ 3 hồi)

PHẢN NHẤT TRỊCH

Cầu thỉnh thánh thần cổ tam thinh (đánh 3 tiếng)

Chư thánh chư thần đồng tụ hội

Tùng tư hương đãng thọ miên trường

Nguyên đương kim Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hoàng đồ củng cố Quốc kế kỳ xương

Bắc đẩu qui tôn tinh thần lai t

Bác thiên xuân động bái nô xa nhất kích

KÍCH TAM THINH

Nhất thinh nguyện sắc thấu thiên đình (đánh 1 tiếng)

Nhị thinh nguyện quốc thái dân an (đánh 1 tiếng)

Tam thinh nguyện hương đãng bá tánh nhân dân (đánh 1 tiếng) nam phụ lão ấu hòa bình khương thái.

Lễ Tống Phong (diễn ra vào diệp lễ kỳ yên từ 8 giờ sáng ngày 15 tháng 2 hàng năm)

Lễ Tống phong (tống gió, tống ôn dịch) có nghĩa là nhằm tống khứ, xua đuổi những làn gió độc hại, những loại tà khí ô uế có thể sinh ra dịch bệnh nguy hiểm trong năm cũ.

Trong lễ này tất cả những người tham gia lễ hội cùng thả một chiếc thuyền gọi là thuyền tống phong. Đáy thuyền thường là bốn khúc cây chuối to kết lại như một chiếc bè, trên đó khung thuyền làm bằng tre, xung quanh thân thuyền được dán giấy màu đủ loại để tạo sự kín đáo cũng như trang trí làm đẹp thêm cho chiếc thuyền. Con thuyền theo dòng nước mang đi những loại tà khí, ô uế có thể sinh ra dịch bệnh và loại trừ cái xấu xa, xúi quẩy, phiền muộn và bệnh tật, đồng thời đón lấy những ngọn gió lành, những điều may mắn, hưng thịnh về cho xóm làng.

Thuyền tế chứa những đồ lễ như: nhang đèn, vàng mã, gạo, muối, bánh mứt, trái cây, thịt heo luộc,… làm lộ phí cho “đám binh ôn và cô hồn” một đi không trở lại.

Đến giờ hành lễ, Chánh tế và trưởng làng đứng trước gian chánh điện thắp nhang khấn vái. Sau đó, chánh tế ra lệnh khiêng thuyền đi, bốn thanh niên khỏe mạnh được chọn, mỗi người một góc, nâng thuyền lên khiêng thuyền ra bờ sông thực hiện nghi thức thả thuyền tế.

Lễ Đàn cả (diễn ra từ 10 giờ ngày 15)

Lễ Đàn Cả (hay Lễ Đăng cả, Lễ Đoàn cả) là lễ chính, quan trọng nhất của một dịp lễ Kỳ Yên, mang ý nghĩa tạ ơn thần. Người dân bày lễ dâng cúng lên thần với tâm nguyện tạ ơn thần đã cho những năm mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh. Nghi lễ quan trọng không chỉ vì hình thức nghi lễ mà vì bản thân tính chất của lễ đàn cả. Bởi nhớ ơn, tạ ơn người mang lại ấm no, hạnh phúc, an bình cho bản thân, cho làng xã mình là một trong những nét tiêu biểu trong tính cách người Việt, dâng lễ vật tạ ơn thần là để tiếp tục mong cầu những điều tốt đẹp khác nữa nên chẳng ai không lễ thần với tất cả tấm lòng thành tâm của mình.

Lễ vật dâng lên thần trong nghi Đàn cả là một heo tế - heo đực, không dị tật. Heo đã được yết, mổ bụng, làm sạch, đặt trong máng trên bàn hội đồng, ở giữa lưng heo

có cắm một con dao, bên cạnh là một bộ đồ lòng được đựng trong thau, các bàn thờ khác thì kiếng 1 tợ thịt.

Thực hành nghi lễ Đàn cả gồm 16 người học trò lễ và trên điện thờ thần có 6 học trò lễ đứng ở 3 cửa hộ vệ cho thần, nghi thức được thực hành trang nghiêm, cẩn trọng. Khi dâng lễ vật, học trò lễ tiến lên bàn thần bằng 4 hàng. Nghi lễ qua 2 phần: phần đầu dâng hương, 3 tuần rượu (sơ hiến, á hiến, chung hiến), dâng trà, dâng hoa quả và phần thứ hai là thụ lộc thần: uống phần rượu và ăn phần thịt, trái cây đã cúng mang tính chất tượng trưng, ăn và uống thay mặt cho dân làng.

Dưới sự hướng dẫn, qua lời xướng của xướng quan, nghi lễ được thực hành tuần tự, mỗi ban đều lo nhiệm vụ của mình. Trên bàn hội đồng nơi Ban nghi lễ tề tựu đặt một chiếc giá sơn đỏ, bên trên gác chúc văn đã gấp lại; trên bàn nhỏ đặt hương, trà, quả, rượu. Tiếng mõ, tiếng trống, tiếng chiêng lần lượt nổi lên rồi hòa quyện, đan xen vào nhau vang lên trong không gian thần thánh tựa như tiếng gọi của cả trăm năm, tụ hội hồn thiêng đất trời. Nhạc lễ tiếp lệnh, tiến ra giữa bàn hội đồng đánh bản “tiếp giá nghinh thần” mời rước thần cùng tất cả các vị phước thần, các vị thần tín ngưỡng dân gian, các bậc tiền hiền, hậu hiền, về cùng chung vui, cùng ban phước lộc trong lễ Kỳ yên.

Khi nhạc sanh tựu vị là tới phần thực hành nghi lễ của lễ sinh. Lễ sinh chân bước lễ theo chữ “bát” trong tiếng nhạc, tay bưng khay lễ vật gồm dâng một tuần hương, 3 tuần rượu, một tuần trà, một tuần hoa quả dâng lên bàn thần, tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền. Mỗi bàn đều có một vị trong Ban nghi lễ túc trực để tiếp nhận lễ vật đặt lên bàn.

Sau tuần rượu thứ nhất “Sơ hành hiến lễ” ông Chánh tế sẽ đọc chúc văn. Chúc văn là bản văn ca ngợi công đức của thần và cầu xin ân đức thần. Trước đây chúc văn được viết và đọc bằng chữ Hán trên nền giấy đỏ. Nay người chấp sự đọc theo kiểu cải cách, dễ nghe hơn và âm vẫn là âm tiếng Hán nhưng là chữ quốc ngữ do đã được phiên âm ra.

Chúc văn đọc xong được đốt rồi lấy rượu rảy lên để gửi lời khẩn cầu của bá tánh cho không riêng thần Thành Hoàng mà cho cả tập hợp phúc thần theo tín ngưỡng dân gian được mời về cùng “phối hưởng” trong ngày lễ Kỳ yên. Đốt chúc văn xong lễ sinh tiếp tục dâng một tuần trà, một tuần hoa quả. Lễ tất. Các vị trong Ban nghi lễ đồng bái lạy rồi lui ra.

Lễ tế tiền bối, hậu bối (10 giờ 30 ngày 15)

Tế tiền bối, hậu bối và chiến sĩ là nghi lễ tưởng nhớ đến công ơn “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” - lớp người đầu tiên tới khẩn hoang, có công lao lập ấp, lập làng, xây dựng đình miếu. Tế tiền bối, hậu bối là nghi thức quan trọng trong lễ hội Kỳ yên, thể hiện một tâm lý xuyên suốt, sâu sắc trong tâm thức người Việt: lòng

biết ơn tổ tiên mà trong nhà đó là thờ ông bà, ra làng là thờ Thành Hoàng, tiền bối, hậu bối.

Lễ này diễn ra tại Nhà túc của Đình. Tham gia nghi lễ có học trò lễ và chánh tế. Lễ vật là một tợ thịt heo luộc, hương, đăng, trà, quả, rượu. Nghi lễ gồm trình tự các nghi thức: dâng hương, dâng rượu, dâng trà, đọc chúc văn và đốt văn tế. Chúc văn đọc xong được đốt và rưới bằng rượu theo đúng tâm linh người Việt: như vậy lời khấn của mình đã được “gửi” đi.

6. Khảo tả di tích

Đình Nhựt Thạnh tọa lạc tại ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đình được xây dựng trên một gò đất cao ráo thoáng mát, đối diện với Ủy ban nhân dân xã Thạnh Hội.

Vị trí tiếp giáp của di tích như sau:

Phía Bắc giáp với đất vườn của dân

Phía Nam giáp trụ sở ấp Nhựt Thạnh.

Phía Tây giáp đường Thạnh Hội 04, một phần giáp với khu mộ của vợ chồng Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Công An3 – người con ưu tú của vùng đất Thạnh Hội.

Phía Đông giáp đường đất.

Tổng diện tích của đình là 10.326,3 m2. Trong đó:

Diện tích khu vực I là 402.7 m2 gồm chánh điện và nhà túc.

Diện tích khu vực II là 8.877,4 m2 gồm toàn bộ diện tích khuôn viên đình.

Diện tích đất thuộc hành lang an toàn đường bộ là 1.046,2m2.

Về tổng thể kiến trúc đình gồm có các hạng mục chính: Cổng đình, Bình phong, Nhà túc và Chánh Điện.

6.1. Cổng đình

Cổng đình được đặt ở vị trí mặt tiền đường Thạnh Hội 04, xây dựng vào năm 2018 bằng chất liệu xi măng cốt thép, chiều cao 6m, chiều rộng 7m. Tuy mới xây

nhưng về phong cách kiến trúc không khác nhiều so với cổng đình làng xưa. Cổng chính được xây dựng theo kiểu cổng tam quan với một cửa chính và hai cửa phụ. Mái kiểu bậc thang, các góc uốn cong mũi thuyền, lợp ngói hình vảy cá. Trên nóc mái cổng đình trang trí hình lưỡng long chầu nhật. Phía trên là bảng chữ màu vàng được khắc vào đá có nội dung “Đình Nhựt Thạnh” bằng chữ quốc ngữ. Ở 2 trụ của cổng đình có trang trí câu đối khắc trên nền đá với nội dung:

Nhựt quang phổ chiếu vạn cổ địa linh sanh nhơn kiệt

Thạnh thời đức trọng thiên thu trung hiếu tạo anh hùng

6.2. Bình Phong:

Án ngự ngay phía trước chánh điện là bức bình phong xây bằng chất liệu xi măng, gạch, vôi vữa. Bức bình phong cao 1,8m, dài 2,5m. Mặt trước bức bình phong là hình ảnh Long Mã phụ đồ (đầu rồng, mình ngựa; Long Mã mang bát quái đồ) cưỡi mây, sơn màu vàng.

Mặt sau là hình ảnh bức tranh: “Thảo dã ngao du”, vẽ hình hai con nai đang uống nước bên bờ suối với cây cỏ xanh tươi.

Ở hai mặt trên hai cột đắp nổi câu chữ Hán bằng xi măng, nền đỏ, chữ sơn màu vàng

前 對 泰 山 凝 瑞 氣

後 沾 福 水 啓 才 人

Phiên âm:

Tiền đối thái sơn ngưng thụy khí

Hậu triêm phúc thủy khải tài nhân

Tạm dịch:

Trước núi phúc dày sinh khí tốt

Sau sông ân thấm xuất người tài

左 占 青 龍 沾 化 日

右 依 白 虎 映 文 光

Phiên âm:

Tả chiêm thanh long triêm hóa nhật

Hữu y bạch hổ ánh văn quang

Tạm dịch:

Bên trái rồng xanh hoà trời biếc

Bên phải hổ trắng tỏa ánh hào quang

6.3 Sân đình

Là khoảng đất được tính từ án bình phong đến thềm của ngôi đình. Sân đình là nơi để bà con dân làng tụ tập hành lễ và là nơi để “xây chầu” trong những ngày lễ hội. Trong sân đình có hai khu thờ tự: Bên trái là bàn thờ Thần Nông, được xây bằng xi măng, có chiều cao 0.8 mét, chiều rộng 1.7 mét, chiều dài 1.9 mét. Bên phải là miếu thờ Thánh Hậu, được xây bằng gạch, nền miếu cao 0,2m so với mặt sân. Cửa miếu thiết kế theo hình chữ nhật, mái đổ bê tông, trên mái trang trí hình tượng lưỡng long tranh châu. Hai bên Miếu được trang trí bằng cặp câu đối bằng chữ Hán:

千 載 威 名 標 典 祀

萬 年 宗 社 壯 神 靈

Phiên âm:

Thiên tải uy danh tiêu điển tự

Vạn niên tông xã tráng thần linh

Tạm dịch:

Ngàn năm uy danh nêu ở tế tự

Vạn năm xã tắc tráng thần linh

Trong miếu thờ bài vị bằng chữ hán sơn son thếp vàng.

Câu đối: bên trong miếu ngũ hành

萬 古 桃 花 招 聖 母

千 秋 顯 赫 集 神 仙

Phiên âm:

Vạn cổ đào hoa chiêu thánh mẫu

Thiên thu hiển hách tập thần tiên

Tạm dịch:

Muôn thuở hoa đào vời thánh mẫu

Ngàn năm linh thiêng hội thần tiên

6.4. Nhà Túc

Phía trái của Chánh Điện là Nhà Khách (Nhà Túc) có đề tự “日 盛 公 所” Nhựt Thạnh Công Sở, “鄉會堂” – Hương Hội Đường, tức nơi làm việc của hương chức, hội đồng làng Nhựt Thạnh xưa. Ngày xưa, khi chưa có trụ sở chính quyền, đình là nơi làm việc của bộ máy chính quyền tại địa phương, nhà vuông, công sở là những thiết chế có chức năng như vậy. Khi bộ máy chính quyền được tách biệt, những công sở, nhà túc ở đình thường là nơi bàn bạc, tiếp khách của Ban quý tế, chính vì vậy ngày nay còn gọi là Nhà Khách, nhà Túc.

Nhựt Thạnh Công Sở được xây dựng năm 1970, mới được tu bổ năm 2018. Đây là một ngôi nhà 3 gian, quay dọc theo hướng nhìn từ Tam Quan vào. Nhà có kết cấu hỗn hợp, bê tông, gỗ, gồm 12 cột xi măng (6 cột tròn phía giữa, 6 cột vuông sát tường). Phía trên mái có kết cấu bằng gỗ (xà, kèo, hoành) lợp tôn. Phía trong cùng của nhà công sở là Khám thờ Tiên Sư – Tổ Sư, những người dạy bà con dân làng cách làm ăn, buôn bán, các nghề thủ công. Khám làm bằng gỗ, đặt trên cao, được sơn màu đỏ - vàng; phía chánh diện có đặt bài vị chữ Hán. Phía trên khám có treo 1 bức hoành phi lớn có nội dung “敬如在 - Kính như tại”, ngụ ý tôn kính các vị như đang hiện diện trước mặt. Ngoài ra, do đây là nơi làm việc của chính quyền, đại diện cộng đồng nên các câu đối, hoành phi đều mang ý nghĩa răn dạy, nhắc nhở những đức tính cao đẹp như công bình, liêm trực…

鄉 法 嚴 明 由 節 正

會 堂 有 序 是 風 醇

Phiên âm:

Hương pháp nghiêm minh do tiết chính

Hội đường hữu tự thị phong thuần

Tạm dịch:

Hương ước nghiêm minh do tiết chính

Hội đồng trật tự bởi phong thuần

6.5. Chánh điện

Về tổng thể, chính điện có kiến trúc theo lối kết hợp giữa ngôi nhà ba gian và nhà tứ trụ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu. Mặt tiền trang trí nhiều hình ảnh đẹp như rồng, hổ… và được cẩn nhiều dĩa gốm cổ tạo nên vẻ đẹp độc đáo, cổ kính của ngôi đình. Tất cả hoành phi, liễn, câu đối đều được sơn son thếp vàng và

cẩn ốc có nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc bền vững lâu dài, xưng tụng công đức của tiền nhân và thần thánh. Cách trang trí chạm trổ trên các bao lam, đề tài qua hình tượng các vật linh làm nổi bật lên sức mạnh quyền lực của rồng, sự sang trọng của phụng, mạnh mẽ của lân và phúc thọ của hạc trên lưng rùa, tất cả đều thể hiện vẻ tôn nghiêm cổ kính. Qua đó cũng thể hiện được bàn tay khéo léo và khối ốc sáng tạo của các nghệ nhân địa phương.

Phía trước mặt tiền Chánh Điện được xây dựng hết sức tỉ mỉ, tinh tế, được xem như “bộ mặt” của cả ngôi đình. Kết cấu chủ yếu bằng vật liệu bê tông, cụm tượng gốm và các cột đá xanh…

Các motiz trang trí của phần mặt tiền này tương đối đa dạng, phong phú. Hai bên là 2 bức phù điêu Bạch Hổ, Hoàng Long. Phía trên được trang trí các khung hộc hoa văn, đĩa gốm, phù điêu Quan Công cưỡi ngựa. Phía trên mái là các cụm tượng Lưỡng Long tranh châu, Ông Nhật, bà Nguyệt, chim Trĩ, cá hóa rồng, các tiểu tượng này đều được trang trí một cách đối xứng, đẹp mắt…

Trước mặt tiền chánh điện ở hai bên có trang trí hình tượng Tả Thanh Long Hữu Bạch Hổ bằng xi măng đắp nổi trên tường. Cửa chính bước vào điện được thiết kế theo lối tam quan. Phía trên cửa được trang trí bức hoành phi chữ Hán bằng xi măng đắp nổi có nội dung:

丕 膺 耿 命

Phiên âm: Phi ưng cảnh mệnh

Tạm dịch: Ứng theo mệnh sáng

Lạc khoản ghi: 己 亥 年 再 造 七 月 初 十 日(Kỷ Hợi niên tái tạo thất nguyệt sơ thập nhật) cho biết đình được tái tạo vào ngày 10 tháng 7 năm 1959.

Phía dưới là dòng chữ “NHUT THANH CO MIEU” (Nhựt Thạnh Cổ Miếu) bằng xi măng đắp nổi màu đỏ. Theo các vị cao niên trong làng, đình Nhựt Thạnh được tu bổ năm 1957, nhưng do điều kiện khó khăn nên đến năm 1959 mới xong ngôi chánh điện này.

Chánh Điện của đình Nhựt Thạnh gồm 2 ngôi nhà: một ngôi nhà 3 gian phía trước, một ngôi nhà tứ trụ được sắp liền kề, giàn khung rường hoàn toàn bằng gỗ, tường bao quanh được xây bằng gạch. Phía trên mái được lợp bằng ngói móc. Tất thảy đều được sơn phết, tô vẽ rất tỉ mỉ, có tính mỹ thuật cao.

Phần Tiền điện hay còn gọi Võ Quy, khu vực này được giới hạn từ bức tường mặt trước đến phần cửa Chánh Điện, chiều rộng phần này khoảng 2.4m. Đây

thường là khu vực để chuẩn bị lễ vật trước khi vào cúng. Tiền Điện đình Nhựt Thạnh được trang trí tương đối cầu kỳ, có nhiều cặp đối được bố trí ở cả mặt tiền và đầu đốc. Hai cặp đối ở giữa mặt tiền được chế tác trên cột đá xanh, các chữ Hán được khắc chìm, sơn đỏ, được viền bằng các chi tiết hoa văn, sơn vàng. Đây là một yếu tố kiến trúc tương đối hiếm gặp ở các ngôi đình ở Bình Dương…

Câu đối 4

赫 赫 精 靈 光 宇 宙

汪 汪 惠 澤 漙 閭 閻

Phiên âm:

Hách hách tinh linh quang vũ trụ

Uông uông huệ trạch đoàn lư diêm

Tạm dịch:

Lừng lẫy uy linh sáng vũ trụ

Ân đức sâu rộng thấm cổng làng

Câu đối:

聲 靈 顯 赫 昭 千 古

德 澤 汪 流 布 萬 方

Phiên âm:

Thanh linh hiển hách chiêu thiên cổ

Đức trạch uông lưu bố vạn phương

Tạm dịch:

Linh thiêng, hiển hách ngàn xưa tỏ

Công đức, rộng dày khắp chốn hay

Qua khỏi phần Tiền điện đến phần nội điện. Nội điện đình thần Nhựt Thạnh được bài trí rất bài bản và đẹp mắt. Từ cửa vào đến khám thờ Thần có 4 hàng cột, mỗi hàng cột có 6 cột (2 cột nhất, 4 cột nhì), tổng cổng có 24 cột. Khoảng cách giữa hai hàng cột nhì là 2.7m, giữa hai cột chính là 3.2m, các cột gỗ cao từ 4.7m (cột nhì), 5.2m (cột nhất) tạo thành một bộ khung chịu lực cao ráo, vững chắc. Bộ

khung này hoàn toàn được làm bằng gỗ quý, có tuổi đời hơn 100 năm. Phía trên mái, các đoạn kèo, xà được đấu nối với cột bằng lối ghép mộng, xuyên trính, tất cả đều được bào nhẵn sơn phết chống mối mọt kĩ càng. Trên mỗi cột được bài trí các tấm liễn đối, sơn son thếp vàng, các chữ Hán được chạm khắc kiểu chữ Khải chân phương, đủ nét và trang nghiêm. Đình Nhựt Thạnh có tổng cộng gần 50 hoành phi, liễn đối chữ Hán, có những cặp đối được tạo tác từ năm Kỷ Dậu (1909), Canh Tuất (1910)…hiện trạng vẫn còn rất tốt. Nội dung các cặp đối đều rất sâu sắc, ý nghĩa; ngoài việc ca ngợi công, đức Thành Hoàng Làng còn mang ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, dân làng yên ổn, thịnh đạt; một số câu còn mang ý nghĩa răn dạy lớp hậu thế về cách đối nhân xử thế, quy cách ứng xử trong cộng đồng…

Không gian nội điện chia thành 3 phần, được giới hạn bởi các hàng cột. Phía bên phải Khám thờ Thần là các bàn thờ Hữu Ban, Tiền Bối, Hậu Bối và bàn thờ Kính Thỉnh (Bàn thờ chung chư vị). Phía bên trái là các bàn thờ Tả Ban, Tiền Bối và một bàn thờ không có bài vị.

Trục giữa phần nội điện là khu vực trung tâm, khu vực thờ chính và thường là nơi tập trung làm lễ ở mỗi dịp lễ cúng, tế. Từ ngoài vào, khu vực trung tâm này gồm có Bàn thờ Hội Đồng ngoại, Ván Son (nơi để heo tế), Bàn thờ Hội Đồng Nội (nơi có để tráp đựng sắc phong), trong cùng là Khám thờ Thần.

Từ Tiền điện bước vào trong chánh điện gian đầu tiên là dãy thờ Hội đồng ngoại. Gian thờ hội đồng ngoại gồm có 3 án thờ (tủ thờ) được làm bằng gỗ, sơn son mạ vàng. Mặt trước bàn thờ Hội đồng ngoại được trang trí hình tượng rồng cách điệu, mây bao quanh, xung quanh bao viền hoa lá đến chân bàn. Bên phải là bàn thờ Nhạc Tiên, bên trái là bàn thờ Kính Thỉnh.

Phía trong bàn thờ Thỉnh Kính và Nhạc Tiên bàn thờ Hậu Bối và 1 bàn thờ không có bài vị. Bàn thờ được làm bằng xi măng, mặt trước và hai bên bàn thờ trang trí bằng hoa, lá được đúc nổi trên mặt bằng bê tông.

Trên các hàng cột của gian thờ này có thiết trí một số hoành phi, câu đối như sau5:

聖 功 嚴 鉄 鉞 赫 赫 英 靈 昭 日 月

帝 德 妙 彭 桴 巍 巍 厚 澤 配 乾 坤

Phiên âm:

Thánh công nghiêm thiết việt hách hách anh linh chiêu nhật nguyệt.

Đế đức diệu bành phù nguy nguy hậu trạch phối càn khôn

Tạm dịch:

Công Thánh búa sắt uy nghiêm, hiển hách linh thiêng ngời nhật nguyệt

Đức Đế bè lớn huyền diệu, ân trạch mênh mông sánh đất trời

堂 陛 發 禎 祥 正 道 坦 平 若 砥

門 庭 生 光 彩 物 情 煦 育 如 春

Phiên âm;

Đường bệ phát trinh tường chính đạo thản bình nhược chỉ

Môn đình sinh quang thải vật tình chiếu dục như xuân

Tạm dịch:

Dưới thềm phát điềm lành chánh đạo bằng phẳng chỉ một lần

Cửa đình sinh khí tốt, vạn vật vui vẻ như mùa xuân

Câu đối:

德 其 盛 乎 保 護 不 期 南 與 北

誠 可 格 也 英 靈 無 限 古 而 今

Phiên âm:

Đức kỳ thịnh hồ bảo hộ bất kỳ nam dự bắc

Thành khả cách dã anh linh vô hạn cổ nhi kim

Tạm dịch:

Đức hưng thịnh thay, bảo vệ muôn đời nam và bắc

Lòng thành chứng giám, linh thiêng vô hạn xưa và nay

Hoành phi:

貞亨元利

Phiên âm: Trinh hanh nguyên lợi

Đọc: Nguyên hanh lợi trinh

Tạm dịch: Bốn đức (Nhân, lễ, nghĩa, trí)

巍 巍 廟 貌

Phiên âm: Nguy nguy miếu mạo

Tạm dịch: Ngôi Miếu to lớn

肅肅門庭

Phiên âm: Túc túc môn đình

Tạm dịch: Cung kính nơi cửa đình

Gian thờ thứ hai trong chánh điện có 3 tủ thờ. Hai bên là bàn thờ Tiền bối và bàn thờ Tiên bối, ở giữa là án thờ Giáng son và bàn thờ Hội đồng nội. Các bàn thờ được làm bằng xi măng, đúc nổi hình tượng dây hoa lá ở hai bên, riêng mặt trước còn trang trí thêm bao quang hồ lô, án thư rất tỉ mỉ đẹp mắt. Trên bàn thờ Hội Đồng Nội có để tráp đựng sắc phong bằng gỗ sơn son thếp vàng được chạm khắc cầu kỳ, tỉnh xảo. Hai bên được chạm khắc hình tượng rồng uốn lượn trong mây, phía trước trang trí hình tượng rồng, lân, dây hoa lá cách điệu. Trước bàn thờ có lỗ bộ (binh khí) và cặp hạc đứng trên lưng rùa được làm bằng gỗ.

Gian thờ này có thiết trí một số hoành phi, câu đối như sau6:

Câu đối:

創 造 惟 難 今 日 構 完 由 人 傑

守 成 不 易 他 年 安 享 賴 風 醇

Phiên âm:

Sáng tạo duy nan kim nhật cấu hoàn do nhân kiệt

Thủ thành bất dị tha niên an hưởng lại phong thuần

Tạm dich:

Sáng tạo vốn rất khó, ngày nay dựng xong nhờ người tài

Giữ thành quả không dễ, năm sau an hưởng bởi gió lành

Câu đối:

歌 贈 保 安 日 運 興 仁 蕩 蕩 高 明 乎 造 化

神 威 正 直 盛 和 悠 久 巍 巍 博 厚 配 無 疆

Phiên âm:

Ca tặng bảo an nhật vận hưng nhân đãng đãng cao minh hồ tạo hóa

Thần uy chính trực thịnh hòa du cửu nguy nguy bác hậu phối vô cương

Tạm dịch:

Ca tặng Bảo An, nhân luôn hưng vượng, cao sáng mênh mông thay tạo hóa

Thần uy Chính Trực, thịnh hòa mãi mãi, nguy nga sâu rộng đến vô cùng

Hoành phi:

德化萬 ⺠

Phiên âm: Đức hoá vạn dân

Tạm dịch: Công đức cảm hoá muôn dân

Hoành phi:

萬國咸亨

Phiên âm: Vạn quốc hàm hanh

Tạm dịch: Vạn quốc được hanh thông

Hoành phi:

風調雨順

Phiên âm: Phong điều vũ thuận

Tạm dịch: Mưa thuận gió hoà

Gian thờ cuối cùng trong chánh điện là nơi đặt khám thờ Thần và bàn thờ Tả Ban, Hữu Ban. Các bàn thờ này đều được làm bằng xi măng. Mặt trước bàn thờ Tả Ban được trang trí hình tượng chim phượng bay trong mây, mặt trước bàn thờ Hữu ban được trang trí hình tượng rồng, xung quanh được trang trí hình tượng dây, hoa, lá cách điệu tạo đường diềm.

Bàn thờ chánh thần được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong chánh điện của đình vì theo tín ngưỡng người dân, thần Thành Hoàng bổn cảnh là “chủ nhân của ngôi đình”. Khám thờ Thần đình Nhựt Thạnh không cầu kì nhưng tinh tế, khám được làm hoàn toàn bằng gỗ, chạm trổ các họa tiết rồng, cúc, trĩ… rất tinh xảo và có tính mỹ thuật cao. Tất thảy các hạng mục này đều được sơn son, thếp vàng, kẻ chỉ, viền

khung. Ở giữa khám là linh vị của Thần, phía sau được khắc một chữ “神- Thần” màu vàng trên nền đỏ rất lớn. Linh vị Thần là một bộ phận hết sức linh thiêng trong tâm thức người dân, bởi vậy bài vị được đặt ở nơi trang trọng nhất của đình đó là chính giữa của bàn thờ Thần. Linh vị được làm bằng gỗ, hình nhữ nhật mô phỏng dáng người ngồi, sơn son thiếp vàng, trên cũng được chạm khắc hình đầu rồng uy nghi, dọc hai bên long vị chạm khắc hình con rồng bay trong mây. Trung tâm của linh vị được ghi tên hiệu của Thần bằng chữ Hán.

Gian thờ này có thiết trí một số hoành phi, câu đối như sau7:

日 耿 聖 恩 濯 濯 劂 靈 乎 在 上

盛 霑 神 德 洋 洋 顯 赫 壯 于 中

Phiên âm:

Nhật cảnh thánh ân trạc trạc quyết linh hồ tại thượng

Thịnh triêm thần đức dương dương hiển hách tráng vu trung

Dịch nghĩa:

Sáng ngời ân thánh, linh thiêng ngời ngợi ở trên

Thấm nhuần đức thần, hiển hách bao la bên trong

Các ban thờ:

Tả ban:

左 班 列 位

Phiên âm: Tả ban liệt vị

Câu đối:

被 四 表 格 于 上 下

護 黎 ⺠ 於 变 時 雍

Phiên âm:

Bị tứ biểu cách vu thượng hạ

Hộ lê dân ư (ô) biến thời ung

Tạm dịch:

Đức sáng tỏa khắp bốn cõi thấu cả trên dưới

Bảo vệ dân chúng từ đó trở nên hòa mục

Hữu ban:

右 班 列 位

Phiên âm: Hữu ban liệt vị

Câu đối:

美 培 宇 宙 舊 規 模

平 立 鴻 基 新 制 度

Phiên âm:

Mỹ bồi vũ trụ cựu quy mô

Bình lập hồng cơ tân chế độ

Tạm dịch:

Vun bồi vũ trụ quy mô cũ.

Gây dựng cơ đồ chế độ mới

Câu đối:

日 為 禮 樂 和 為 貴

盛 作 公 平 德 作 安

Phiên âm:

Nhật vi lễ nhạc hoà vi quý

Thịnh tác công bình đức tác an

Tạm dịch:

Ngày ngày lễ nhạc hòa vi quý

Thịnh tạo công bằng đức tạo an

Hoành phi:

後 松 俗

Phiên âm: Hậu tùng tục

Diễn nghĩa: Hậu thế vững mạnh như tùng như bách

Hoành Phi:

施 正 教

Phiên âm: Thi chính giáo

Diễn nghĩa: Dạy giỗ những điều hay lẽ phải.

Hoành phi:

敬 如 在

Phiên âm: Kính như tại

Diễn nghĩa: Kính như đang ở trước mặt

Bàn thờ Thần:

Thần

Hoành phi:

恭 迎 聖 駕

Phiên âm: Cung Nghinh Thánh Giá

Câu đối:

神 恩 浩 蕩 昭 千 古

聖 德 巍 峩 布 萬 方

Phiên âm:

Thần ân hạo đãng chiêu thiên cổ

Thánh đức nguy nga bố vạn phương

Tạm dịch:

Ơn thần rộng lớn mời gọi từ ngàn xưa

Đức thánh cao vời khắp muôn phương

8. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Đình Nhựt Thạnh hình thành gần 200 năm trên vùng đất Bình Dương mang đậm phong cách kiến trúc mỹ thuật của một ngôi đình Nam Bộ xưa, đến nay đình còn bảo tồn được phần lớn nếp sinh hoạt văn hóa và các nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam. Đặc biệt, đình còn lưu giữ Sắc phong của vua Tự Đức ban vào năm 1852. Đình có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển vùng đất, con người cù lao Thạnh Hội trong bối cảnh chung của lịch sử phương Nam của Tổ quốc. Thời mở đất lập làng, đình là nơi chở che nhân dân được bình an trước thiên nhiên hoang vu đang từng bước được con người khám phá và khai hoang lập nên xóm, làng dần phát triển trù phú như ngày hôm nay.

Hệ thống hoành phi, liễn đối được bảo lưu trong đình là nguồn sử liệu quan trọng liên quan đến lịch sử của đình cũng như vùng đất cù lao Thạnh Hội. Thông qua hệ thống các cổ vật, nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc được biểu hiện một cách cụ thể và sâu sắc nhất. Đó là truyền thống về lòng tự hào dân tộc, đạo lý biết ơn ông bà, tổ tiên; về những triết lý nhân sinh, thể hiện ước muốn cao đẹp về một vùng đất thanh bình, thịnh vượng, nhà nhà an yên, đồng thời cũng là thông điệp của các bậc tiền nhân truyền dạy đến hậu thế. Có thể nói đình Nhựt Thạnh là ngôi đình có bề dày lịch sử qua quá trình hình thành và phát triển trong công cuộc khẩn hoang, xây dựng làng xã, phát triển cư dân vùng đất này, đồng thời lịch sử tồn tại và phát triển của ngôi đình luôn gắn liền với công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

Trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm đình vừa là nơi chiến sĩ cách mạng địa phương rèn luyện, hun đúc ý chí, tổ chức lực lượng để tiêu diệt kẻ thù, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Nhựt Thạnh là nơi hoạt động cách mạng của người dân vùng đất cù lao.

Đình Nhựt Thạnh là nơi thờ Thành hoàng làng cùng các bậc Tiền hiền, Hậu hiền đã có công khai hoang mở đất, quy tụ dân chúng, tạo lập làng xã và xây dựng ngôi đình. Nơi đây đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của cư dân địa phương. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng được tổ chức thường niên ở đình Nhựt Thạnh có ý nghĩa biểu đạt tâm linh, thể hiện khát vọng hướng thiện, ý thức tìm về cội nguồn dân tộc, là chất kết dính tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt.Đình trở thành cơ sở tín ngưỡng cho nhân dân khắp nơi tìm về những nét đẹp văn hóa truyền thống, mà ở đó chính là nét thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân.

Đình Nhựt Thạnh được xây dựng và tồn tại đến ngày hôm nay góp phần khẳng định sự định cư lâu dài của cư dân người Việt trên vùng đất này, đồng thời gắn chặt với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất – con người nơi đây. Đình Nhựt

Thạnh góp phần khẳng định chủ quyền của quốc gia, của dân tộc, thể hiện quá trình mở cõi xuống phương Nam của Tổ quốc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình Nhựt Thạnh vẫn tồn tại như một minh chứng tiêu biểu liên quan đến các sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương.

Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa một cách nhanh chóng tại Miền Đông Nam Bộ, nhất là ở Bình Dương, đình Nhựt Thạnh nói riêng và cù lao Thanh Hội nói chung vẫn còn giữ được cái đẹp dân dã, cổ kính khá tiêu biểu cho miền quê Nam Bộ. Đình Nhựt Thạnh là một trong số ít những ngôi đình còn giữ lại được nét cổ kính xưa, cái đẹp hiền hòa, bình dị của một làng quê Việt Nam trên vùng đất Bình Dương đến ngày hôm nay.

Giá trị khoa học của di tích thể hiện ở những vật liệu xây dựng, kết cấu vật liệu để xây dựng đình. Qua những vật liệu này các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu nhiều lĩnh vực khác: vật dụng, vật liệu, phong tục, kiến trúc nghệ thuật và đời sống của nhân dân địa phương.

Ngệ thuật thẩm mỹ của đình Nhựt Thạnh thể hiện ở các motiz trang trí của phần mặt tiền đình tương đối đa dạng, phong phú. Hai bên là 2 bức phù điêu Bạch Hổ, Hoàng Long. Phía trên được trang trí các khung hộc hoa văn, đĩa gốm, phù điêu Quan Công cưỡi ngựa. Phía trên mái là các cụm tượng Lưỡng Long tranh châu, Ông Nhật, bà Nguyệt, chim Trĩ, cá hóa rồng, các tiểu tượng này đều được trang trí một cách đối xứng, đẹp mắt. Bên cạnh đó Khám thờ Thần đình Nhựt Thạnh được chạm khắc cầu kì, tinh tế. Khám được làm hoàn toàn bằng gỗ, chạm trổ các họa tiết rồng, cúc, trĩ… rất tinh xảo và có tính mỹ thuật cao.

Nhìn chung, cảnh quan, kiến trúc đình Nhựt Thạnh có những giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật. Tuy bị ảnh hưởng không nhỏ bởi chiến tranh, thời gian, thời tiết nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp cổ kính, truyền thống. Qua di tích này, chúng ta có thể hiểu hơn về vùng đất con người cù lao Thạnh Hội, hiểu hơn về những nét văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng đã và đang diễn ra nơi đây.

Các giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được kết tinh trong đình Nhựt Thạnh là những di sản, là tiềm năng chủ yếu trong khai thác, phát huy giá trị phục vụ du lịch, nghiên cứu khoa học và giáo dục văn hóa truyền thống. Vì vậy, bảo vệ và phát huy các giá trị tiêu biểu của đình Nhựt Thạnh là một việc làm cấp thiết trong đời sống xã hội hiện nay.

DTT06159.JPG 277.51 KB