Địa điểm

MIẾU ÔNG - NƠI HOẠT ĐỘNG TRINH SÁT, QUÂN BÁO, BIỆT ĐỘNG TỈNH BÌNH DƯƠNG (Di tích Lịch sử - Văn hóa)

2021-10-26 06:35:45
Miếu Ông - Nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương là căn cứ địa cách mạng, tọa lạc trên địa bàn Khu phố Tân Long, Phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cách Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương 10 km về hướng Đông.

1. Tên gọi di tích: Miếu Ông – Nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương.

Miếu Ông – Nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương là địa điểm ghi dấu sự kiện, căn cứ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của ngành Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương.

Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương là một bộ phận quan trọng của tỉnh Bình Dương, có chức năng, nhiệm vụ nắm địch và đánh địch với kỹ thuật chiến đấu tinh nhuệ, kỹ thuật độc đáo trong chiến tranh nhân dân của Việt Nam.

2. Địa điểm phân bố - đường dẫn đến di tích

Địa điểm: Miếu Ông – Nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương là căn cứ địa cách mạng, tọa lạc trên địa bàn thuộc Khu phố Tân Long, Phường Tân hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cách trung tâm hành chính Thành phố Thủ Dầu Một 10 km về hướng Đông.

Đường dẫn vào di tích

Từ trung tâm thành phố Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương đi theo đường Huỳnh Văn Lũy hướng vào thành phố mới tỉnh Bình Dương đi thẳng tới đường Nguyễn Văn Linh rẽ phải khoảng 3km tới ngã 3 ( hướng đi Tân Phước Khánh – Uyên Hưng) rồi rẽ trái về hướng đi Uyên Hưng (thị xã Tân Uyên) đi khoảng 600m gặp cây xăng Tân Hiệp rẽ trái 600m là tới Miếu Ông – Nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương.

3. Loại hình di tích:

Miếu Ông – Nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương thuộc loại hình di tích lịch sử cách mạng.

4. Sự kiện, nhân vật lịch sử:

4.1. Sự kiện lịch sử:

Hoàn cảnh ra đời của lực lượng Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương.

Trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, có nhiều tấm gương, nhiều anh hùng đã thầm lặng hy sinh cho tổ quốc, họ luôn phải chiến đấu trong tình trạng và tâm thế của hai chiến tuyến. Đó là những cán bộ tình báo, trinh sát, quân báo, biệt động.

Khác với một số nước trên thế giới như: Đức, Nga, Mỹ,… Việt Nam không hề có trường đào tạo tình báo, trinh sát, quân báo, biệt động nhưng bằng trái tim quả cảm, tình yêu quê hương đất nước và sự tiếp nối truyền thống đánh giặc của

cha ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của tổ chức những cán bộ tình báo, trinh sát, quân báo, biệt động đã ngày một trưởng thành và đáp ứng được tính chất khoa học của ngành, đồng thời đảm bảo mỗi cán bộ tình báo, trinh sát, quân báo, biệt động phải có 4 đức tính “bí mật, cẩn thận, khôn khéo, kiên nhẫn”.

Vì sự khắc nghiệt của chiến tranh nên người lính trên mọi mặt trận phải là những người trung thành nhất, kiên quyết nhất, hăng hái nhất, tuy mỗi binh chủng, mỗi ngành đều có nhiệm vụ riêng nhưng vai trò người chiến sỹ luôn luôn là nhân tố quyết định. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều công sức để đào tạo và rèn luyện những thế hệ chiến sỹ có lý tưởng cách mạng, có trình độ và hiểu biết về nghệ thuật quân sự, trong số đó có những chiến sỹ tình báo, trinh sát, quân báo, biệt động – nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Trước bối cảnh phức tạp của cuộc kháng chiến chống Pháp sau ngày 2 tháng 9 năm 1945 đặt ra cho cách mạng Việt Nam trước những khó khăn và thách thức vô cùng to lớn “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, “thù trong giặc ngoài” luôn rình rập tấn công…Tình hình đất nước ở giai đoạn này như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định “Ngàn cân treo sợi tóc”. Đối mặt với những khó khăn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự lãnh đạo của Đảng đã từng bước đưa đất nước vượt qua những khó khăn trước mắt. Đồng thời xác định: nội dung chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ và toàn diện trước quân xâm lược hùng mạnh là Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Trong tình hình đó, cơ quan bộ tổng tham mưu chiến lược của Đảng được thành lập ngày 07/9/1945, với tinh thần đẩy mạnh đánh địch trên mọi mặt trận bằng chiến thuật mới: kết hợp chiến tranh nhân dân với khoa học quân sự, nhằm vào các đốt xương sống của địch mà đánh, “biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng”… Để yểm trợ vững chắc cho lực lượng vũ trang, công tác trinh sát, quân báo, biệt động phải được nâng lên thành chiến thuật mang tính chất quyết định cho thắng lợi trên mọi mặt trận. Theo đó, ngày 25 tháng 10 năm 1945 Phòng Tình báo thuộc Bộ tổng tham mưu được thành lập, do đồng chí Hoàng Minh Đạo giữ chức vụ chánh văn phòng, đồng chí Bùi Huy Bê giữ chức phó phòng tình báo.

Trong một lá thư gửi Hội nghị tình báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vai trò và nhiệm vụ của nghiệp tình báo, trinh sát, quân báo, biệt động như sau:

· Tình báo là tai và mắt của quân đội. Tai phải nghe rõ, mắt phải thấy rõ tình hình của địch thì ta mới dễ thắng địch.

· Biết địch là nhiệm vụ của tình báo

· Tình báo là một khoa học. Người làm tình báo phải có 4 đức tính: Bí mật, Cẩn thận, Khôn khéo, Kiên nhẫn và phải tuyệt đối tẩy sạch những chứng: khoe khoang, ba hoa, cẩu thả, hấp tấp, lộ bí mật, làm việc luộm thuộm, sơ suất hoặc làm bằng cách bàn giấy.

· Tình báo có huấn luyện hẳn hoi, huấn luyện tinh thần và kỹ thuật. Từ cấp trên đến cấp dưới, phải thi đua nhau nghiên cứu học tập. Không nên giấu dốt, giấu dốt thì không bao giờ thông được.

· Tình báo cũng như mọi việc khác phải dựa vào dân. Tai mắt của người tình báo có hạn. Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt. Việc gì

họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết. Vì vậy, tình báo phải cố gắng làm thế nào cho nhân dân giúp sức, thì sẽ thành công to".

Ngay sau sự ra đời của Phòng tình báo thuộc Bộ tổng tham mưu, khắp nơi trong cả nước, ngành trinh sát, tình báo, quân báo được kiện toàn tổ chức và phát triển. Trong tinh thần đó, tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương đã được ra đời và phát triển trong bối cảnh chung của cả nước.

Bình Dương được xác định là cửa ngõ vào Sài Gòn – cơ quan đầu não của địch, là nơi có thể nắm bắt nhanh các thông tin, các hoạt động của địch. Với vị trí chiến lược quan trọng này, tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương đã quyết định chọn Miếu Ông thuộc ấp Tân Long, Xã Tân Hiệp nay là Phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên làm căn cứ của tổ chức vì ở vị trí này tổ chức có thể hoạt động tốt nhất về mặt địa hình: miếu ông, hầm bí mật, gần dân, gần địch, có rừng yểm trợ, dễ dàng kết nối và truyền tin nhanh đến với tổ chức…

Miếu Ông được xây dựng vào năm 1735 bởi lớp cư dân người Việt sinh cơ lập nghiệp trên vùng Tân Uyên để làm nơi chiêm bái, cúng kiến cầu cho dân làng được bình an, mưa thuận gió hòa. Tận dụng sự ra vào cúng kiến của người dân nên tổ chức Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương đã bố trí hòm thư, cán bộ tại Miếu để hoạt động cách mạng.

*Thời kỳ kháng chiến chống Pháp

Tổ chức Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương được thành lập có nhiệm vụ nắm địch và phục vụ cho cấp ủy và thủ trưởng các cấp, chỉ huy chỉ đạo đánh địch bảo vệ căn cứ, bảo vệ chiến khu, bảo vệ nội bộ.

Tại Thủ Dầu Một ở giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp có bộ đội Cò Trương, Năm Thi, Lê Đức Anh, Bến Cát, Hớn Quản, Nguyễn Huệ, Thái Nguyên. Hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang kể trên là tổ chức tình báo, mật vụ, phản gián, trinh sát Thủ Dầu Một do đồng chí Nguyễn Văn Hiếu phụ trách.

Năm 1950 – 1951 lực lượng Thủ Dầu Một và Biên Hòa được điều chỉnh về mặt tổ chức, thành lập trung đoàn chủ lực khu và trung đoàn Đồng Nai, bỏ hình thức liên trung, sát nhập Thủ Dầu Một và Biên Hòa thành tỉnh Thủ Biên, do đồng chí Trần Văn Danh tham mưu trưởng tỉnh đội, kiêm trưởng tiểu khu quân báo, đồng chí Đào Trọng Hằng, đồng chí Võ Công Vinh, Lý Kim Đính giữ chức vụ phó trưởng tiểu ban quân báo tỉnh Thủ Biên1.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại Bình Dương tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động đã góp phần cùng với lực lượng vũ trang thực hiện nhiều trận đánh táo bạo, gây nhiều thiệt hại cho địch. Đặc biệt trận đánh phục kích đoàn xe vận chuyển lực lượng của địch trên quốc lộ 13, đốt cháy nhiều xe, nhiều tên địch chết tại chỗ ở khu vực Truông Thơm, xã Tân Định, Bến Cát…

Ở giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1951, tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương có nhiều thay đổi về tên gọi: tình báo, mật vụ, phản gián, trinh sát, tình báo độc lập, ban mật vụ, địch ngụy vận, quân báo (1954). Mặc dù có nhiều biến động về mặt tổ chức do yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng, các cơ quan nắm địch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp cũng có nhiều thay đổi về tên

gọi, song nhiệm vụ trung tâm là nắm tình hình địch, đảm bảo phục vụ tác chiến, đánh diệt địch giành nhiều thắng lợi. Đây là những đơn vị tiền thân của ngành Trinh sát, Quân báo, Biệt động hiện nay.

*Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ

Căn cứ vào tính chất, tình hình hoạt động của tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động và tình hình của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, có thể chia thời kỳ này thành 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn ứng với những yêu cầu, tính chất, phương pháp và đóng góp của tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động khác nhau.

Giai đoạn 1954 – 1960:

Giai đoạn này, Mỹ thực hiện chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới ở chiến trường miền Nam Việt Nam, dựa trên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên để thay thế Pháp tại chiến trường Việt Nam. Mỹ đưa ra hàng loạt chủ trương: xây dựng lực lượng cảnh sát, khám đường để đàn áp phong trào yêu nước, xây dựng nhà tù để giam giữ và tiêu diệt ý chí cách mạng của người Việt Nam, ra sức đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, dụ dỗ nhiều giáo dân từ miền Bắc di cư vào Nam, lập “ấp chiến lược” với chiến thuật “tát nước bắt cá” nhằm cô lập lực lượng cách mạng Việt Nam, tổ chức đầu độc tập thể tù nhân Phú Lợi ngày 01/12/1958, đồng thời ban hành luật 10/59 – lê máy chém khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam để xử tử những người Việt Nam yêu nước, với khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Trước tình hình đó, Tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương đã rất tinh nhuệ, sáng tạo, bản lĩnh và quả cảm. Các cán bộ trinh sát, quân báo, biệt động được cài, bố trí bám dân, tổ chức phát động quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân để nắm địch, kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng tiến hành tổ chức đấu tranh chính trị. Thắng lợi của các cán bộ trinh sát, quân báo, biệt động ở giai đoạn này có thể kể đến đó là việc vô hiệu hóa luật 10/59 của Mỹ - Diệm, cán bộ trinh sát, quân báo, biệt động đã được cài vào ấp chiến lược để xây dựng lực lượng cách mạng, thực hiện tuyên truyền có hiệu quả về tội ác của Mỹ - Diệm trong việc đầu độc tập thể tù nhân Phú Lợi từ đó khắp nơi trong cả nước thi đua sản xuất, chiến đấu vì Phú Lợi đau thương, tiến tới chuẩn bị cho Đồng Khởi ở Bến Tre năm 1960.

Tổ chức trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương đã thích nghi được với sự khắc nghiệt của cuộc chiến và tính chất của ngành, hoạt động có tổ chức và mang tính chuyên nghiệp cao.

Giai đoạn: 1961 – 1965

Đây là giai đoạn Mỹ tiến hành chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” tại miền Nam Việt Nam, đẩy mạnh việc lập ấp chiến lược với tổng số ấp lên đến 16.000 ấp chiến lược để giam giữ 10 triệu nông dân miền Nam Việt Nam, chính sách này “hòng” tách lực lượng cách mạng ra khỏi nhân dân, xây dựng mạng lưới các trại giam, nhà tù, trại kiểm soát, tiến hành bắt bớ, tra tấn người dân thường vô tội để uy hiếp tinh thần cách mạng của các chiến sĩ yêu nước, đặc biệt là việc sử dụng chất độc hóa học để phun rải trên bầu trời Việt Nam (ngày 10 tháng 8 năm 1961)2.

Trước tình hình đó, cán bộ trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương đã nỗ lực phấn đấu, nhanh chóng móc nối tổ chức cơ sở quân báo nhân dân, cơ sở tình báo và điệp báo trên diện rộng và ngay cả trong lòng địch, nắm bắt tình hình và vô hiệu hóa các cuộc hành quân của địch, tiêu diệt sinh lực địch.

Về cơ cấu tổ chức: tên gọi ở giai đoạn này là Ban Trinh sát quân báo tỉnh đội (gọi tắt là Ban 2) do đồng chí Trương Văn Thợ phụ trách trưởng Ban, kiêm tham mưu phó tỉnh trưởng. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng – Phó Ban 2 phụ trách địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một, đồng chí Châu Minh Tiến – Phó Ban 2 tỉnh Phước Thành phụ trách đào tạo nghiệp vụ. Để nắm chắc mọi tình hình hoạt động của địch trên chiến trường Thủ Dầu Một, Ban 2 trinh sát quân báo tỉnh đã tập trung xây dựng vững chắc các cụm trinh sát, quân báo trọng điểm như: Lái Thiêu, Đường số 2, đường 16 Đồng Chinh, Bến Cát... đồng chí Tô Minh Lý quận trưởng quận Bến Cát, đồng chí Sáu Tâm phụ trách cụm quận Lái Thiêu. Ban 2 ngoài công tác chỉ đạo nắm tình hình địch là nhiệm vụ trung tâm của đơn vị còn chỉ đạo quân báo Thị xã và Châu Thành tổ chức một lực lượng biệt động đánh vào một số mục tiêu quan trọng ngay trong các vùng do địch hoàn toàn kiểm soát bằng những chiến thuật đặc trưng riêng, xuất hiện lúc ẩn, lúc hiện bằng những loại vũ khí gọn nhẹ, những loại mìn hẹn giờ được che dấu trong những vật dụng mà nhân dân dùng hằng ngày như cà mên đựng cơm hoặc trong típ xe đạp, những trái bầu, bí, ký thịt bò …Lực lượng biệt động thị xã Thủ Dầu Một do đồng chí Nguyễn Văn Ẩn chỉ huy, đồng chí Nguyễn Văn Qùy chế tạo vũ khí ngụy trang. Do tính chất của ngành nên chức vụ và vị trí hoạt động trong tổ chức được thay đổi theo từng giai đoạn để thích nghi với hoàn cảnh chiến đấu.

Giai đoạn 1961 – 1965, ngành trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương đã xây dựng được đội ngũ cán bộ khá vững chắc, luôn là những mũi nhọn thọc sâu để bám dân, phát động quần chúng, mở rộng cơ sở cách mạng để nắm địch và tổ chức lực lượng trinh sát, quân báo, biệt động tiến hành đánh diệt địch ngay trong các khu vực hoàn toàn do địch kiểm soát, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, có giá trị chiến lược, như chiến lược quân sự Lai Khê, Bàu Bàng, Phước Thành, Tam Giác Sắt…các chiến lược đã gắn liền với tên tuổi của các cán bộ trinh sát như: Nguyễn Văn Tòng, Sáu Tâm, Sáu Sơn, Út Thanh, Nguyễn Văn Hùng (Út Hùng), đồng chí Liễu, đồng chí Căng, đồng chí Hòa và một số cán bộ khác.

Tháng 4 năm 1963, lực lượng biệt động thị xã Thủ Dầu Một phối hợp với cơ sở mật tập kích tiêu diệt bọn bảo vệ cột đồng hồ trung tâm chợ Thủ Dầu Một giữa ban ngày, diệt 6 tên cảnh sát. Tháng 9 năm 1963, đội tập kích chốt kiểm soát khu vực Gò Đậu, diệt 5 tên địch. Đến tháng 6 năm 1964, đội phục kích diệt tiểu đội dân vệ càn quét địa bàn căn cứ du kích ấp Phú Văn của địch, loại khỏi vòng chiến đấu 7 tên địch, thu 5 súng… Những trận đánh của lực lượng biệt động thị xã Thủ Dầu Một trong năm 1963 – 1964 đã tiêu hao sinh lực địch, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong tinh thần binh lính địch tại thị xã. Đồng thời tiếp sức, động viên tinh thần các tầng lớp nhân dân trong nội ô thị xã đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, đòi tự do đi lại làm ăn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng địa

phương đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vận động quần chúng đóng góp tiền, gạo, thuốc men ủng hộ cách mạng, động viên con em thoát ly, tham gia lực lượng vũ trang.

Trong giai đoạn khốc liệt này đã có 15 đồng chí cán bộ trinh sát đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ.

Giai đoạn 1965 – 1969:

Đây được đánh giá là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam với chiến lược mang tên “Chiến tranh cục bộ”. Bên cạnh việc đưa 549.500 quân viễn chinh, quân 5 nước phụ thuộc Mỹ (bao gồm: Australia, Philippine, New Zealand, Thailand, South Korea), quân đội Sài Gòn, Mỹ tăng cường sử dụng không quân và hải quân tấn công miền Bắc Việt Nam, Sử dụng 100 triệu lít chất độc hóa học (trong đó 44 triệu lít chất Dacam, 366 kilogam dioxin – chất độc hủy diệt), 14.300.000 tấn bom đạn các loại ném xuống Việt Nam hòng biến Việt Nam thành chiến trường khốc liệt nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh mà Mỹ tham gia3.

Bình Dương trở thành chiến trường ác liệt của những cuộc giao tranh giữa một bên là những người Việt Nam yêu nước và một bên là các sư đoàn khét tiếng tàn bạo của Mỹ như: Sư đoàn bộ binh 25 hay còn gọi là “Tia chớp nhiệt đới”, Sư đoàn kỵ binh bay số 1 hay còn gọi là “Anh cả đỏ”, sư đoàn 5, sư đoàn 18 của Ngụy.

Đáp ứng cho tình hình và tính chất phức tạp của cuộc chiến, lực lượng quân báo được đào tạo và bổ sung đến các huyện thị - xã, khắp thôn xóm tạo thành mạng lưới vững chắc trong lòng dân.

Đặc biệt, sau thời gian theo dõi nắm chắc được quy luật hoạt động của địch, ngày 10 tháng 2 năm 1965, Đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một đã phối hợp với đơn vị đặc công huyện Bến Cát tổ chức tập kích Nhà Việc Phú Cường (trụ sở làm việc của bộ máy chính quyền địch ở thị xã) và Ty Thông tin Ngụy (cách Nhà Việc Phú Cường khoảng 300m về phía đông nam). Chỉ trong 10 phút chiến đấu, lực lượng biệt động thị xã Thủ Dầu Một và đặc công huyện Bến Cát đã đánh sập một góc Nhà việc Phú Cường (có 2 tầng) và Ty Thông tin, loại khỏi vòng chiến đấu 92 tên (có 50 tên bình định, 25 tên công an và 17 tên lính dân vệ). Trung đội dân vệ gác Ty Thông tin chỉ còn 4 tên chạy thoát.

Trận đánh Nhà việc Phú Cường và Ty Thông tin Ngụy ngay giữa trung tâm tỉnh lỵ của đơn vị biệt động thị xã Thủ Dầu Một và đặc công Bến Cát là trận đánh táo bạo, tiêu diệt lớn sinh lực địch, đặc biệt là diệt lực lượng cảnh sát, bình định trong thị xã. Sau trận đánh này, địch rất hoang mang, từ đó góp phần hỗ trợ tích cực cho quần chúng trong nội ô thị xã đấu tranh nới lỏng sự kìm kẹp của địch.

Thừa thắng xông lên, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và chỉ thị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lực lượng biệt động thị xã Thủ Dầu Một đã nghiên cứu một số mục tiêu để tổ chức những trận đánh táo bạo hơn, tiêu hao nhiều sinh lực và bộ máy kìm kẹp, tác động đến tinh thần của địch trong thị xã. Cụ thể, sau trận đánh của đồng chí Hồ Văn Mên (tự vệ mật), đánh lựu đạn (giấu trong ổ bánh mì) vào

hậu cứ Sư đoàn 5 bộ binh Ngụy tại ngã tư Phú Văn, ngày 9 tháng 3 năm 1966, Đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một đã tổ chức tấn công lần thứ 2 cơ sở Nhà việc Phú Cường, dùng mìn hẹn giờ đánh sập một góc nhà việc, diệt 8 tên tề điệp ác ôn và một số tên dân vệ. Trận đánh tuy tiêu diệt sinh lực địch không nhiều, nhưng đánh thẳng vào bộ máy kìm kẹp của địch tại trung tâm thị xã đã làm cho tinh thần ngụy quân, ngụy quyền tại tỉnh lỵ rúng động.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và chỉ thị của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đội biệt động tổ chức những trận đánh táo bạo hơn làm hoang mang tinh thần địch. Sau thời gian theo dõi nắm được quy luật, ngày 2 tháng 7 năm 1966, đội tổ chức cho hai chiến sĩ đóng giả cặp vợ chồng sĩ quan Ngụy đến ăn sáng, gài mìn hẹn giờ tại một quán cơm trên đường Đoàn Trần Nghiệp, loại khỏi vòng chiến đấu 35 sĩ quan Ngụy, trong đó có tên đại úy quận phó Châu Thành, tên chánh văn phòng Tòa hành chính Dinh tỉnh trưởng Ngụy.

Những trận đánh của Đội biệt động thị xã Thủ Dầu Một trong năm 1966 đã làm cho ngụy quân, ngụy quyền tại tỉnh lỵ phải khiếp sợ; bộ máy tề điệp ở xã, ấp co lại, tạo điều kiện cho quần chúng ủng hộ cách mạng. Với thành tích trong những trận đánh trong năm 1966, Đội Biệt động thị xã đã được Bộ chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng hai.

Từ những năm 1967 trở đi, đội tiếp tục tiến công địch bằng những trận đánh hiểm. Trận tập kích lực lượng sĩ quan ngụy ăn uống tại nhà hàng Lươn Um (đường Bạch Đằng), “Đây là khu vực địch rất chủ quan vì gần với nhiều căn cứ của chúng. Do nắm chắc địa hình và quy luật của địch, sáng ngày 15-10-19674, một tổ biệt động gồm 4 đồng chí đóng giả sĩ quan ngụy, đi trên 2 chiến xe đạp tiến thẳng vào nhà hàng, đánh 2 khối bộc phá (mỗi khối 6kg thuốc C4) vào nơi các sĩ quan đang vui vẻ ăn sáng. Địch chết và bị thương hơn 100 tên, hầu hết là sĩ quan. Khi rút ra, 4 chiến sĩ biệt động bắn chết 1 tên, bắn bị thương một tên khác đang đứng tụ tập ở bên ngoài”5.

Tháng 1 năm 1968, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới (chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân năm 1968), Bộ Tư lệnh Phân khu 5 quyết định sát nhập Đại đội 65 (thị xã) vào Đội biệt động, do ông Tư Quỳ làm đội trưởng, quân số khoảng 60 đồng chí, tổ chức thành 2 trung đội chiến đấu và bộ phận hậu cứ.

Trong cuộc tổng tiến công năm 1968, đội tổ chức thành 2 phân đội, có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị chủ lực của Phân khu 5 tiến công Tòa hành chính và Thành công binh. Tuy không thực hiện được ý định như kế hoạch nhưng ta đã đánh chiếm được một số mục tiêu. Địch thả bom xăng trúng đội hình chiến đấu của ta, làm hơn 20 cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh. Sau đợt 1, đội được bố trí đứng chân hoạt động ở 2 cánh Nam và Bắc thị xã, phối hợp với các lực lượng địa phương đánh địch phản kích, tiêu hao nhiều sinh lực địch, giữ vững địa bàn bám trụ. Đặc biệt đêm 4 rạng sáng ngày 5 tháng 5 năm 1968, lực lượng biệt

động thị xã cùng cơ sở mật Phú Cường thực hiện trận tập kích Trung tâm tình báo CIA (Mỹ) tại thị xã Thủ Dầu Một, diệt một số tên, gây thiệt hại nặng cho trung tâm tình báo này.

Tiếp đó, lực lượng biệt động hoạt động ở cánh Nam thị xã, phối hợp với các lực lượng tập kích vị trí đóng quân Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 bộ binh ngụy tại khu vực ngã tư Phú Văn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 400 tên, bắn rơi 14 máy bay, phá hủy 14 xe tăng, xe bọc thép địch”.6

Giai đoạn 1969 – 1975:

Từ giữa năm 1972, lực lượng Trinh sát, quân báo, biệt động Thủ Dầu Một giữ vững tổ chức, hoạt động chiến đấu cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tại căn cứ7, cán bộ trinh sát, quân báo, biệt động Thủ Dầu Một đã kết hợp chiến đấu đánh chiếm các mục tiêu và phát động quần chúng nổi dậy giải phóng tỉnh lỵ. Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, trinh sát Nguyễn Văn Ron, Trần Văn Tòng dùng tầng số tiểu khu 372 kết nối sóng kêu gọi, yêu cầu Nguyễn Văn Của (tỉnh trưởng Thủ Dầu Một) đầu hàng, các đơn vị trực thuộc treo cờ trắng. Tuy nhiên, ông không thực hiện lời hứa, cố tình chần chừ, kéo dài thời gian để chờ sự viện trợ và giải cứu. Vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 trên đường chạy tẩu thoát về Sài Gòn, Nguyễn Văn Của cùng tên đại tá Phó Tư lệnh Sư đoàn 5 bộ binh và một số sĩ quan tùy tùng ngồi trên chiếc xe Jeep đã bị các trinh sát, quân báo, biệt động Thủ Dầu Một chặn bắt tại Phú Văn, người trực tiếp bắt và áp giải Nguyễn Văn Của là nữ biệt động Lô Thị Cẩm Vân. Cửa ngõ vào Sài Gòn đã được thông mở, tạo điều kiện cho các cánh quân của quân giải phóng tiến về giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Sứ mệnh giải phóng dân tộc đã được hoàn thành, sự đóng góp của chiến sỹ trinh sát, quân báo, biệt động Bình Dương là vô cùng to lớn. Từ việc theo dõi tình hình, nắm bắt thông tin, hoạt động trong lòng địch cho đến việc sử dụng trang thiết bị của địch cải tiến tần số lấy tin từ cơ quan đầu não của địch phục vụ cho những trận đánh sâu tận sào huyệt của địch, giành thế chủ động tiến công làm thất bại nhiều kế hoạch tuyệt mật, nhiều âm mưu nham hiểm của các cơ quan tình báo sừng sỏ như: đặc vụ Quốc Dân đảng, phòng Nhì Pháp, CIA Mỹ… Những chiến công vang dội của chiến sĩ trinh sát, quân báo, biệt động Thủ Dầu Một là bài học cho tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả vì độc lập dân tộc, an ninh của đất nước…Bài học đó, không chỉ có giá trị trong thời chiến mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc bảo vệ nền an ninh đất nước trong thời bình.

4.2.Nhân vật lịch sử

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng những câu chuyện, chiến công gắn liền với cán bộ trinh sát, quân báo, biệt động vẫn còn đó. Các bài học của những cuộc đụng đầu căng thẳng quyết liệt với lực lượng tình báo, gián điệp của thực dân đế quốc đã minh chứng cho sự mưu trí, tinh thần sáng tạo, lòng dũng cảm, cứng

rắn về nguyên tắc, mềm dẻo khôn khéo về sách lược của cán bộ trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương nói riêng và của cả nước nói chung.

Trên bảng vàng danh dự rực rỡ ghi công những anh hùng chiến sỹ của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, có rất nhiều tên tuổi và công lao đóng góp của các chiến sỹ tình báo lỗi lạc như Nguyễn Văn Bôn, Nguyễn Văn Báu, Phạm Thị Châu, Nguyễn Thị Cộng, Lê Thị Trung, Trần Văn Lợi, Nguyễn Thị Liễu, Nguyễn Văn Mẫn, Lô Thị Cẩm Vân, Phạm Thị Đắc, Từ Văn Phước, Ca Văn Ron8, Trần Xuân Khanh9, Nguyễn Trọng Quán10, Đinh Tiết Quý11... những chiến sỹ đã tôn vinh lịch sử vẻ vang của ngành trinh sát, quân báo, biệt động tỉnh nhà.

Ông Trần Xuân Khanh, Trưởng ban Liên lạc Trinh sát Quân báo Biệt động Bình Dương, cho biết kết thúc cuộc chiến tranh, ngành trinh sát quân báo biệt động Bình Dương đã có 122 đồng chí đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập tự do. Hầu hết các liệt sĩ đã được đưa hài cốt về nghĩa trang hoặc chôn cất tại đất nhà. Tuy nhiên, do địa hình thay đổi bởi bom đạn, xe tăng càn quét trong chiến tranh và nhân dân chặt phá cây cối, mở rộng sản xuất sau hòa bình. Vì vậy, hiện còn 23 liệt sĩ đơn vị không tiến hành quy tập được nên hương hồn các liệt sĩ này vẫn còn chưa có nơi an nghỉ. Uớc nguyện chung của tất cả các anh chị em trong đơn vị là xây dựng Đền tưởng niệm ngay địa điểm hoạt động12 cho các anh hùng liệt sĩ để đón rước hương hồn của các anh chị tập trung lại một chỗ, tiện việc chăm sóc và hương khói.

5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích.

Hàng năm tại Miếu Ông – nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương thường diễn ra các lễ hội, lễ kỷ niệm vào những ngày như:

- Lễ vía Ông ngày 13 tháng 5 âm lịch: cúng thịt heo, trái cây

- Kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30.4)

- Ngày thương binh liệt sĩ (ngày 27 tháng 7)

- Ngày truyền thống ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam (ngày 25 tháng 10)

- Các ngày lễ, tết cổ truyền

Miếu Ông – nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương là địa điểm hoạt động cách mạng. Vì vậy, các lễ hội gắn liền với các ngày lễ, ngày kỷ niệm của đất nước. Trong đó, ngày Ngày truyền thống ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam (ngày 25 tháng 10) là ngày kỷ niệm lớn của Ban liên lạc Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương.

Nội dung hoạt động Ngày truyền thống ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam (ngày 25 tháng 10) gắn liền với việc ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của

ngành, đồng thời tổ chức cúng giỗ cho các anh hùng liệt sĩ của ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam.

Vào ngày 25 tháng 10 hằng năm, tại Miếu Ông – nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương, các đoàn xe tấp nập về tham dự lễ kỷ niệm. Trong đó có những cựu chiến binh ngành tình báo Việt Nam, gia đình các liệt sĩ, các tổ chức đoàn thể, đoàn Thanh niên luôn tề tụ về đây đông đủ. Ngày truyền thống ngành Tình báo Quốc phòng Việt Nam thật sự trở thành ngày có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ Bình Dương nói chung của thị xã Tân Uyên nói riêng.

6. Khảo tả di tích

Miếu Ông – nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương tọa lạc tại ấp Tân Long, Phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên, nằm cạnh con suối Tân Long chảy về chiến Khu Đ. Đây là điều kiện thuận lợi để hoạt động cách mạng của những chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương trong kháng chiến chống Mỹ.

Chiến tranh kết thúc, những cán bộ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương bắt đầu nhiệm vụ mới. Người thì tiếp tục nối tiếp truyền thống của ngành, người nhận nhiệm vụ mới, vai trò mới trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh sau chiến tranh. Nhưng trong ký ức của mỗi chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương và người dân địa phương vẫn không quên được những năm tháng chiến tranh khốc liệt, những trận tập kích cùng với sự ra đi mãi mãi của những đồng đội. Và, khu đất Miếu Ông tại ấp Tân Long, phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên đã trở thành nơi tìm về của những chiến sỹ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương mỗi khi nhớ về những người đồng đội năm xưa.

Năm 2013, được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cùng với sự đóng góp của bà con nhân dân, Ban liên lạc Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương đã xây Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương ngay trên mảnh đất là khu căn cứ của đơn vị trong thời kỳ chiến tranh. Đền là nơi thờ tự 122 chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương đã hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ, là nơi họp mặt ngày truyền thống của những cô, chú là cựu Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh, đồng thời, đây cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau.

Đền có tổng diện tích là 1046 m2, bao gồm sân đền, đền thờ và phòng truyền thống. Chánh điện của đền thờ ảnh Bác Hồ, hai bên thờ ảnh của các anh hùng liệt sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động đã hy sinh trong chiến tranh. Bên phải của đền là Miếu Ông, theo người dân địa phương: Miếu Ông xuất hiện rất sớm trên mảnh đất này, là nơi người dân thường lui tới thắp hương hoặc vào các ngày lễ hội vía Ông (ngày 13/5 âm lịch), ngày hạ nêu (7/1 âm lịch)…Đó là điều kiện dễ dàng hoạt động của ngành để tránh tai mắt của địch trong suốt thời gian chiến tranh. Bên trái của đền là mương nước với độ sâu 5 mét, hẹp, kéo dài từ ngoài đườ

rừng, xuống ruộng – đây cũng chính là con đường vận chuyển vũ khí, đạn dược và lương thực cung cấp cho vùng chiến Khu Đ.

Phía trước đền là cây điệp vàng có tuổi đời trên 100 năm – là “nhân chứng” gắn liền với những chiến công của các chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương. Điều kiện tự nhiên như cũng ủng hộ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, cây điệp vàng vươn thân cao lớn nhưng ngay gốc lại có một lỗ rỗng do quá trình sinh trưởng đã hình thành một cách ngẫu nhiên và trở thành “hòm thư chết13” để truyền tin và báo cáo tình hình của các chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động trong suốt thời gian hoạt động. Thân cây cao to, cỏ mọc xung quanh cùng với những tảng đá xanh bao bọc khó ai biết được dưới gốc cây lại có một hòm thư vô cùng an toàn và hiệu quả.

Phía sau đền là hội trường được xây dựng vào năm 2013 là nơi sinh hoạt của ban liên lạc Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương. Bên góc phải của hội trường là 2 căn hầm bí mật, là nơi hoạt động của đơn vị trong thời gian chiến tranh. 2 căn hầm này được thiết kế thông vào rừng, ra ruộng phòng hờ khi địch phát hiện. Tuy nhiên, đến nay 2 căn hầm bí mật đã bị sập chỉ còn nhìn thấy miệng hầm.

Đến với Miếu Ông – nơi hoạt động Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương, bên cạnh việc tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, tham quan gốc cây điệp vàng – hòm thư chết, còn được nhìn thấy những tư liệu hiện vật như khăn thêu của nữ biệt động Lê Thị Đắc – thêu trong thời gian bà bị giam giữ tại Nhà tù Phú Lợi, bản đồ chiến đấu, thắt lưng của Mỹ…Trong đó phải kể đến:

Máy thông tin liên lạc: Ban trinh sát biệt động sử dụng liên lạc tin tức từ Ban 2 PK 5 lên phòng 2 quân báo miền và ngược lại. Sử dụng từ tháng 10 năm 1967 đến tháng 9 năm 1969 phụ trách cụm đài gồm có đồng chí Lê Phương Ngọc – đài trưởng , 2 liên lạc và 3 báo vụ. Trong trận càn thả bom của Mỹ vào tháng 9 năm 1969, để theo dõi hoạt động của địch hệ thống dò sóng hoạt động liên tục và bị máy bay địch phát hiện, Mỹ dùng máy dò định hướng cụm đài chấm tọa độ, và cho máy bay đến ném bom. Đồng chí Lê Phương Ngọc – đài trưởng, 2 liên lạc và 3 báo vụ đã hy sinh trong trận ném bom này.

Máy Sony 911: Năm 1965, máy được mang về từ phòng Quân báo miền, do cơ công cải tiến gắn thêm bộ phận cao tần chuyển từ nghe thanh sang nghe mọt. Và, trực tiếp nắm hoạt động của sư đoàn 5 bộ binh và 18 bộ binh của Ngụy đến cuối năm 1969 không sử dụng máy này nữa mà chuyển qua sử dụng loại máy PRC 25 đến ngày 30/4/1975.

Máy PRC 25: Tầm liên lạc 25 km, thời gian sử dụng từ năm 1969 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 Đồng chí Ca Văn Ron (đội phó TSKT) và Trần Văn Tòng (Trung đội phó TSKT) trực tiếp kêu gọi tên đại tá Nguyễn Văn Của tỉnh trưởng kiêm tiểu Khu trưởng Bình Dương đầu hàng, treo cờ trắng lúc 6h30’ sáng ngày 30/4/1975.

Và nhiều hiện vật khác gắn liền với công tác Trinh sát, Quân báo, Biệt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

7. Giá trị lịch sử - văn hóa:

Bình Dương là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là cửa ngõ vào Sài Gòn – cơ quan đầu não của địch. Vì vậy, Bình Dương được xác định là địa bàn chiến lược quân sự, căn cứ địa quan trọng của cách mạng. Trong đó, Bến Cát có vai trò trấn giữ hướng tấn công địch từ phía Tây Nam, còn Tân Uyên giữ vai trò tấn công vào cơ quan đầu não của địch theo hướng Đông Nam, đồng thời Tân Uyên là chiến khu quan trọng bảo vệ an toàn cho cơ quan cách mạng của ta tại Chiến Khu Đ. Vì vậy, tổ chức Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương chọn Miếu Ông tại ấp Tân Long, xã Tân Hiệp, Tân Uyên để hoạt động là quyết định đúng đắn và chính xác về khoa học quân sự.

Miếu Ông được người dân xây dựng vào năm 1735 để làm nơi chiêm bái, cúng kiến, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa. Miếu Ông được chọn là nơi để trao đổi thông tin, nắm tình hình địch từ thời Pháp. Tuy nhiên, đến thời kháng chiến chống Mỹ (cụ thể vào năm 1961) tổ chức Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương mới chính thức chọn và bố trí hòm thư chết, cán bộ, trang thiết bị, hầm bí mật tại Miếu Ông để hoạt động.

Miếu Ông – là nơi cung cấp những thông tin quan trọng của địch phục vụ cho chiến lược tác chiến của ta, góp phần quyết định những thắng lợi trên chiến trường Đông Nam Bộ nói chung và chiến trường Bình Dương nói riêng. Trong đó, nổi bật là việc bảo vệ thành công chiến khu Đ, giữ được liên lạc với Tam giác sát – Bến Cát, Phước Thành tạo thành thế gọng kiềm trong công tác tình báo của tỉnh nhà.

Thông tin về tình hình địch của tổ chức Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương là cơ sở và là niềm tin để lực lượng vũ trang xây dựng và triển khai kế hoạch tác chiến trên chiến trường.

Sự đóng góp của chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động Bình Dương là vô cùng to lớn trong hai cuộc kháng chiến. Từ việc theo dõi tình hình, nắm bắt thông tin, hoạt động trong lòng địch cho đến việc sử dụng trang thiết bị của địch cải tiến tần số lấy tin từ cơ quan đầu não của địch phục vụ cho những trận đánh sâu tận sào huyệt của địch, giành thế chủ động tiến công làm thất bại nhiều kế hoạch tuyệt mật, nhiều âm mưu nham hiểm của các cơ quan tình báo sừng sỏ như: đặc vụ Quốc Dân đảng, phòng Nhì Pháp, CIA Mỹ… Những chiến công vang dội của chiến sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương là bài học cho tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả vì độc lập dân tộc, an ninh của đất nước…Bài học đó, không chỉ có giá trị trong thời chiến mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc bảo vệ nền an ninh đất nước trong thời bình.

Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương được xây dựng ngay trên mảnh đất Miếu Ông nhằm tôn vinh những chiến công vang dội, sự hy sinh thầm lặng của những Trinh sát, Quân báo, Biệt động tỉnh Bình Dương trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập cho dân tộc.

DJI_0122.JPG 385.69 KB