Cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên) có diện tích hơn 1.000 ha, được bao bọc bởi con sông Đồng Nai, tạo nên một hệ sinh thái tuyệt đẹp. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng bưởi, cấy lúa và trồng hoa màu, tạo nên một miền quê yên ả, có khí hậu tươi mát quanh năm.
Những con đường hoa tuyệt đẹp trên cù lao Bạch Đằng
Ngoài phong cảnh đẹp, không khí trong lành, cây bưởi đã trở thành “thương hiệu” của xã Bạch Đằng thu hút du khách gần xa. So với các loại cây trồng khác, bưởi ở cù lao Bạch Đằng không còn phải lo đầu ra, thương lái tìm đến nơi thu mua mỗi ngày. Du khách đến với xã Bạch Đằng để lu lịch, nghỉ dưỡng, một phần cũng là để thưởng thức, ngắm những vườn bưởi xanh tươi, trĩu quả.
Để mang lại trải nghiệm lý thú cho du khách khi đến mảnh đất cù lao, hay còn gọi “làng thông minh”, nhiều nông dân trồng bưởi ở địa phương đã chủ động tìm tòi, học hỏi chế biến nhiều loại món ăn, rượu, tinh dầu, mức, bánh được làm ra từ bưởi. Có người còn kết hợp với chính quyền địa phương xây dựng những vườn bưởi kiểu mẫu để khách tham quan, học hỏi quy trình, kỹ thuật chăm sóc bưởi.
Mỗi ngày, ông Dương Văn Minh cần mẫn chăm sóc vườn bưởi, tạo ra nhiều sản phẩm được chế biến từ bưởi để phục vụ du khách
Ông Dương Văn Minh, một lão nông gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất cù lao để trồng bưởi, đã mạnh dạn đầu tư cho con học nghề chế biến, phát triển nguyên liệu từ bưởi. Nay con trai ông có cả một doanh nghiệp chuyên sản xuất các nguyên liệu từ bưởi. Du khách khi đến với vườn bưởi của gia đình ông Minh, được ông tận tình hướng dẫn từ cách chăm sóc, thu hoạch, trồng trọt đến chế biến bưởi.
Có rất nhiều câu chuyện xoay quanh nguồn gốc cây bưởi Bạch Đằng mà du khách nào đến đây cũng muốn biết. Ở đây có nhiều loại như bưởi đường lá cam, bưởi đường da láng, bưởi ổi, bưởi da xanh... Tuy nhiên, đặc sản nổi tiếng ở đây vẫn là bưởi đường lá cam. Chỉ riêng bưởi đường lá cam cũng có 2 tên gọi, có người gọi là bưởi Tân Triều, có người thì gọi bưởi Bạch Đằng...”, ông Dương Văn Minh cho biết.
Theo ông Minh, hơn 100 năm trước, có một cha cố ở nhà thờ Tân Triều (Đồng Nai) mang giống bưởi này từ Nam Mỹ về trồng quanh khu vực nhà thờ. Thời đó, Tân Triều hay Bạch Đằng cùng chung tỉnh Biên Hòa. Vì vậy, bưởi Tân Triều hay Bạch Đằng đều có cùng nguồn gốc và chỉ thích hợp với khí hậu ở 2 cù lao này.
Dù đã ngoài 70, nhưng mỗi ngày, ông Minh không ngừng sưu tầm tư liệu, nghiên cứu kiến thức trồng bưởi... Đó cũng là cách mà những nông dân như ông đang phối hợp với địa phương quảng bá thương hiệu bưởi Bạch Đằng, phát triển du lịch sinh thái tại địa phương mình.
Theo chính quyền địa phương, hiện mỗi ngày cù lao Bạch Đằng đón khoảng 1.000 khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài khách đến để chơi golf, nhiều gia đình đến nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, đặc biệt là ngày cuối tuần. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết: “Việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở địa phương đã mang lại những thành quả về hoàn thiện hệ thống giao thông, trường học, phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch sinh thái. Thời gian qua, chính quyền địa phương còn vận động người dân chung tay hoàn thiện hệ thống camera an ninh trên toàn xã, phát wifi miễn phí tại hàng chục địa điểm, tạo nên một miền quê đáng sống. |
Nguồn Báo Bình Dương