Sáng ngày 29/10, Đoàn thanh tra Công an tỉnh Bình Dương do Thượng tá Nguyễn Trung Thành, Phó Chánh Thanh tra Công an tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại TP.Tân Uyên về việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Tiếp đoàn có ông Đoàn Hồng Tươi, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban liên quan và lãnh đạo UBND các xã-phường.
Trong những năm qua, Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật cũng như các chỉ đạo của cấp trên về công tác PCCC. Chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, chỉ đạo các ngành, các cấp trực thuộc tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về PCCC đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được đẩy mạnh thực hiện với nhiều nội dung phong phú, đa dạng tạo được sự lan toả trong xã hội; công tác xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy được quan tâm thực hiện, với nhiều mô hình được xây dựng nhân rộng hiệu quả. Trên địa bàn thành phố hiện có 169 mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, 62 mô hình điểm chữa cháy công cộng, 12/12 xã, phường đã thành lập đội dân phòng (thực hiện công tác PCCC) đến từng ấp/khu phố được duy trì hoạt động thường xuyên; 11/12 xã phường có trang bị xe chữa cháy mini tham gia các hoạt động chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại địa phương khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn. Công tác kiểm tra và tổ chức việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC đối với các cơ sở luôn được tăng cường. Giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 9 năm 2024 đã tổ chức kiểm tra an toàn PCCC trên 6.000 cơ sở, qua đó lập 2.093 biên bản vi phạm hành chính với 3.325 kiến nghị, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 57 tỷ đồng. Cùng với đó, Lực lượng Công an thành phố cũng đã phát huy vai trò tham mưu, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trên địa bàn theo đúng quy định pháp luật, tham mưu nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và phối hợp với các ban ngành liên quan thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và CNCH ở địa phương.
Thông qua làm việc nhằm đánh giá đúng thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy của cơ quan, tổ chức. Qua đó, chỉ ra những việc làm tốt để phát huy, phát hiện khuyết điểm, hạn chế và xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để kiến nghị chấn chỉnh khắc phục. Bên cạnh đó, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCC./.
Nguyễn Phường-Thế Anh