Sáng ngày 27/3/2025, đoàn công tác của Viện Chiến lược và chính sách Y tế về việc đánh giá tác động đối với một số chính sách của Dự thảo Luật an toàn thực phẩm sửa đổi do Tiến sĩ Khương Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại thành phố Tân Uyên.

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lý Ngọc Phong - Uỷ viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các xã, phường. Nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin làm cơ sở cho việc xây dựng Dự án Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế đã xác định một số vấn đề chính của Luật cần được đánh giá về tác động và tính phù hợp để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12, giao cho Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp với Cục An toàn thực phẩm thực hiện điều tra, khảo sát xây dựng Báo cáo đánh giá tác động Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã đóng góp ý kiến, thảo luận, đánh giá tác động một số chính sách dự kiến đưa vào Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, gồm: chính sách về quản lý nhà nước đối với sản phẩm thực phẩm; chính sách về quản lý đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chính sách phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Những ý kiến, đề xuất từ thực tiễn địa phương sẽ giúp hoàn thiện các nội dung Luật An toàn thực phẩm sửa đổi, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, vì sức khỏe người dân.

Bên cạnh đó, thành phố Tân Uyên đã báo cáo tình hình an toàn thực phẩm tại địa phương trong thời gian qua. Được sự quan tâm, hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Y tế, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Thành ủy, UBND thành phố, cùng với sự nỗ lực của chính quyền, các ngành, đoàn thể thành phố và sự ủng hộ của người dân, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tại các tuyến được kiện toàn kịp thời, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền từ thành phố đến cơ sở được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tập huấn về an toàn thực phẩm cho các trường học, cơ sở kinh doanh ăn uống, tuyên truyền qua đài truyền thanh, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, quy trình sản xuất thực phẩm an toàn… Qua đó, nâng cao trách nhiệm của Cấp ủy Đảng, ý thức trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm và góp phần phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân.
Đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm của các ngành, các cấp được tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn thường xuyên nên đã chủ động hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Công tác kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về an toàn thực phẩm định kỳ hàng tháng, quý, trong các đợt cao điểm hoặc đột xuất được duy trì thường xuyên, đúng quy định. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 20 cơ sở, tham mưu UBND thành phố xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 77.000.000 đồng; Trung tâm Y tế thành phố đã kiểm tra 1.915 cơ sở, nhắc nhở 225 cơ sở vi phạm; Đội Quản lý Thị trường số 4 đã kiểm tra, xử lý 5 vụ vi phạm, tổng số tiền 166.500.000 đồng… Công tác quản lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm được tiến hành chủ động và thường xuyên. Trung tâm Y tế thành phố đã xét nghiệm 816 mẫu, phát hiện 48 mẫu ô nhiễm; Đội Quản lý thị trường số 4 test nhanh tổng cộng 124 mẫu thực phẩm; tăng cường kiểm tra trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu. Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Tân Uyên không xảy ra ngộ độc thực phẩm và các sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm thành phố Tân Uyên sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên tổ chức theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chính sách về an toàn thực phẩm. Các ngành chuyên môn tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, nhất là đối tượng tái phạm về an toàn thực phẩm; tăng cường lấy mẫu kiểm nghiệm để phát hiện kịp thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất cấm dùng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường kiểm tra giết mổ lậu, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Thành phố cũng đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp…

Phát biểu cuối buổi làm việc, Tiến sĩ Khương Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế trân trọng cảm ơn UBND thành phố cùng các đại biểu đã tích cực, tâm huyết đóng góp ý kiến, cung cấp những thông tin có giá trị. Đoàn công tác sẽ ghi nhận, tổng hợp, làm cơ sở đề xuất điều chỉnh nội dung Luật An toàn thực phẩm sửa đổi trong thời gian tới.
Hồng Nhung - Hoàng Hải