Chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Đây là hội nghị Chính phủ với địa phương đầu tiên, ngay sau khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 tỉnh, thành phố thành 34 tỉnh, thành phố.
.jpg)
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với Trụ sở UBND 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kết nối trực tuyến tới hơn 3.300 xã, phường, đặc khu trên cả nước. Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan, Tập đoàn kinh tế lớn; lãnh đạo các địa phương.
Tại điểm cầu phường Tân Uyên tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường, đồng chí Huỳnh Văn Lợi - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường, lãnh đạo Phòng Văn hóa - Xã hội, Phòng Kinh tế Hạ tầng và Đô thị.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ hoan nghênh các đại biểu tham dự phiên họp thường kỳ và hội nghị trực tuyến với địa phương – hội nghị Chính phủ đầu tiên sau cuộc "sắp xếp lại giang sơn" có tính cách mạng, khi bộ máy chính quyền địa phương hai cấp chính thức đồng loạt vận hành từ ngày 1/7/2025 tại 34 tỉnh, thành và 3.321 xã, phường, đặc khu trên toàn quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua nửa chặng đường của năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, với nhiều thách thức lớn hơn thuận lợi. Thủ tướng nêu rõ những điểm nổi bật trong tình hình quốc tế: Hoa Kỳ áp thuế đối ứng cao; xung đột leo thang, căng thẳng gia tăng ở nhiều khu vực; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại; chuỗi cung ứng đứt gãy cục bộ; giá dầu thô, giá vàng biến động mạnh; thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường và tác động nặng nề tới kinh tế Việt Nam.
Trong nước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ và Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ 8 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự hợp tác quốc tế, tình hình KT-XH chuyển biến tích cực: tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, 6 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan trên hầu hết các lĩnh vực. Nổi bật là tăng trưởng được thúc đẩy, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; bội chi, nợ công ở mức thấp; văn hoá, xã hội, an sinh xã hội được quan tâm; đời sống nhân dân cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; đối ngoại, hội nhập tiếp tục được thúc đẩy, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế: KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; các động lực tăng trưởng truyền thống cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, trong khi các động lực mới chưa phát huy hết tiềm năng.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá toàn diện bối cảnh, tình hình; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương; phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo tình hình thời gian tới; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong tháng 7, quý III và phần còn lại của năm 2025 để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cả năm và cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Châu Kha