Chiều ngày 17/7, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Bùi Minh Thạnh chủ trì cuộc họp về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh sau khi sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến 168 xã, phường, đặc khu. Tại điểm cầu phường Tân Uyên, dự hội nghị có ông Đặng Đình Trí, Phó Chủ tịch UBND phường cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố, cho biết, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh trung bình khoảng 14.000 tấn/ngày (trong đó khu vực TP.Hồ Chí Minh cũ khoảng 10.500 tấn/ngày, khu vực tỉnh Bình Dương cũ khoảng 2.400 tấn/ngày và khu vực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũ khoảng 1.100 tấn/ngày). Trong đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom, vận chuyển, xử lý trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 99,3%. Tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt, compost, tái chế chiếm khoảng 40%, còn lại 60% được chôn lấp hợp vệ sinh. Thành phố phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%; tỷ lệ áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến, hiện đại đạt trên 90%.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thành phố, trong quá trình triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố thời gian qua gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Quy định liên quan đến định mức kinh tế, kỹ thuật và sử dụng nguồn kinh phí cho công tác vệ sinh môi trường chưa được cụ thể hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ giữa các địa phương. Việc không có quy định về định mức tỷ lệ chi phí chung, lợi nhuận định mức đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, vệ sinh công cộng gây khó khăn trong công tác thẩm định và phê duyệt phương án giá. Ngoài ra, mô hình quản lý công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn khác nhau giữa các địa phương (TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu cũ)…
Tại hội nghị, đại diện một số xã, phường và các doanh nghiệp cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong việc thực hiện các gói thầu thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn sau khi thực hiện sáp nhập.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bùi Minh Thạnh nhấn mạnh, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt là công tác quan trọng có tác động lớn đến đời sống của người dân trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp có báo cáo cụ thể những điểm khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để UBND Thành phố tổng hợp xây dựng phương án thực hiện hiệu quả trong công tác quản lý chất thải rắn, đồng thời ban hành quy định điều chỉnh, áp dụng thống nhất chung trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, đề nghị các địa phương phải thay đổi phương thức điều hành, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện công tác thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Rà soát, xây dựng quy định về định mức kỹ thuật trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công tác vệ sinh môi trường công cộng trên địa bàn. Tập trung quản lý các khu xử lý, triển khai đặt hàng cho các đơn vị xử lý chất thải rắn sinh hoạt thực hiện chuyển đổi từ chôn lấp sang đốt phát điện. Đồng thời, tiến hành cải tạo, phục hồi các bãi chôn lắp sau khi ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt để tái lập mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho Thành phố.
Nguyễn Phường - Hoàng Hải