Đình Tân Trạch tọa lạc tại tại một khu đất tương đối bằng phẳng, xung quanh là những vườn cây trái xanh tươi tạo nên một khung cảnh đầy uy nghi và thoáng đãng, thuộc ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
1. Vị trí, không gian di tích:
Đình Tân Trạch tọa lạc trên đường chính liên xã, thuộc ấp 3, xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Từ thị xã Thủ Dầu Một, theo đường Phú Lợi đi thẳng đến ngã ba Tân Khánh rẽ trái, theo đường Cách Mạng Tháng Tám đến thị trấn Uyên Hưng, rẽ phải đến bến phà qua sông thuộc địa phận xã Bạch Đằng, đi dọc theo đường liên xã khoảng 1km sẽ đến di tích. Đường đi tương đối thuận tiện cho cả xe máy, ôtô và cả đi bằng đường thuỷ theo sông Đồng Nai.
Đình hiện toạ lạc tại một khu đất tương đối bằng phẳng, có tổng diện tích 2380.1m2, xung quanh là cây trái xanh tươi tạo nên một khung cảnh đầy uy nghi và khoáng đãng, yên lành. Đình Tân Trạch được Uỷ ban nhân dân Tỉnh xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 4726/QĐ-UBND ngày 30/10/2007.
2. Ý nghĩa, giá trị lịch sử di tích:
Tân Uyên là vùng đất có đặc điểm thuận lợi về mặt địa lý, quân sự.Cuộc di cư lịch sử trong bối cảnh nội chiến Trịnh - Nguyễn giữa thế kỷ XVII.Từ đó, vùng đất Tân Uyên hình thành nên những làng xóm trù phú, ổn định và phát triển cho đến ngày nay. Trước hết, ở những Cù lao và Bến thị (Thạnh Hội, Tân Chánh, Tân Ba, Uyên Hưng)… cùng với những phum sóc hẻo lãnh của đồng bào Stiêng, Châu Ro – cư dân bản địa, đã phát triển nên một cộng đồng cư dân sinh sống hài hòa, thể hiện cao tính cách thượng võ, bất khuất và tín nghĩa.
Năm 1675, Chúa Nguyễn tổ chức cuộc di dân từ miền Bắc, miền Trung vào Nam lập nghiệp khai phá vùng đất mới ở phía Nam.Ông cha ta đã dừng chân tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa, trong đó có địa danh Cù Lao - gọi là Cù Lao Tân Chánh (Bạch Đằng).Họ đã từng bước định canh, định cư, hình thành nên những xóm, ấp, làng. Cù Lao Bạch Đằng được chia thành 6 làng: Ven sông con gồm 3 làng (Bình Hưng, Tân Long và Bình Chữ); Ba Làng còn lại dài ven sông cái Đồng Nai (Điều Hoà, Tân Trạch và An Chữ). Vì vậy, Cù lao được mệnh danh là cù lao sáu làng. Sau khi đã ổn định cuộc sống, triều đình nhà Nguyễn quy định cho phép cứ mỗi thôn có dân cư trên 200 người thì được xây dựng một ngôi Đình thần và một ngôi Chùa, để dân cư trong làng có nơi hội họp lễ thần cầu cho “Quốc Thái Dân An”, hình thành nên những nét văn hoá mới trên đất cù lao Tân Chánh. Trên cơ sở đó, cư dân ở đây đã xây dựng và phát triển nên 06 ngôi đình và 05 ngôi chùa (riêng làng An Chữ không có chùa).
Đình Tân Trạch là ngôi đình được nhân dân cù lao Bạch Đằng lập nên thờ Thần hoàng bổn cảnh, những vị tiền hiền khai quốc, hậu hiền khai cơ của địa phương.
Trong thời Pháp thuộc đến năm 1945, ngôi đình bị Pháp chiếm cứ làm nơi đóng đồn để thực hiện đàn áp khủng bố nhân dân.Thời gian này, nhân dân làng Tân Trạch không còn nơi để phụng thờ vị Thần hoàng- một tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Bên cạnh đó, do tác nhân yếu tố con người là chủ yếu đã làm hủy hoại ngôi đình gây xuống cấp trầm trọng (lúc trưng dụng bọn lính Pháp đã chặt đẻo một số cột gỗ quý làm nơi mắc dõng, một phần bị mối mọt xâm hại) nên hiện nay hầu hết cột gỗ trong đình và 22 cột gỗ bên ngoài đều bị ảnh hưởng không còn giá trị vẹn nguyên của một ngôi đình cổ.
Đến năm 1966, tình hình chiến cuộc thay đổi, nhân dân Tân Trạch chiếm giữ lại ngôi đình, ra sức tu sữa lại nơi tôn nghiêm của làng, từ đó 22 cột gỗ bên ngoài được xây lại bằng bêtông, cùng hệ thống lan can và lợp đảo lại mái ngói.
Năm 2003, toàn bộ ngôi đình lại được nhân dân sửa chữa tu bổ một lần nữa tương đối hoàn chỉnh. Cho đến nay, Ban nghi lễ đình cùng nhân dân trong làng ra sức bảo quản và giữ gìn. Hàng năm, diễn ra lễ cúng Kỳ Yên vào ngày rằm tháng giêng (15/1Âl), ngày 25 tháng Chạp cúng xếp ấn, ngày 14/4 Â.lịch cúng tống phong, ngày 27/7 (Dương lịch) cúng ngày thương binh liệt sĩ, ngày rằm tháng bảy (15/7 Âl) cúng khai sơn.
3. Kiến trúc ngôi đình:
Đình xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh, đình hai nóc, mái lợp ngói âm dương với toàn bộ khung sườn từ kèo, cột, xuyên trính đều được làm bằng gỗ quý của đất rừng Bình Dương, gồm 54 cột, mỗi trụ cột có đường kính từ 40cm - 50cm. Trong quá trình tồn tại, vì sự hủy hoại của tự nhiên và chiến tranh nên 22 cây cột ở phía ngoài đã bị hư hỏng nặng. Đến năm 1966, đình được trùng tu sửa chữa lại và 22 cây bột bên ngoài được thay thế bằng cột bêtông, toàn bộ rui mè làm bằng sắt, mái lợp ngói Tây (thay vì lợp ngói âm dương ), nền lót gạch tàu. Trước sân đình là một khuôn viên rộng và bằng phẳng, ở giữa là trụ cắm cột cờ.
Từ cổng chính đi vào, phía bên trái là miếu thờ Sơn quân (Thần Cọp) xây bằng bêtông, có chiều cao 0,8m, rộng 1m, dài 1,2m. Kế đến là miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, được xây theo kiểu nhà một nóc hai mái có chiều cao 2,5m, lợp ngói tây, trước là bàn thờ xây gắn liền với bức tường hậu, trên bức tường có khắc hai chữ Hán “Cửu Thiên”, nền chữ sơn màu đỏ. Đối diện với bàn thờ Sơn Quân và bàn thờ Cửu Thiên là bàn thờ Thần Nông và bàn thờ Ngũ Hành Nương Nương với 2 chữ đề “Ngũ Hành” được khắc lên tường, nền chữ màu đỏ. Đối diện với mặt trước của đình là bức bình phong xây bằng bê tông, với đề tài trang trí vẽ cảnh sơn thuỷ làm tăng thêm vẽ đẹp cho ngôi đình và càng tôn thêm vẻ uy nghiêm, thoáng đãng, xứng tầm của một ngôi đình làng của người dân Việt.
Bố cục và nội dung thứ tự bên trong của đình.
A. Phần chánh điện.
Ơ giữa là hương áng thờ vị chánh thần xây bằng bêtông, lót gạch men, với khung trang thờ khắc hoạ lên tường, trên đề chữ “Thần” khắc chìm, sơn son thiếp vàng trên nền màu đỏ. Trên bàn thờ có bộ lư hương, chân đèn bằng đồng. Trước bàn thờ có cặp Hạc đứng trên lưng Rùa bằng xi măng.
Hai bên là áng thờ Tiền hiền, Hậu hiền - Tả ban, Hữu ban. Kế đến là bàn thờ Hội đồng nội được xây bằng gạch, mặt bàn lót gạch men xanh trắng, trang trí đề tài hoa lá…. Trên bàn thờ có một chò để chưng trái cây, một lư hương bằng gốm, men màu xanh trắng với hoa văn long - phụng.
B. Trung đình.
Qua khỏi bàn thờ Hội đồng nội là bàn thờ của các Ban hội, ban Cúng tế cũng được xây bằng gạch, phía trước được trang trí hình Sơn Lâm Mảnh Hổ, trên bàn là một bộ lư hương bằng gốm men xanh trắng. Ơ hai góc của phần tiền sảnh là hai bàn thờ để thờ
những vong linh liệt sĩ, phía trên tường có ghi danh sách các liệt sĩ của xã Bạch Đằng.
4. Niên đại:
Đình thần Tân Trạch được xây dựng vào năm Giáp Dần (1854) tính đến nay đã gần 200 năm. Đình có lịch sử rất quan trọng trong việc hình thành hệ thống làng xã đối vời vùng đất cù lao Bạch Đằng. Đình làng là yếu tố văn hóa tín ngưỡng của cư dân Việt, cầu cho “Mưa thuận gió hòa”, mùa màng được bội thu và đem lại sự ấm no, hạnh phúc và bình yên cho dân chúng. Hơn nữa, ngày nay đình còn là nơi để tỏ lòng tri ân đối với những anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì quê hương đất nước.
Ngày nay tìm về với đình thần Tân Trạch là tìm về quá khứ, về văn hóa tâm linh nguồn cội. Trải bao thăng trầm trong lịch sử, nhưng nét văn hoá truyền thống vẫn không bị mai một, phá vỡ mà còn được bảo lưu và phát triển trong lòng của cư dân xã Bạch Đằng. Vì vậy, việc gìn giữ tôn tạo và bảo quản đình thần là góp một phần trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của địa phương trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
.jpg)