Địa điểm

ĐÌNH BƯNG CÙ (Di tích Lịch sử - Văn hóa)

2021-10-26 06:33:42
Đình Bưng Cù tọa lạc tại khu phố Khánh Long, Phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, được xây dựng vào khoảng năm 1850 bởi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này lập nghiệp. Đây là nơi có ý nghĩa đặc biệt trong việc gắn kết cộng đồng, cùng nhau chinh phục hoàn cảnh khắc nghiệt của vùng đất phương Nam và chống giặc ngoại xâm. Với mục đích, ý nghĩa đó, ngày 19 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (1852), vua Tự Đức đã ban sắc phong “công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng” để nhân dân thờ tự. Ngôi đình này là nơi hình thành và phát triển môn võ cổ truyền Tân Khánh - Bà Trà còn lưu truyền đến tận ngày nay.

1/ Tên gọi di tích

Đình Tân Phước Khánh (đình Bưng Cù)

Đình thần Bưng Cù có nhiều tên gọi, mỗi tên gọi của đình đều bắt nguồn từ những nguyên do riêng và gắn liền với những giai đoạn lịch sử.

- Miễu Ông Cù: Tên gọi này vẫn còn rất phổ biến và nó trở thành một mốc địa danh để xác định vị trí địa lý vùng Tân Phước Khánh, Bình Chuẩn, Thái Hòa. Trước kia đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ được dân làng lập lên để thờ con vật có tên “con Cù”, gọi là Miễu Ông Cù.

- Đình Bưng Cù: Tên gọi này bắt nguồn từ Miễu Ông Cù được ông quan tổng Nguyễn Văn Thu người vùng chợ Tân Khánh và bà con 2 làng Tân Khánh và Phước Lộc xây lại một ngôi đình rộng rãi, khang trang hơn để thờ thần, thánh, tổ tiên, các bậc tiền bối.

- Đình Tân Phước Khánh: Tên gọi đặt theo tên phường Tân Phước Khánh. Đình thuộc làng Tân Khánh – Bà Trà, tổng Bình Thiện, huyện Bình An, tỉnh Thủ Dầu Một xưa. Nay là thị trấn Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Năm 1926, làng Tân Khánh và làng Phước Lộc sát nhập thành một và lấy tên là Tân Phước Khánh.

2/ Địa điểm, đường đi đến Di tích.

Di tích đình Bưng Cù thuộc làng Tân Khánh – Bà Trà, tổng Bình Thiện, huyện Bình An, tỉnh Thủ Dầu Một xưa. Nay là thị trấn Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Đường dẫn tới di tích: Từ trung tâm thành phố Thủ Dầu Một (ngã tư Chợ Đình) theo đường DT743 hướng về Biên Hòa đi khoảng 9 km rã trái vào đường DH402 khoảng 500m là tới đình thần Bưng Cù, hay còn gọi là Miễu Ông Cù. Giao thông tới di tích rất thuận tiện cho các phương tiện đường bộ.

3/Phân loại di tích

Di tích đình thần Bưng Cù thuộc loại hình di tích lịch sử văn hóa.

4/Sự kiện, nhân vậy lịch sử, đặc điểm của di tích

Sự xuất hiện của Đình Bưng Cù (Miếu Ông Cù) liên quan đến một câu chuyện được các bậc cao niên trong làng kể lại như sau: Vào tiết xuân, không nhớ rõ năm nào, cách đây trên khoảng 200 năm, trên vùng Tân Khánh – Bà Trà có ông Phạm Văn Thuận ra suối vỡ đất làm ruộng cấy lúa, trưa nắng ông lên nghỉ mát ở dưới gốc cây Sến. Lúc bấy giờ có một người gốc Huế từ ngã 3 chợ Tân Ba đi ngang và ghé

ngồi nghỉ cùng ông. Người này nói: Trước đây, tại nơi này có con Cù tu dậy thành con suối nước chảy ra sông Đồng Nai; ngọn vô tới mạch Nhà Thơ, có đặt bọng tre cho nước chảy ra. Làng Phước Lộc (nay là một phần Bình Phước B, Bình Chuẩn) đến lệ Kỳ Yên xuống gánh nước về dùng. Tục truyền rằng: Cả làng đều uống dòng nước này.

Sau khi nghe vậy, ông Phạm Văn Thuận rủ bà con xóm làng, phát quang một mảng rừng cất lên Miếu Ông Cù để thờ cúng. Sau một thời gian, ông quan tổng Nguyễn Văn Thu người vùng chợ Tân Khánh có gặp ông Thuận và bà con hai làng để bàn việc dỡ miếu, xây lại một ngôi đình rộng rãi, khang trang hơn để thờ thần, thánh, tổ tiên, các bậc tiền bối…Tên gọi Đình Thần Bưng Cù từ đó mới được xuất hiện. Năm 1926, làng Tân Khánh và làng Phước Lộc sát nhập thành một và lấy tên là Tân Phước Khánh, có thể xuất phát từ nguyên do này mà đình Bưng Cù còn có một tên gọi khác nữa là Đình thần Tân Phước Khánh. Tuy vậy, tên gọi này ít khi được sử dụng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đình thần Bưng Cù cũng phải trải qua biết bao thử thách. Và, cũng chính tại nơi này tinh thần yêu nước của dân làng Tân Phước Khánh luôn được thể hiện một cách mạnh mẽ, thống nhất. Lễ Kỳ Yên năm 1945 diễn ra khi Thực dân Pháp trở mặt chiếm lại Miền Nam, ông Nguyễn Văn Ngang – Tổng ủy viên quân sự đã lên sân khấu xin dừng chương trình hát cúng đình, kêu gọi nhân dân không đi lính, không tiếp tế, không dẫn đường cho Pháp. Sau đó, ông cùng Ban quý tế thắp hương xin thần đốt đình để đình không rơi vào tay thực dân Pháp, quyết tâm hưởng ứng lệnh tiêu thổ kháng chiến của chính phủ.

Năm 1954, đình thần Bưng Cù được cất lại bằng cây, lợp thiếc. Tuy vậy, những năm sau đó chế độ Mỹ Ngụy gom dân lập ấp chiến lược, khiến người dân ít dám ra đình. Lúc này, khu vực đình Bưng Cù được du kích ba xã Tân Phước Khánh, Thái Hòa, Bình Chuẩn đào hầm trú ẩn và hoạt động.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, một thời gian dài đình Bưng Cù vẫn nằm trong tình trạng hoang tàn vì dân còn xiêu tán, đời sống dân làng còn nhiều khổ cực. Mãi tới năm 1995, ông Lương Văn Gọn, ông Phan Văn Đồi đứng ra kêu gọi bà con cùng chung tay xây lại đình xưa, lúc đầu mới chỉ có gian chánh điện (chánh tẩm), sau đó dần xây thâm các hạng mục Đông Lang, Tây Lang, và mới đây nhất là Võ Ca.

Hiện tại, đình khá khang trang với đầy đủ các hạng mục thiết yếu. Sân đình và các hạng mục được láng xi măng hoặc gạch nung, được lợp mái tôn thoáng mát. Xung quanh đình có Đông Lang, Tây Lang rộng rãi, có vườn cây dầu bao quanh. Khung cảnh của đình Bưng Cù rất thích hợp cho những buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc là nơi tổ chức các nghi lễ, diễn xướng…

Đình thần Bưng Cù được vua Tự Đức ban sắc phong năm 1852. Sắc phong có nội dung như sau:

Sắc phong Đình Thần Bưng Cù:

敕 新 慶 城皇 之 神 原 贈 保 安 正 直 侑 善 之 神 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 肆 令 丕 膺 耿 曼 纆 念 神 庥 可 加 贈 保 安 正 直 侑 善 敦 凝 之 神 乃 準 平安 縣 新 慶 村 依 寠 本 事 神 其 相 侑 保 我 黎 民.

欽 哉

嗣 德 五 年十 一月卄九 日

Phiên âm:

Sắc Tân Khánh Bổn cảnh Thành hoàng chi thần nguyên tặng bảo an chánh trực hữu thiện chi thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng tứ kim phi ưng. Cảnh mệnh miễn niệm thần hưu khả gia tặng bảo an chánh trực, hữu thiện đôn ngưng. Chi thần nhưng chuẩn Bình An huyện Tân Khánh thôn. Y cựu bổn sự thần kì tương hữu bảo ngã lê dân.

Khâm tai

Tự đức ngũ niên, Thập nhất nguyệt, chấp cửu nhật (29/11/ Tự Đức V)

Tạm dịch:

Sắc cho Thần thành hoàng của thôn Tân Khánh trước đây tặng là Thần (Bảo an chánh trực) Hữu thiện, bảo vệ đất nước che chở cho dân, linh ứng đã lâu. Nay trẫm nhận mệnh lớn của trời, nghĩ tới công lao to lớn của Thần tặng thêm cho mĩ hiệu (Bảo an chánh trực hữu thiện đôn ngưng”.

Chuẩn cho thôn Tân Khánh huyện Bình An phụng sự thờ thần như cũ Thần hãy bảo vệ cho dân của ta.

Hãy thành khẩn thi hành sắc này.

Ngày hai mươi chín, tháng mười một, năm Tự Đức thứ năm.

5/Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích:

Hằng năm đình thần Bưng Cù có 2 lễ cúng lớn đó là lễ giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10/3 âm lịch và Đại lễ Kỳ Yên từ ngày 18,19/8 âm lịch hàng năm.

Ngoài ra hàng năm tại đình Bưng Cù còn có các lễ cúng khác như:

- Cúng khai vị ngày 7/1 âm lịch.

- Cúng Thượng Ngươn ngày 14/1 âm lịch.

- Cúng Tết đoan ngọ ngày 5/5 âm lịch.

- Cúng ngày Thương binh liệt sĩ (cúng chiến sĩ) ngày 27/7 dương lịch.

- Cúng Trung ngươn 14/7 âm lịch.

- Cúng Hạ ngươn ngày 14/10 âm lịch.

- Cúng đưa thần 20 tháng chạp.

* Nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương tại đình thần Bưng Cù ngày 10/3 âm lịch.

VĂN TẾ GIỔ TỔ VUA HÙNG

Việt Nam văn hiến

Bốn ngàn năm sử tích triều nghi

Hỡi dòng máu Việt khắc ghi

Mấy lời tâm huyết lương tri ấy là:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Hôm nay tại đất Bình Dương tiết xuân Ất Tỵ đúng tháng 3 Âm lịch mùng 10.

Ban nghi lễ Đình Thần Bưng Cù, cùng quý vị đại biểu, quý khách và các Ban quý tế Đình , Chùa , Miếu lân cận thành kính dâng hương, phẩm vật, hương hoa hướng về Quốc tổ Hùng Vương bao đời.

Cung thỉnh: Đức Tổ Phụ Quốc tổ Lạc Long Quân

- Tổ Mẫu Quốc tổ Âu Cơ

- Thập bát Quốc tổ Hùng Vương hiển thánh.

Nhớ sử xưa: Vun nền văn hiến, cõi trời nam đã phân định rạch ròi, tổ ta xưa khởi nghiệp đất Lĩnh Nam đã có đủ văn thần võ tướng. Tổ tiên vùng Đông Á kém chi đâu Ngũ Đế với Tam Hoàng. Trai Bách Việt góc trời uy dũng.

Nòi tiên rồng riêng giống hiên ngang. Mẹ Âu Cơ cùng tổ phụ Long Quân, sinh một bọc 100 con nòi Lạc Việt.

Mẹ lên non, 50 con trồng nương lập rẫy. Cha xuống đồng, 50 con xông lướt biển Đông lập làng xóm, dựng Văn Lang triều đại đất Phong Châu.

Vùng Ngũ Lĩnh mênh mông một cõi.

Dòng Lạc Hồng cương thổ đã phân minh.

Đấng Quốc tổ Hùng Vương thứ nhất, dựng nước nhà hùng cứ xưng vương, cùng Lạc Tướng, Lạc Hầu trị quốc.

Sử sách còn đây, trống đồng còn đó

Văn minh Lạc Việt ai quên

Lịch sử rồng tiên phải nhớ!

Nào giặc Ân hống hách nghênh ngang, làng Phù Đổng anh tài hiển hiện, phi ngựa sắt lửa thần phủ khắp,

tuốt tre làng đập quét lũ tà ma.

Tự hào thay, thần Tản Viên hiển thánh, trị thủy giúp dân trừ thủy quái muôn dân khỏi ách.

Đẹp vô cùng tình yêu Tiên – Chữ sáng như trăng, trong như ngọc lay động trời người.

Tam tài tương hợp, thuận lẽ tự nhiên, Lang Liêu dâng tiến bánh dầy ,bánh chưng. Ý cao nghĩa lớn thuận dòng âm dương.

Trời tròn với lại đất vuông hữu linh vạn vật hài hòa thiên nhiên. Bốn dây cột gói bánh chưng,

Lạc Thư là đó Hà Đồ là đây.

Vẻ vang thay: 18 Vua Hùng anh kiệt cùng bao triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn dựng một dãy giang san cẩm tú, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, rộng khắp chốn đông, tây, nam , bắc.

Nhớ tổ xưa: gây dựng sơn hà. Chúng con nay: thầy trò gắng sức cùng muôn dân nước Việt hùng anh, bồi cơ đồ, chung lưng đấu cật, nung quật cường giữ vững giang sơn.

Hôm nay Ban nghi lễ Đình Thần Bưng Cù, cùng quý vị đại biểu, quý khách và các Ban quý tế Đình , Chùa , Miếu lân cận thành kính dâng nén tâm hương, chầu hầu Quốc tổ, xin Vạn tuế Quốc tổ hiển linh, phù hộ độ trì

Ban nghi lễ Đình Thần Bưng Cù

Kính Bái

Đại lễ Kỳ yên đình thần Bưng Cù ngày 18,19/8 âm lịch hằng năm.

Kỳ yên là dịp để những nông dân trước là bày tỏ tình cảm của mình với thần linh, sau là dịp gặp mặt nhau bàn luận công việc làm ăn và bày tỏ tình cảm, trao đổi kinh nghiệm. Trong lễ hội kỳ yên, một mặt người nông dân đền ơn thần linh đã phù trợ, giúp sức cho họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống, được “hòa muôn, triệu triệu; được an cư, lạc nghiệp, được quốc thái, dân an”. Nó có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân.

Diễn tiến lễ hội kỳ yên:

Ngày 17/8 âm lịch:

- 7 giờ sáng: Tiến hành dọn dẹp vệ sinh quanh đình.

- 9 giờ sáng: Chẩn bị hương đăng, hoa quả, lễ vật cúng đình.

- 13 giờ: Kiểm tra lại công tác trang trí, lễ vật chuẩn bị lễ .

- 16 giờ: Cúng rước tổ Hát Bội.

- 18 giờ 30: Lễ tụng kinh cầu an

- 19 giờ 30: Biểu diễn văn nghệ chào mừng lễ hội.

Ngày 18/8 âm lịch:

- 4 giờ sáng: Lễ rước (thỉnh) Sắc thần được Vua Tự Đức sắc phong cho đình vào năm 1852 , lưu giữ tại UBND Phường Tân Phước Khánh ra đình.

- 4 giờ 45 phút sáng: Đón tiếp đoàn múa Cù, nhạc cụ dân tộc Hiếu Nghĩa Đoàn Phường Tân Phước Khánh.

- 5 giờ sáng: Cúng yết, lễ tế Thần, lễ tế Tiền Hiền.

- 7 giờ sáng: Tiếp chính quyền, khách.

- 7 giờ 30 phút: Khai mạc thông qua chương trình lễ hội.

- 8 giờ sáng: Tiếp quan khách, khách quý, Ban nghi lễ các Đình, Chùa, Miếu lân cận đến dâng hương cúng đình.

- 9 giờ sáng: Lễ Đại Bội: Xây chầu biểu diễn:

+ Điềm Hương

+ Nhật Nguyệt

+ Tam Hiền

+ Tứ Tướng

+ Ngũ Hành

+ Gia Quan

- 9 giờ 30: Biểu diễn hát tuồng Chung Vô Diệm

- 19 giờ: Biểu diện Vầng trăng cổ nhạc.

- 20 giờ: Biểu diện Từ Hải Thọ.

Ngày 19/8 âm lịch:

- 8 giờ: Tiếp khách quý, các ban ngành, đoàn thể, các ban quý tế đình, miếu lân cận tới dâng hương.

- 9 giờ: Biểu diễn trích đoạn cải lương.

- 14 giờ: Bế mạc lễ hội.

6/ Khảo tả di tích

Đình thần Bưng Cù được xây dựng trong khuôn viên đất có diện tích 6261.5 m2, địa hình cao ráo thoáng mát, xung quanh có nhiều cây xanh. Bao quanh khuôn viên của đình được xây dựng tường rào kiên cố. Đình nằm quay mặt về hướng Đông trước mặt là đường giao thông DH402 rất thuận tiện có dân làng và khách thập phương đến tham quan và tín ngưỡng thần.

Toàn bộ khuôn viên của đình gồm các hạng mục công trình như: Chánh điện , nhà võ ca, nhà thờ tổ, đông lang, văn bia liệt sĩ, miếu thờ bạch mã, bình phong và cổng đình.

Cổng đình nằm hướng Đông phía trước đình, được xây dựng bằng vật liệu như gạch trát xi măng rộng 5 mét, cao 4 mét. Cổng được xây dựng theo kiến trúc cổng tam quan truyền thống như ở hầu hết các đình làng Nam bộ. Phần phía trên cổng là bảng bê tông phía trên là dòng chữ “ Đình Thần Bưng Cù” đắp nổi màu vàng trên nền những ô vuông màu đỏ kiểu tiếng việt cách tân theo lối viết thư pháp. Phía dưới là bảng chữ hán 亭神新福慶: Đình thần Tân Phước (Phúc) Khánh. Trên đỉnh mái cổng đỉnh trang trí hình tượng lưỡng long chầu nhật bằng gốm màu xanh ngọc, trên các trụ cột trang trí hình tượng nghê bằng gốm.

Ngay phía sau cổng vào đình là bức bình phong hình Hổ trên có ghi năm xây dựng ( 10/7/1970) nằm án ngự ngay trước đình. Bức bình phong được xây bằng đá, gạch trát xi măng màu xanh cao 1.5 mét, rộng 2.5 mét, với hình tượng núi, rừng cây và hình ông Hổ oai nghiêm sơn màu vàng nhìn rất cổ kính. Hai bên bình phong là hai trụ xi măng hình vuông trên có trang trí tượng con nghê bằng gốm, đắp nổi cặp đối chữ hán có nội dung:

山臺白虎吟夜月

溪田青龍嘯春風

Sơn đài bạch hổ ngâm dạ nguyệt

Khê điền thanh long khiếu xuân phong

Tiếp theo bình phong là khu vực nhà võ ca, được xây dựng năm 2011 nhằm mục đích là nơi tổ chức các hoạt động trong các ngày lễ của Đình và là nơi tổ chức hoạt động đờn ca tài tử trong ngày hội Đình. Nhà võ ca có diện tích 6m x 8m, nền láng xi măng, các cột được đúc bằng bê tông, vì kèo bằng gỗ và mái lợp tôn.

Phía bên trái lối vào chánh điện chính là khu nhà bia Tổ Quốc ghi công xây dựng năm 2013, có diện tích 3m x 3m, xậy bằng gạch, xi măng, mái lợp tôn nền lát gạch men Hai trụ tròn phía trước đắp nổi hình tượng rồng màu vàng rất trang nghiêm. Nơi đây có án thờ và bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ xã Tân Phước Khánh đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược.

Kế tiếp nhà bia Tổ Quốc ghi công là bàn thờ Thần Nông trên có đặt bài vị có chữ Thần Nông ghi bằng chữ hán. Bên cạnh là am thờ Chúa Xứ xây bằng gạch trát xi măng, mái đúc bằng bê tông có diện tích 1m 2 bên trong có đặt bài vị ghi主處: Chúa Xứ.

Đối diện với am thờ Chúa Xứ , phía bên phải là am thờ chiến sĩ trận vong, nơi đây có đặt án thờ có bài vị chữ hán ghi: 戰仕陣亡 (Chiến sỹ trận vong).

Kế bên là Miếu thờ Bạch Mã Thái Gíam, miếu cũng được xây với diện tích nhỏ, bằng gạch, xi măng, mái đúc bằng bê tông, trong có đặt án thờ có bài vị chữ chữ hán ghi: 白馬太監 (Bạch Mã Thái giám). Theo như lời các cao niên thì đây là phương tiễn đi lại của Thần thành hoàng nhưng qua nghiên cứu sử liệu thì Bạch Mã

Thái giám là một vị thần trong hệ thống thần phả Việt Nam, được thở ở hầu hết các đình làng Việt Nam.

Phía trước chánh điện của đình là khoảng sân đình tương đối rộng, có mái che bằng tôn thoáng mát , nền láng xi măng và lát gạch nung rất sạch sẽ rất thuận tiễn cho dân chúng sinh hoạt vào mỗi dịp tổ chức lễ cúng đình. Ngoài ra đây còn làm việc của Ban quí tế đình thần Bưng Cù.

Chính giữa là Chánh điện của đình thần Bưng Cù, Về kiến trúc, Đình thần Bưng Cù không có kiểu kiến trức chữ nhất (一), nhị (二), tam (三) hay chữ đinh (丁) truyền thống mà có kiểu kiến trúc chữ khẩu (口). Đây là kiểu kiến trúc mà hầu hết các hạng mục đều được bố trí xung quanh khoảng sân đình, tạo thành 1 kiểu kết cấu liền kề. Nhìn tổng thể, gian Chánh điện khá nhỏ, kết cấu chủ yếu là gạch, xi măng, sắt thép. Mái đình không thoải và dốc như hầu hết các ngôi đình khác ở Nam Bộ, nhìn tổng thể mái có dạng hình vuông (chữ khẩu 口), dạng mái chồng. Gồm hai mái chồng lên nhau, được lợp ngói tây, trên đỉnh trang trí hình tượng lưỡng long tranh châu. Đình thần Bưng Cù không có kiến trúc bằng gỗ như hầu hết các đình làng khác ở Bình Dương, các cột tròn, vì kèo được đúc bằng bê tông cốt thép kiên cố kết hợp với dui mè bằng gỗ. Các bàn thờ được xây bằng xi măng, bài vị được trang trí sơn màu, tuy không có gì đặc sắc song toát lên vẻ cẩn thận, chu đáo và rất gọn gàng, sạch sẽ. Giữa gian chánh điện là 4 trụ cột tròn bằng bê tông cốt thép được sơn đỏ, nâng đỡ toàn bộ mái đình.Trên bốn cột được trang trì hình tượng rồng sơn vàng đắp nổi uốn lượn quanh trụ từ trên xuống.

Phía trước bàn thờ thần Hoàng là bàn thờ Lạc Long Quân, người có công khai sinh ra nước Văn Lang tiền thân cỉa nước Việt Nam ngày nay. Trên bàn thờ có đặt di ảnh của ông với dòng chữ “QUỐC TỔ LẠC LONG QUÂN”. Hai bên đặt cặp hạc chầu bằng gốm và bộ binh khi bằng gỗ.

Hai bên điện thờ thần hoàng là các án thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Tả ban, Hữu ban là những người có công khẩn hoang, kiến thiết làng xã, quê hương, phò tá cho thần. Các bàn thờ đều được xây bằng xi măng sơn màu. Trên có bài vị chữ Hán.

Cuối cùng trong chánh điền là điện thờ Thần hoàng được xây bằng xi măng, Trên phần tường sơn màu đỏ, chữ thần được đắp nổi bằng xi măng sơn màu vàng. Phía dưới bài vị Thần có đặt bộ binh khí bằng kim loại. Phía trước điện thờ thần được trang trí các họa tiết hoa văn, bao lam và hình tượng rồng đắp nổi, sơn phết màu . Phía trước điện thờ là bàn thờ thần, nơi đặt lễ vật cúng thần. Hai bên có cặp Hạc chầu, hai hàng binh khi và bộ lọng bằng vải đỏ trang trí rồng, phượng làm tăng thêm vẻ uy nghi và hoành tráng cho điện thờ thần hoàng.

Bên phải chánh điện là Đông lang, hay còn gọi là nhà khách của đình, nơi phục vụ cho việc tiếp khách, sinh hoạt ăn uống của dân làng vào mỗi dịp cúng đình. Nhà đông lang được xây dựng năm 1995, xây bằng gạch, đá, xi măng, mái lợp ngói vảy cá, có diện tích khoảng 50 m2 .

Bên phải là khu đền thờ, xây dựng năm 2015. Nơi đây đặt án thờ của các vị Tiền hiền, Hậu hiền, Âu Cơ Thánh Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương, Bà Chúa Xứ và tổ nghề của môn võ Tân khánh Bà Trà.

7/ Hiện vật trong di tích.

o 1 cặp Hạc bằng đồng

o 2 cặp Hạc chầu bằng gốm

o 2 bộ lư đồng

o 1 cái cồng bằng đồng

o 1 bộ chập (đồng la) bằng đồng

o 1 cái trống chầu

o 1 cái mõ bằng gỗ

o 2 bộ tráp bằng gổ

o 2 bộ binh khí bằng gỗ

o 1 sắc phong

8/ Gía trị lịch sử, văn hóa, khoa học thẩm mỹ của di tích.

Đình thần Bưng Cù là một trong những ngôi đình được hình thành trên địa bàn tỉnh Bình Dương gần 200 năm. Đình không còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc truyền thống của đình làng truyền thống nhưng những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống vẫn được gìn giữ và phát huy. Đình có giá trị lịch sử tiêu biểu của vùng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân không chỉ tại phường Tân Phước Khánh mà còn có ý nghĩa quan trọng với nhân dân Tân Uyên. Là địa điểm ghi dấu nhiều giá trị lịch sử cách mạng của nhân dân địa phương qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược. Ngoài ra đình còn bảo tồn được những ghi thức thờ cúng thần truyền thống của đình làng Việt Nam, còn lưu giữ được bản sắc phong do vua Tự Đức 5 phong tặng.

Việc duy trì các lễ hội Kỳ Yên và các lễ khác theo phong tục truyền thống của người Việt Nam luôn được tổ chức theo định kỳ và mỗi dịp lễ hội có hàng ngàn lượt nhân dân đến lễ bái thần, tham gia hội và các trò diễn xướng dân gian, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian để tỏ lòng biết ơn của mình đến cha ông đã có công khai khẩn, lập làng cũng như để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ngoài ra, Đình còn là nơi sinh hoạt chung cho cả cộng đồng, là nơi giáo dục con cháu về nguồn gốc tổ tiên, giáo dục về đạo đức, lối sống lành mạnh, lòng yêu quê hương đất nước.

Văn hóa chữ Hán – Nôm đình Bưng Cù.

Sơ đồ bố trí

Nội dung văn hóa Hán Nôm Đình thần Bưng Cù.

o Bảng tên đình chữ Hán số 1, vị trí Cổng Đình.

亭神新福慶

Phiên âm: Đình thần Tân Phước (Phúc) Khánh

Tên Tân Phước Khánh là tên ghép giữa hai làng Tân Khánh và Phước Lộc, năm 1926, khi 2 làng này sát nhập lấy tên là làng Tân Phước Khánh thì Đình Bưng Cù cũng có 1 tên gọi khác là đình Tân Phước Khánh.

o Cặp câu đối chữ Hán số 2, vị trí Cổng Đình.

福慶民居有誠心

市鎮新造廟門安

Phiên âm:

Phước Khánh dân cư hữu thành tâm

Thị trấn tân tạo miếu môn an

Câu này về mặt ngữ nghĩa không không quá phực tạp, cấu trúc trúc câu khá đơn giản. Cặp chữ Hán này giống 2 câu thơ diễn ý hơn là 1 cặp đối hoàn chỉnh. Tuy vậy, điểm đáng nói ở đây là tác giả đã gợi mở được yếu tố lịch sử, đó là việc bà con Tân Khánh, Phước Lộc đã cùng nhau “tân tạo” ngôi miếu cầu an xưa thành ngôi đình để phối thờ thần linh, các bậc tiền hiền, hậu bối…

Tạm dịch:

Dân làng Phước Khánh thành tâm khấn

Thị trấn sửa sang miếu an bình.

o Cặp câu đối chữ Hán số 3, vị trí Cổng Đình.

新厚地靈雨順風調扶世事

福純人傑上和下睦保村中

Phiên âm:

Tân hậu địa linh vũ thuận phong điều phù thế sự

Phước thuần nhân kiệt thượng hoà hạ mục bảo thôn trung

Một số thuật ngữ cần giải thích thêm: 上和下睦 - Thượng hòa hạ mục có nghĩa là: Trên thuận dưới hòa, hoặc trên dưới hòa thuận. Cặp câu đối này có sử dụng nghệ thuật gieo chữ, dùng chữ “tân”, chữ “phước” (trong cụm từ Tân Phước Khánh) để bắt đầu những vế đối.

Tạm dịch:

Sửa cất, đất linh, mưa thuận gió hòa, sự đời đưa tay giúp

Phúc lớn, người tài, trên dưới một lòng, thôn xóm giữ gìn chung.

o Cặp câu đối chữ Hán số 4, vị trí Bình phong.

山臺白虎吟夜月

溪田青龍嘯春風

Phiên âm:

Sơn đài bạch hổ ngâm dạ nguyệt

Khê điền thanh long khiếu xuân phong

Đây là một câu đối hay, chuẩn mực về nguyên tắc đối; ý nghĩa sâu sắc, thanh thoát. Đáng tiếc là cặp câu đối này lại có chút ít nhầm lẫn, hoặc tác giả quá sa vào mô típ “thanh long- bạch hổ” trong tứ tượng mà quên rằng mô típ hổ trên bình phong cũng được quy ước khá chặt chẽ. Trước hết, phải nói thêm rằng: Bình phong là 1 hạng mục rất phổ biến trong thiết chế đình ở Việt Nam, nó thường nằm chính giữa phía trước sân đình, với ý nghĩa “chắn gió”, xua đuổi tà ma, xu khí. Mô típ trên mặt bình phong thường đắp nổi hoặc vẽ cảnh cọp vàng (hoàng hổ) đứng bên vách đá lởm chởm, có một cây cổ thụ vươn che cành lá; hoặc cảnh long mã chở cái phù đồ, hoặc cảnh long hổ hội (cọp dưới đất ngước lên nhìn rồng đang bay ẩn trong mây nhìn xuống); cốt để biểu thị âm dương hòa hợp.

Bình phong Đình thần Bưng Cù hoàn toàn đúng theo mẫu những bức bình phong truyền thống. Chính vì vậy, khi đọc câu đối thấy xuất hiện từ “bạch hổ” ta rất dễ nhận thấy đó là cách dùng từ không phù hợp với khung cảnh thực tế. Song, nếu xét câu đối này 1 cách độc lập, không chịu tác động của bối cảnh thì đây vẫn là 1 câu đối hay, chuẩn mực.

Tạm dịch:

Vách núi hổ trắng vịnh trăng sáng

Suối sâu rồng xanh huýt gió xuân.

o Bài vị chữ Hán số 5, vị trí bàn thờ Thần Nông.

神農

Phiên âm: Thần Nông1

o Bài vị chữ Hán số 6, vị trí bàn thờ Chúa Xứ.

主處

Phiên âm: Chúa Xứ

o Cặp câu đối chữ Hán số 7, vị trí am thờ bà Chúa Xứ.

萬古精中招日月

千秋春色是乾坤

Phiên âm:

Vạn cổ tinh trung chiêu nhật nguyệt

Thiên thu xuân sắc thị càn khôn

Tạm dịch:

Muôn thủa thần linh đón năm tháng

Nghìn năm sắc xuân thấy đất trời.2

o Bài vị chữ Hán số 9, vị trí Bàn thờ Chiến sỹ trận vong.

戰仕陣亡

Phiên âm: Chiến sĩ trận vong

o Bài vị chữ Hán số 9, vị trí Bàn thờ Bạch mã Thái giám

白馬太監

Phiên âm: Bạch mã thái giám

Đây là một thuật ngữ hết sức quen thuộc, song để hiểu chính xác, tường tận thì hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản.

Tại sao hầu hết các ngôi đình ở duyên hải miền Trung và Nam bộ đều có bàn thờ Bạch mã thái giám ? Đây là đối tượng như thế nào mà được làm tượng thờ ngay trong đình ? Qua trao đổi với một số bậc cao niên của các Ban quý tế đình ở Bình Dương, đa phần ý kiến đều cho rằng: Bạch mã thái giám là ngựa của ngài (Thần Hoàng Làng) cưỡi.

Tuy vậy, chúng ta cũng cần làm rõ thêm nhận định trên bởi 3 nguyên do: (1).Nếu chỉ đơn thuần là ngựa của ngãi cưỡi thì có thể làm tượng để trong đình song ít có khả năng lại lập thêm 1 bệ thờ ngang hàng với bệ thờ thần nông, chúa sơn lâm, bà chúa xứ…(2).Tại sao chỉ duy nhất có ngựa trắng mà không có ngựa đen (ô mã), ngựa đỏ (huyết mã, xích thố). (3).Cụm từ “thái giám” trong “bạch mã thái giám” có ý nghĩa gì ?

Qua khảo cứu các nguồn tư liệu, chúng tôi đưa ra 2 giả thiết3:

Thứ nhất: Bạch Mã là một vị thần trong hệ thống thần phả Việt Nam. Bạch Mã được nhắc tới đầu tiên trong Việt điện u linh với tên hiệu đầy đủ là: Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương. Tương truyền, khi Cao Biền xây thành Đại La, thấy một dị nhân cưỡi con rồng đỏ bay trên đám mây ngũ sắc. Cao Biền bèn dùng bùa yểm nhưng bị sét đánh tung bùa yểm. Cao Biền sợ quá bèn lập đền thờ. Khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long tu bổ kinh thành gặp khó khăn, vua sai cầu đảo ở đền thì thấy một con ngựa trắng từ trong đền ra chạy một vòng quanh thành, vua cứ theo vết chân ngựa xây thành mà thành.

Trên địa bàn toàn tỉnh không có một miếu nào thờ riêng thần Bạch Mã thái giám nhưng tên vị thần này đã gắn liền với tất cả các ngôi đình ở Bình Dương. Thông thường, Thần được thờ riêng ở một ngôi miếu nhỏ, trong khuôn viên đình, bài vị thường được ghi là: Thần Bạch Mã thái giám (神白馬太監), hoặc nếu không có miếu thờ thì trong văn cúng cũng nhắc tới tên thần với mỹ hiệu: “Bạch mã Thái giám, bảo an lợi vật trung đẳng thần” (白馬太監保安利物中等神) hoặc đa số gọi tắt là: Bạch mã Thái giám tôn/chi thần” (白馬太監尊/之神). Theo cách hiểu của dân gian, Thần được coi là vật cưỡi của thần Thành Hoàng và là thuộc hạ hầu cận (thái giám).

Và sau này vua Tự Đức phong trong đợt ban sắc phong năm 1852, Bạch mã là Thượng đẳng thần, tức có phẩm trật cao thành hoàng làng (Trung đẳng thần). Chính vì vậy, hiểu Bạch mã thái giám là con vật dùng cho ngài cưỡi là khá khiêm cưỡng.

Thứ hai: Có thể xuất phát từ ngựa thần Balaha hoá thân của bồ tát Quan Thế Âm. Do để cứu độ chúng sanh nên bồ tát Quan Thế Âm phải ở lại thế gian và hóa thân thành nhiều hình tướng khác nhau, nam có, nữ có không phân biệt giới tính. Con ngựa Balaha cũng vậy, không có giới tính, nó còn là biểu tượng cho sự che chở, cứu vớt…Văn hóa đình làng tích hợp thêm 1 yếu tố mang tính phật giáo, đã có sự biến tấu vào hệ thống thờ tự cũng là chuyện bình thường, đặc biệt yếu tố đó lại là hiện thân – hình tướng của Quan Thế Âm bồ tát, một vị bồ tát rất được tôn sùng và phổ biến ở Việt Nam.

o Cặp câu đối chữ Hán số 12, vị trí Đông Lang.

神光普照重恩遠

聖化無私賜福多

Phiên âm:

Thần quang phổ chiếu trọng ân viễn

Thánh hoá vô tư tứ phúc đa

Tạm dịch:

Ánh quang thần linh chiếu khắp xa gần thấm ân nặng

Thánh linh hóa hiện công chính liêm minh ban phúc dày.

o Nhóm các câu liễn giấy chữ Hán số 13, vị trí Tây Lang.

Tại đình thần Bưng Cù, mỗi năm vào dịp cúng kỳ yên, Ban quý tế lại cho viết những câu liễn bằng giấy điều, mực tàu thể hiện ý nguyện của dân chúng như:

-國泰民安 – Quốc thái dân an

-風和雨順 – Phong hòa vũ thuận

-聖壽無彊 – Thánh thọ vô cương

-聖壽千秋 – Thánh thọ thiên thu

-英灵千古 – Anh linh thiên cổ

o Cặp câu đối chữ Hán số 14, vị trí mặt tiền Chánh Điện

可畏可懷村内人民同有賴

要忠要孝廟前律法自無私

Phiên âm:

Khả uý khả hoài thôn nội nhân dân đồng hữu lại

Yếu trung yếu hiếu miếu tiền luật pháp tự vô tư

Tạm dịch:

Kính phục bao dung, thôn trang nhân dân cùng nương tựa

Có trung có hiếu, trước miếu pháp luật thật nghiêm minh.

o Cặp câu đối chữ Hán số 15, vị trí mặt tiền Chánh Điện

聖廟為新泰運重花新宇宙

神靈 依舊英風秀氣舊山河

Phiên âm:

Thánh miếu vi tân thái vận trọng hoa tân vũ trụ

Thần linh y cựu anh phong tú khí cựu sơn hà

Tạm dịch:

Miếu thánh khang trang, vận như hoa báu nơi vũ trụ

Thần linh ban phước, gió thiêng khí tốt núi sông xưa.

o Cặp câu đối chữ Hán số 16, vị trí bên trong Chánh Điện.

新等千秋聖德英靈安社稷

福培萬世神明普照保黎民

Phiên âm:

Tân đẳng thiên thu thánh đức anh linh an xã tắc

Phúc bồi vạn thế thần minh phổ chiếu bảo lê dân

Tạm dịch:

Bằng phẳng nghìn thu, đức thánh anh linh, ban bình an cho đất nước

Phúc bồi vạn đời, ánh sáng thần linh, chiếu khắp bảo vệ muôn dân.

o Bài vị chữ Hán số 17, vị trí bàn thờ Hậu Hiền.

後賢 – Hậu Hiền

o Cặp câu đối chữ Hán số 18, vị trí bàn thờ Hậu Hiền.

五色雲中迎鳳等4

九重天上迓龍來

Phiên âm:

Ngũ sắc vân trung nghinh phụng đáo

Cửu trùng thiên thượng nhạ long lai.

Tạm dịch:

Năm sắc mây lành nghênh phượng đến

Chín bậc trời cao rước rồng về.

o Bài vị chữ Hán số 19, vị trí bàn thờ Tiên Sư.

先師土公 – Tiên sư thổ công

o Cặp câu đối chữ Hán số 20, vị trí bàn thờ Tiên Sư.

和平有象誠崖格

大浩無私德是親

Phiên âm:

Hoà bình hữu tượng thành nhai cách

Đại hạo vô tư đức thị thân

Một số cụm từ cần giải thích thêm:

和平有象 - Hòa bình hữu tượng: Thiên hạ thái bình, mùa màng bội thu. 誠能格 - Thành năng cách: Có lòng thành thì thần sẽ chứng giám. 大浩 - Đại hạo: Trời đất. 無私 - Vô tư: Không thiên vị

Tạm dịch:

Hòa bình bội thu lòng thành được chứng giám

Trời đất vô tư có đức là thân gần

o Bài vị chữ Hán số 21, vị trí bàn thờ Tiền Hiền.

前賢 (Phiên âm: Tiền Hiền)

o Cặp câu đối chữ Hán số 22, vị trí bàn thờ Tiền Hiền.

律轉帘亭生瑞色

春新聖坐逴光祥

Phiên âm:

Luật chuyển liêm đình sinh thuỵ sắc

Xuân tân thánh toạ trác quang tường

Tạm dịch:

Phép đổi dựng đình sinh sắc tốt

Xuân mới thánh ngự chiếu hào quang

o Bài vị chữ Hán số 23, vị trí bàn thờ Ngũ từ tôn thần.

五祠尊神

Phiên âm: Ngũ từ tôn thần

o Cặp câu đối chữ Hán số 24, vị trí bàn thờ Ngũ từ tôn thần.

瑞日祥光盈土宇

春風和氣滿乾坤

Phiên âm:

Thuỵ nhật tường quang doanh thổ vũ

Xuân phong hoà khí mãn càn khôn

Tạm dịch:

Ngày tốt ánh thiêng chiếu khắp nơi

Gió xuân khí hòa tỏa trời đất.

o Bài vị chữ Hán số 25, vị trí Bàn thờ Hữu Ban.

右班 (Phiên âm: Hữu Ban)

o Cặp câu đối chữ Hán số 26, vị trí Bàn thờ Hữu Ban.

善惡災祥終有報

栽培傾覆仰無私

Phiên âm:

Thiện ác tai tường chung hữu báo

Tài bồi khuynh phúc ngưỡng vô tư

Tạm dịch:

Thiện, ác, họa, phúc đều có báo

Vun bồi, lật đổ thật công bằng.

o Bài vị chữ Hán số 27, vị trí Bàn thờ Tả Ban.

左班

o Cặp câu đối chữ Hán số 28, vị trí Bàn thờ Tả Ban.

瑞氣結成金鳳舞

祥光吐出玉龍飛

Phiên âm:

Thuỵ khí kết thành kim phụng vũ

Tường quang thổ xuất ngọc long phi

Tạm dịch:

Khí linh kết thành phượng vàng múa

Ánh thiêng nhả khói rồng ngọc bay.

o Hoành phi chữ Hán số 29, vị trí phía trên bàn thờ Thần.

如保赤子

Phiên âm: Như bảo xích tử

Câu này là của Chu Thành Vương5, vốn trong sách Thượng Thư ghi là 若保赤子 (Nhược bảo xích tử), về sau người ta lại ghi "Như bảo xích tử". Chữ "nhược"

và "như" nghĩa như nhau. Xích tử còn có 1 nghĩa khác là nhân dân, bá tánh, “như bảo xích tử” được hiểu là chăm lo cho bá tánh. Sau này, tư tưởng Nho giáo thịnh hành quan điểm này cũng được phát triển rộng rãi, trong xã hội vua là thiên tử (con trời), quan là phụ mẫu (cha mẹ), dân là xích tử (con đỏ, con thơ).

如保赤子 còn được hiểu rộng ra với nghĩa so sánh là: Chăm lo, bảo hộ cho bá tánh ân cần, sát sao như chăm lo cho con trẻ. Tư tưởng “quốc dĩ dân vi bản” (Nước lấy dân làm gốc), hay “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, “dưới gầm trời này không có gì quý bằng dân” (Trần Quốc Tuấn), “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo” (Hồ Nguyên Trừng) là những minh chứng tiêu biểu nhất cho tư tưởng lấy dân làm gốc. Kiểu hoành phi dạng này rất phổ biến trên các thiết chế đình làng, nơi thường diễn ra các hoạt động chính trị của cộng đồng thời phong kiến.

o Cặp câu đối chữ Hán số 30, vị trí Bàn thờ Thần.

聖德保安村里盛

神恩扶護國庇民

Phiên âm:

Thánh đức bảo an thôn lý thịnh

Thần ân phù hộ quốc tý dân

Tạm dịch:

Thánh đức bảo hộ, thôn trang thịnh.

Thần ân che chở, nước, dân yên.