Địa điểm

CHÙA HƯNG LONG (Di tích Lịch sử - Văn hóa)

2021-10-26 06:22:40
Chùa Hưng Long tọa lạc tại vị trí khá thơ mộng bên dòng Đồng Nai xanh biếc, hiền hòa và êm ả, thuộc phường Thạnh Phước, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

1. Vị trí, không gian di tích:

Chùa Hưng Long tọa lạc tại vị trí khá thơ mộng bên dòng Đồng Nai xanh biếc, hiền hòa và êm ả, thuộc xã Thạnh Phước, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.Từ đại lộ Bình Dương (trung tâm thị xã Thủ Dầu Một), theo đường Phú Lợi đi về hướng Biên Hòa (Đồng Nai) khoảng 10km đến ngã ba Tân Ba, rẽ trái đường đi về huyện Tân Uyên một đoạn hơn 1km gặp ngõ rẽ phải (ra bến đò Thạnh Hội cũ) đi khoảng 50m là đến di tích. Ngày nay đến với di tích rất thuận lợi bằng nhiều phương tiện ôtô, ghe, thuyền…

Chùa được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử theo quyết định số 3875/QĐ-UBND ngày 02/6/2004

2. Ý nghĩa, giá trị lịch sử di tích:

Vào cuối thế kỷ XVII, năm 1695 (Ất Hợi), ở vùng đất Tân Uyên có một Bà điền chủ tên Phan Thị Khai (tục gọi là Bà Thao) là người mộ đạo có niềm tin với Phật giáo. Gia đình bà tự bỏ tiền ra xây chùa để tiện việc chiêm bái, cầu phúc cho gia đình vừa để cho dân làng địa phương có nơi lui tới dâng hương lễ Phật, cầu gia đạo bình an.

Chùa được lấy tên là Hưng Long tự, thuộc làng Dư Khánh, huyện Phước Lộc, phủ Gia Định (phường Thạnh Phước- Tân Uyên ngày nay). Lúc đầu vì là chùa gia đình nên không có chư tăng trụ trì. Đến năm 1806 (Bính Dần), có hai vị tăng sĩ trên bước đường hoằng dương chánh pháp, họ đã đến vùng đất Tân Uyên, một vị là ngài Quảng Cơ Minh Lý tự là Gia Trường, còn vị kia là sư đệ ngài Bảo Châu Minh Tịnh thuộc thiền phái Lâm tế đời thứ 38 dòng “Đạo Bổn Nguyện…”.

Hai vị đại sư này đều là đệ tử của ngài Tăng Cang Tiên Huệ, do ảnh hưởng Phật học của thầy nên hai vị rất uyên thâm kinh luật. Trông tướng mạo nghiêm trang, đĩnh đạc của hai vị nên dân chúng làng Dư Khánh thỉnh về làm trụ trì chùa Hưng Long.

Sau thời gian hoằng hóa Phật pháp ở chùa Hưng Long, đại sư Minh Lý viên tịch, thiền sư Minh Tịnh kế vị trụ trì và có công lớn trong việc hoằng dương phật pháp ở vùng đất Tân Uyên này. Vào năm 1885 (Ất Dậu), trụ trì chùa Hội Khánh là hòa thượng Ấn Long Thiện Quới có tổ chức khắc bản in kinh và mời hòa thượng Minh Tịnh làm chứng minh.Thiền sư Minh Tịnh- Bảo Châu viên tịch vào ngày 12 tháng 10 năm 1889 (Kỷ Sửu), môn đồ lập tháp thờ bên cạnh tháp ngài đại sư Quảng Cơ.

Tính đến nay, chùa Hưng Long trải qua 8 đời trụ trì, những vị đều là những bậc cao tăng, thông hiểu giáo pháp. Đặc biệt năm 1927, hòa thượng Trí Tấn kế thế sự nghiệp của các bậc tiền bối để trụ trì chùa và từ đó đưa ngôi chùa Hưng Long vào giai đoạn hưng thịnh. Hòa thượng Thích Trí Tấn giữ nhiều trọng trách trong giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hòa thượng là người có công lao lớn trong xây dựng và thành lập tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé, làm trưởng ban trị sự đầu tiên của Phật giáo tỉnh Sông Bé. Hòa thượng viên tịch vào ngày 13 tháng 12 năm 1995 (Giáp Tuất).Hiện nay trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Thiện Duyên.

3. Kiến trúc ngôi chùa:

Chùa có lối kiến trúc cổ khá đặc biệt, mặt hướng ra sông Đồng Nai, toàn bộ các mái đao trên nóc chùa được gắn hình tượng Rồng tráng men, đường nét tinh xảo được đúc tại các lò gốm ở Bình Dương.

Hệ thống liễn đối phong phú, giàu ý nghĩa. Trước bàn thờ tổ có câu:

Hưng tại tăng hoằng vạn cổ kim phong thừa tổ đức

Long minh đạo thể nhất sanh lập chí báo sư ân

Tạm dịch:

Hưng thịnh do chư tăng hoằng hóa muôn đời để lại nối truyền đức tổ.

Xương minh bởi đạo pháp sáng ngời một đời quyết chí đền đáp ơn thầy

Câu liễn trên chánh điện, mang ý tưởng nhân quả, nhập thế:

- Lịch kiếp vi minh quân, vi lương tướng, vi hiếu tử, vi đạo sư, vận dụng chơn như, kết vô lượng thiện duyên trang nghiêm phước hải.

- Hiện thế khí trân bảo, khí thê nô, khí quốc thành, khí vương vị, viên thành đại giác thuyết hằng sa diệu pháp bạt tế mê luân.

Tạm dịch:

- Nhiều kiếp làm sáng, làm tướng hiền, làm con hiếu, làm thầy trí tuệ, sử dụng chân như kết nhiều duyên lành làm trang nghiêm biển phước.

- Hiện đời bỏ châu ngọc, bỏ vợ con, bỏ thành trì, bỏ ngôi vua, giác ngộ trò đầy nói vô biên diệu pháp dứt trầm luân khổ ải

Chùa Hưng Long hiện còn tồn tại quần thể kiến trúc như sau: Hai bên chánh điện là hai tháp chuông, trống bát nhã, hậu tổ, giảng đường. Đông lang được thiết kế xây dựng lầu song song với ngôi chánh điện. Khuôn viên phía bên phải là khu tháp của các đời trụ trì với lối xây theo kiến trúc tháp cổ vẫn còn nguyên vẹn. Có vườn Lâm Tỳ Ni, Phật Thích Ca nằm, Thích Ca nhập Niết Bàn, Địa Tạng Bồ Tát…Ngoài ra còn có các cây cổ thụ thuộc loại danh mộc quý của bản địa như Sao, Dầu…luôn tỏa bóng xuống che mát ngôi chùa.

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ một pho tượng Phật đúc bằng đồng cao 1m với đường nét mỹ thuật tinh xảo, cân đối do gia đình Bà Khai phụng cúng vào năm 1802. Đây là một pho tượng cổ có giá trị xưa quý nhất tỉnh Bình Dương.

4.Niên đại: Chùa Hưng Long là ngôi chùa có niên đại cổ nhất so với các ngôi chùa cổ trên đất Bình Dương, được xây dựng vào năm 1695, tính đến nay đã hơn 300 năm trôi qua và dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng ngôi chùa vẫn tồn tại với thời gian.