Địa điểm

CHIẾN THẮNG THÁP CANH CẦU BÀ KIÊN (Di tích Lịch sử - Văn hóa)

2021-10-26 06:26:38
Tọa lạc tại khu phố Dư Khánh, phường Thạnh Phước, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trước năm 1945, nơi đây thuộc xã Phước Thành, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà.

1. Vị trí, không gian di tích:

Tháp canh cầu Bà Kiên nằm trên địa bàn ấp Dư Khánh, xã Thạnh Phước thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Trước năm 1945, nơi đây thuộc xã Phước Thành, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà. Di tích nằm bên cạnh sát đầu cầu Bà Kiên, bên bờ đoạn cuối nguồn của Suối Cái đổ ra sông Đồng Nai, trên lộ giới của đường ĐT 747. Di tích được xây dựng vào năm 1947 nhằm thực hiện ý đồ chiến thuật Đờ La Tour ở chiến trường Nam bộ, hiện nay di tích chỉ còn lại một góc nền bằng đá xanh rất kiên cố.

Lấy điểm mốc từ trung tâm huyện lỵ Tân Uyên dọc theo đường ĐT 747 đi khoảng 1km đến Cầu Bà Kiên, di tích nằm sát chân cầu bên ngoài tường rào khuôn viên Bia tưởng niệm Chiến thắng 19/3 có diện tích là 1.800m2.

Tên gọi Chiến thắng 19/3.Vì trận đánh Tháp canh Cầu Bà Kiên xảy ra vào đêm 18 rạng ngày 19/3 do đồng chí Trần Công An chỉ huy tổ du kích diệt gọn 10 tên địch gát tua, thu 08 khẩu súng và 20 quả lựu đạn. Sau này nhân dân quen gọi là Chiến thắng 19/3. Di tích được Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng theo quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 10/3/2008.

2.Sự kiện và Ý nghĩa lịch sử:

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Thực dân Pháp từng bước mở rộng chiến tranh xâm lược, phá hoại Hiệp định sơ bộ ngày 06 tháng 3 năm 1946.

Ngày 20 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.Đáp ứng lời kêu gọi của Bác cả dân tộc ta nhất tề đứng dậy với ý chí sắt đá kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc.

Thu đông năm 1947, quân Pháp mở cuộc hành quân lớn lên Việt Bắc với các binh đoàn chủ lực tinh nhuệ hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, và bọn chúng đã bị quân và dân Việt Bắc đánh cho đại bại.

Trên chiến trường Nam bộ, thực dân Pháp thực hiện kế hoạch “Đờ La Tua” tăng cường quân đội, xây dựng hệ thống đồn bót xung quanh các thị xã, thị tứ, trên các trục đường giao thông chính, với ý đồ bao vây, chia cắt, ngăn chặn lực lượng vũ trang của ta nhằm tiến tới hoàn chỉnh kế hoạch “bình định” của chúng.

Đến năm 1948, quân Pháp đã xây dựng xong hàng ngàn cứ điểm, đồn bốt, tháp canh trên chiến trường cả nước. Riêng tỉnh Biên Hòa, tính đến cuối năm 1948, chúng xây xong 78 đồn bót và nhiều tháp canh trên toàn tỉnh, đã gây cho ta rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển đi lại của các đơn vị vũ trang.

Chấp hành chỉ thị của bộ tư lệnh Quân khu 7 về việc nghiên cứu cách đánh tháp canh địch, một “sáng kiến” của Đờ La Tua. Tháp canh là một công sự vững chắc, cao từ 7 -12 mét, xây bằng gạch, đá; súng bộ binh thông thường không bắn thủng, tầm quan sát rộng và xa cả ban ngày lẫn đêm tối.

Tại huyện Tân Uyên (tỉnh Thủ Biên) đồng chí Trần Công An – trợ lý tác chiến được giao nhiệm vụ tổ chức đánh tháp canh Cầu Bà Kiên, nằm trên tỉnh lộ 16, gần ấp Mỹ Chánh, xã Phước Bình. Theo lời kể của đồng chí Trần Công An, (Đại tá anh hùng LLVTND) người trực tiếp chỉ huy trận đánh, thì tua Cầu Bà Kiên đựơc xây dựng bằng gạch thẻ (gạch đinh không lỗ), tường dày 40cm gồm 3 tầng: tầng dưới để vũ khí đạn dược có diện tích đáy là 4m x 4m=16m2,, cao 3m, tầng giữa bằng gỗ gác trên đà sắt, tầng trên cao 1m có mái tole che, Bốn bên không tường bao để dễ dàng quan sát bốn hướng. Cả 2 tầng dưới đều có bố trí súng lớn để phòng thủ qua các lỗ châu mai, tầng trên có bố trí lính canh gác có ông nhòm để quan sát. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn sót lại một cái tua xây cùng thời với tua Cầu Bà Kiên, nhưng có diện tích lớn hơn mỗi cạnh là 1m và cao hơn tua Cầu Bà Kiên khoảng 2m, đó là tua Cầu Phước Tân, xã Long Bình Tân, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.

Sau khi nghiên cứu kỹ cấu trúc tháp canh và quy luật hoạt động của lính gác, đội du kích huyện Tân Uyên do Trần Công An (Hai Cà) chỉ huy tìm một cách đánh: sử dụng lực lượng nhỏ, bí mật đột nhập vào chân tường tháp canh, dùng thang leo lên thả lựu đạn vào trong tháp. Như thế, yếu tố có ý nghĩa quyết định là quá trình tiếp cận và leo lên tường phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn tại căn cứ, đội du kích Tân Uyên bí mật tổ chức luyện tập cách đánh tháp canh. Các chiến sĩ chỉ mặc quần cụt, bôi bùn kín người cho hoà với màu đất. Thời gian tiếp cận là lúc lính canh đổi gác hoặc bật lửa hút thuốc. Đầu thang leo có bọc vải để tránh gây tiếng động khi tiếp xúc với tường gạch.1(2)

Đêm 18 rạng ngày 19/03/1948, đội du kích bí mật tiếp cận trận địa tháp canh, địch vẫn không hay biết. Lợi dụng lúc địch thay gác, ba chiến sĩ nhanh chóng dùng thang leo lên ngay lỗ bắn, ném 8 quả lựu đạn vào trong diệt 10 tên địch thu 8 khẩu súng và 20 quả lựu đạn, bí mật rời khỏi trận địa về căn cứ an toàn. (LS Chiến khu Đ, tr.67; LS vũ trang tỉnh Đồng Nai, tr. 92 ghi diệt 11 tên địch)

Chiến thắng Cầu Bà Kiên gây tiếng vang lớn.Lần đầu tiên du kích đánh được tháp canh với lực lượng ít, diệt gọn quân địch trong công sự vững chắc, mở ra tiền đề cho việc tổ chức lực lượng chuyên trách tiêu diệt quân địch đóng trong tháp canh ở chiến trường Nam Bộ.

Chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên là một minh chứng cho lối đánh thông minh, mưu trí, dũng cảm và sáng tạo được xây dựng trên cơ sở lòng yêu nước, tinh thần bất

khuất của nhân dân cả nước nói chung và Tân Uyên nói riêng trong công cuộc giải phóng dân tộc trên cơ sở chủ yếu là “Lấy ít thắng nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”.

Từ chiến thắng Tháp canh Cầu Bà Kiên đã hình thành tại chiến trường Nam bộ một cách đánh mới, làm tiền đề cho cách đánh đặc công sau này. Lúc bấy giờ, chiến khu Đ là nơi thí điểm thành công, mở đầu cho phong trào đánh sập Tháp canh khắp chiến trường cả nước, trở thành cái nôi của sự hình thành một binh chủng mới của quân đội ta đó là binh chủng đặc công anh hùng.

Di tích Tháp canh cầu Bà Kiên thuộc loại hình lịch sử lưu niệm sự kiện. Năm 2002, để tưởng nhớ đến chiến công 19/3, đồng thời để khoanh vùng bảo vệ nền di tích Tháp canh Cầu Bà Kiên, huyện Tân Uyên đã xây dựng Bia tưởng niệm 19/3 trong khuôn viên có diện tích tổng thể 1.800m2 nằm cạnh di tích. Bia tưởng niệm cao 3m, rộng 2m đúc bằng Ciment cốt thép, khắc phù điêu 3 chiến sĩ du kích công đồn, góc trái gắn bia bằng đá cranit đỏ, khắc dòng chữ mạ vàng câu khen tặng của Bác Hồ dành cho chiến sĩ đặc công: “Đặc biệt tinh nhuệ;Anh dũng tuyệt vời;Mưu trí táo bạo;Đánh hiểm thắng lớn”

CHIẾN THẮNG THÁP CANH CẦU BÀ KIÊN (1).JPG 512.63 KB