Địa điểm

ĐÌNH VĨNH PHƯỚC (Di tích Lịch sử - Văn hóa)

2021-10-26 06:30:27
Tọa lạc tại khu phố Vĩnh Phước, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đình Vĩnh Phước nằm ở vị trí thuận lợi, gần đường dầu lớn, tham quan, cúng viếng dễ dàng. Cổng chính vào đình được xây dựng theo kiểu cổng tam quan, các trụ xây bằng gạch, xi măng, cửa chính rộng khoảng 4m. Trên mái lợp ngói và trang trí hình lưỡng long chầu nhật. Trước mặt chính của đình là bức bình phong xây bằng gạch, đá vôi có chiều dài 2m, cao 1,5m. Trên bức bình có cột cờ Tổ quốc và cờ lễ, khắc tên những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc của địa phương.

1. Tên gọi

Đình Vĩnh Phước

2. Địa điểm – đường đến di tích

Đình thần Vĩnh Phước tọa lạc trên đường 30/4, thuộc khu phố Vĩnh Phước, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cách trung tâm tỉnh Bình Dương khoảng 13km về hướng Bắc. Đến di tích có thể theo đường ĐT 743 từ thành phố Thủ Dầu Một hướng về Đồng Nai đến trường Trung học cơ sở Thái Hòa quẹo trái theo đường ĐH 401 khoảng 1km nữa là đến Đình thần Vĩnh Phước. Giao thông đường bộ đến di tích được trải nhựa và khá thông thoáng nên rất thuận lợi cho các phương tiện đi lại.

3. Loại hình di tích

Đình thần Vĩnh Phước thuộc loại hình di tích Lịch sử - Văn hóa.

4. Sự kiện, nhân vật lịch sử, đặc điểm của di tích

Theo ông Nguyễn Đăng Nhiều (sáu Nhiều) – người trông coi đình thần lâu năm cho biết: đình thần Vĩnh Phước được xây dựng vào năm 1853 bởi lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp, có kết cấu theo kiểu chữ khẩu (口), không có cửa hậu, xây tường gạch, lợp ngói móc. Tuy nhiên, theo bản Sắc phong vua Tự Đức thứ V ban cho đình thần Vĩnh Phước hiện còn lưu giữ ở đình, 1853 là năm đình thần Vĩnh Phước được ban Sắc phong. Căn cứ vào cứ liệu này, thì năm 1853 là năm đình được ban Sắc phong chứ không phải là năm đình thần xây dựng như chú sáu Nhiều cho biết. Chúng tôi cho rằng, đình thần Vĩnh Phước đã được xây dựng trước năm 1853, nhưng cụ thể năm nào thì không rõ; có thể khi mới được

tạo lập, đình chỉ là một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ đủ để dùng làm nơi thờ tự thần Thành Hoàng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn làng. Đến năm 1853, đình được triều đình nhà Nguyễn ban Sắc phong. Việc được ban Sắc phong là một niềm vinh dự, niềm tự hào, là một sự kiện trọng đại đối với người dân làng Vĩnh Phước năm xưa, nên có lẽ các bô lão cùng bà con trong làng Vĩnh Phước đã nhân sự kiện trọng đại này mà tổ chức khuyên góp công, của xây dựng lại ngôi đình có quy mô với đầy đủ thiết chế thờ tự như ngày hôm nay, đồng thời cho rằng, năm 1853 là năm xây dựng đình thần Vĩnh Phước như chú sáu Nhiều đã cho biết.

Với bề dày lịch sử gần 200 năm tồn tại, đình thần Vĩnh Phước đã chứng kiến bao lần đổi thay địa giới hành chính của vùng đất này. Từ thôn Vĩnh Phước, xã Tân Ba, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa đến ấp Vĩnh Phước, xã Tân Ba, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé rồi đến tỉnh Bình Dương. Nay là khu phố Vĩnh Phước, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tuy đã chứng kiến nhiều lần thay đổi địa giới hành chính từ thôn ấp đến xã, huyện và tỉnh, nhưng tên đình thần Vĩnh Phước vẫn được giữ nguyên từ khi khai sơn cho đến nay.

Trong quá trình tồn tại, đình thần Vĩnh Phước trải qua nhiều thế hệ bảo quản, gìn giữ và tu bổ, nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa của ngôi đình làng người Việt, thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng Vĩnh Phước qua các thế hệ, là địa chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử - văn hóa làng xã Việt Nam. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình thần Vĩnh Phước không những là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, văn hóa cộng động mà còn là nơi hoạt động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ trong làng như đồng chí Nguyễn Văn Đó, nguyên là Ca trưởng xã (Chủ Tịch xã), đồng chí Nguyễn Văn Đốc và nhiều đồng chí khác.

Kết cấu theo kiểu chữ khẩu, với bộ khung làm bằng gỗ quý, xây tường gạch bao quanh, lợp ngói móc, trang trí nhiều Hoành phi, Liễn đối bằng chữ Hán được thể hiện nhiều kiểu cách khác nhau; có cả chữ chân, chữ thảo, nữa chân, nữa thảo

được sơn son thiếp vàng, cẩn ốc, sơn mài.v.v… Với nội dung phong phú, đa dạng ca ngợi công ơn thần thánh, công đức tổ tiên, quy luật tuần hoàn của tạo hóa, tạo nên ở đình thần không gian vừa trang nghiêm, cổ kính, vừa tĩnh lặng nên thơ pha lẫn nét sống hiện đại.

Sắc phong Đình Thần Vĩnh Phước:

敕 本 境 城 皇 之 神 原 贈 保 安 正 直 侑 善 之 神 護 國 庇 民 稔 著 靈 應 肆 令 丕 膺 耿 曼 纆 念 神 庥 可 加 贈 保 安 正 直 侑 善 敦 凝 之 神 乃 準 福 政 縣 永 辐 村 依 寠 本 事 神 其 相 侑 保 我 黎 民

欽 哉

嗣 德 五 年 拾 壹 月 貳 拾 玖 日

Phiên âm:

Sắc Bổn cảnh thành hoàng chi thần nguyên tặng bảo an chánh trực hưụ thiện chi thần, hộ quốc tỉ dân, nhẫm trước linh ứng tứ lưng phi ưng cảnh mạn mặc niệm thần hu khả gia tặng. Bảo an chánh trực, hụ thiện đôn ngưng chi thần. Nhưng chuẩn phước chánh huyện vĩnh phước thôn. Y cụ bổn sự thần kì tương hụ bảo ngã lê dân.

Khâm tai

Tự đức ngũ niên, Thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật

Tạm dịch: Sắc bổn cảnh thành hoàng trước đây tặng là Thần (Bảo an chánh trực) Hựu thiện, Thần luôn phò bảo vệ đất nước, che chở nhân dân, biểu hiện trước đây có nhiều linh ứng.

Hôm nay, trẫm nhận lệnh mạng trời mãi mãi luôn luôn ghi nhớ ơn, công đức của vị quan có nhiều công với nước. Khá gia tặng vị thần bảo an chính trực, Hậu Thiện đôn ngưng (là vị quan thời xưa).

Hôm nay, trẫm chuẩn y cho làng Vĩnh Phước, huyện Phước Chánh theo lệ cũ thờ cúng thần, hầu thần, tiếp tục giúp đỡ, bảo vệ con dân của triều đình.

Hãy thành khẩn thi hành sắc này.

Ngày hai mươi chín, tháng mười một, năm Tự Đức thứ năm.

5. Khảo tả di tích:

Đình Vĩnh Phước hiện tọa lạc tại khu phố Vĩnh Phước, phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Các cột, kèo của Đình chủ yếu là các loại gỗ quý như sao, xà cừ,… mặc dù đã trải qua năm tháng một số đã xuống cấp, nhưng đa số là con nguyên vẹn.

Tổng diện tích của di tích là 3.944,9 m2.

Diện tích bảo vệ khu vực I là: 353,9 m2

Diện tích bảo vệ khu vực II là: 3.591 m2

Vị trí tiếp giáp của di tích như sau:

Phía Bắc giáp đường ĐH 401

Phía Nam giáp nhà bà Nguyễn Thị Lùng (Ban quý tế Đình)

Phía Đông và phía Tây giáp đường đất.

Đình Vĩnh Phước nằm ở vị trí thuận lợi, gần đường dầu lớn, tham quan, cúng viếng dễ dàng. Đình được bao quanh là hệ thống đường đi nội bộ bằng bê tông, và bao bọc bởi hàng rào bảo vệ kiên cố với cột xi măng cốt thép và rào kẽm gai bao quanh.

Cổng chính vào đình được xây dựng theo kiểu cổng tam quan các trụ xây bằng gạch, xi măng, cửa chính rộng khoảng 4m. Trên mái lợp ngói, trên mái trang trí hình lưỡng long chầu nhật.

Trước mặt chính của đình là bức Bình phong xây bằng gạch, đá, vôi có chiều dài 4m, cao 2.5m. Trên bức bình có cột cờ tổ quốc và cờ lễ, tấm bia khắc tên những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong công cuộc bảo vệ tổ quốc của địa phương. Phía trước Bức bình phong này là Đền thờ Ông Hổ - thần cai quản núi rừng được coi như những lực lượng hộ vệ cho thần Thành Hoàng.

Hai bên sân Đình là Miếu thành hoàng và Miếu bà.

Khu vực I của đình có diện tích 353,9 m2. Đây là khu vực của ngôi đình chính và nhà túc (tiếp khách).

Về tổng quan kiến trúc ngôi đình được làm bằng toàn gỗ quý, chủ yếu là sao, xà cừ,… có lối kiến trúc theo chữ KHẨU (口), không có cửa hậu, xây tường gạch, mái đình được lợp toàn bộ bằng ngói móc, qua nhiều năm mưa nắng mái ngói phu rêu phong trông rất cổ kính. Trên đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, ở các góc mái trang trí hình cá hóa rồng. Nền lát gạch đỏ (gạch tàu). Toàn bộ ngôi đình có diện tích hơn 3.50m2. (số liệu theo bảng đồ địa chính của di tích).

Toàn bộ ngôi đình có 24 cây cột gỗ tròn được xếp thành 6 hàng, chu vi mỗi cột là 110cm.

Từ cửa chính bước vào ngôi Đình là gian chính điện. gần cửa chính là 3 bàn thờ Tả Diện Tiên, Chánh Diện Tiên và Hữu Diện Tiên.

Phía sau là nơi có bàn thờ Tả Ban, Chánh Trực và Bàn thờ Hữu Ban. Tất cả các bàn thờ được chạm khắc, trang trí hình đầu rồng rất tinh xảo. Trên bàn thờ Chánh trực tượng thờ Bác Hồ - như là người đứng đầu đất nước.

Tiếp theo là gian Trung điện – Nơi đặt bàn thờ Tiền hiền và Hậu hiền được đặt hai bên – là những bậc tiền bối có công xây dựng và trùng tu ngôi đình trong những ngày đầu thành lập. Họ là lớp cư dân đầu tiên đến vùng đất này sinh cơ lập nghiệp, khởi đầu cho quá trình hình thành và phát triển của cư dân ngày nay.

Gian cuối cùng trong đình là gian Chánh điện. Phía trước gian này là ba bàn thờ Tây Hiến, Phúc Lộc Thọ và Đông Hiến. Ngay bàn thờ Phúc Lộc Thọ có một chiếc bàn lớn, đây là nơi để người dân đặt lễ vật cúng Đình trong các dịp lễ.

Trung tâm ngôi đình là bàn thờ Thần. Trên bàn thờ có một chiếc hộp gỗ nhỏ để sắc phong. Chiếc hộp này chỉ được mở ra trong các ngày lễ lớn như lễ Kỳ yên để lấy sắc phong làm lễ cúng. Hai bên ban thờ Thần là bàn thờ Tả Ban và Hữu Ban – lực lượng hầu cận, phò tá Thần.

Văn hóa Hán – Nôm ở Đình Vĩnh Phước:

ĐìnhVĩnh Phước còn lưu giữ một công trình chữ Hán Nôm còn lưu lại cho đến ngày nay như liễn đối tại đình, Sắc phong.

Ở đình Vĩnh Phước số liễn đối khá nhiều, có giá trị về mặt lịch sử - văn hóa như sau:

保 守 基 圖 英 雄 楊 氣 魂

護 持 國 運 致 士 顯 威 雲

Bảo thủ cơ đồ anh hùng dương khí hồn

Hộ trì quốc vận trí sĩ hiển uy linh

Tạm dịch:

Gìn giữ cơ đồ mới nên khí phách anh hùng

Hộ trì nước non chí sĩ mới nên uy linh

山 鼎 威 儀 防 邪 魅

林 松 萬 里 護 良 人

Sơn đỉnh uy nghi phòng tà mị

Lâm tùng vạn lí hộ lương nhân

Tạm dịch:

Núi non hùng vĩ, phòng tà khí yêu ma

Tùng lâm muôn dặm, chở che lương nhân

俎 豆 千 秋 因 教 稼

馨 香 萬 古 為 明 農

Trở đậu thiên thu nhân giáo giá

Hinh hương vạn cổ vi minh nông

Tạm dịch:

Ngàn thu mâm cổ, nhân mùa lúa chín

Muôn thuở hương thơm, nhà nông tươi sáng

嗣 德 五 年

Tự Đức ngũ niên

Tạm dịch: Vua Tự Đức thứ năm

地 輪 月 轉 度 合 氣 節 分

天 運 年 封 濟 風 調 雨 順

Địa luân nguyệt chuyển độ hợp khí tiết phân

Thiên vận niên phong tế phong điều vũ thuận

Tạm dịch:

Đất chuyển, thời gian vần xoay, khí tiết phân chia

Trời xoay, tháng năm tuần hoàn, gió hòa, mưa thuận

感 迎 聖 扶 傾 平 安 社 稷

意 念 神 恩 救 弱 定 豐 疆

Cảm nghinh thánh phù khuynh bình an xã tác

Ý niệm thần ân cầu nhược định phong cuơng

Tạm dịch:

Hết lòng nghinh đón ơn thánh phù giúp, xã tắc được bình an

Nhớ ơn thần thánh chở che, nhân dân được yên định, thịnh cường

永 久 長 存 鄉 村 尊 聖 德

福 來 祿 到 萬 家 敬 神 靈

Vĩnh cửu trường tồn hương thôn tôn thánh đức

Phúc lai lộc đáo vạn gia kính thần linh

Tạm dịch:

Tôn sùng thánh đức, xóm làng trường tồn vĩnh cửu

Kính tôn thần thánh phúc tới, lộc đến muôn nhà

民 保 國 護

(乙 丑 年 仲 冬 吉 日

永 福 本 村 鄉 職 仝 造)

Hộ quốc bảo an

(Ất Sửu niên trọng đông cát nhật

Vĩnh Phước bản thôn hương chức đồng tạo)

Tạm dịch:

Phù hộ đất nước, chở che nhân dân

(Ngày tốt mùa đông năm Ất Sửu

Hương chức, thôn bản Vĩnh Phước cùng tạo dựng)

直 正 安 保

Bảo an chính trực

Tạm dịch: Giữ an chánh trực

恩 神 賴 仰

Ngưỡng lại ân thần

Tạm dịch: Ngưỡng vọng và cậy nhờ ơn thần thánh

聖 德 端 莊 百 姓 合 同 共 仰

神 恩 燦 爛 萬 家 和 望 封 歌

Thánh đức đoan trang, bách tính hợp đồng cộng ngưỡng

Thần ân xán lạn, vạn gia hòa vọng phong ca

Tạm dịch:

Đức của thánh đoan trang, trăm họ cùng ngưỡng vọng

Ơn của thần rực rỡ, muôn nhà hợp ý hoan ca

聖 以 威 名 萬 古 威 名 普 照

(丙 寅 年 春 月 造)

神 而 靈 應 千 秋 靈 應 無 私

(旭 詞 市 首 鄉 家 梨 奉 供)

Thánh dĩ uy danh vạn cổ uy danh phổ chiếu

(Bính Dần niên xuân nguyệt tạo)

Thần nhi linh ứng thiên thu linh ứng vô tư

(Húc Từ Thị Đạo hương gia lê phụng cúng)

Tạm dịch:

Đức của thánh chiếu khắp đã uy danh, muôn thuở mãi uy danh

(Tạo tác tháng giêng mùa Xuân năm Bính Dần)

Ơn của thần vô ngần đã linh ứng, ngàn năm mãi linh ứng

(Hương gia lê húc Từ Thị Đạo phụng cúng)

靈 英 古 萬

(甲 子 年 十 一 月 十 五 日

旭 門 新 泰 或 村 建 造 楊 文 黎 夫 妻 奉 供)

Vạn cổ anh linh

(Giáp Tí niên thập nhất nguyệt thập ngũ nhật

Húc môn tân thái hoặc thôn kiến tạo Dương Văn Lê phu thê phụng cúng)

Tạm dịch:

Muôn thuở anh linh

(Ngày 15 tháng 11 năm Giáp Tí

Lập thôn từ ánh sáng ban mai, Phu thê Dương Văn Lê phụng cúng )

自 古 咸 歌 沐 德 四 民 利 樂

(庚 午 年 貳 月 初 七 日)

由 今 共 佈 霑 恩 萬 物 康 寧

(會 良 友 同 奉 供 ,師 長 范 氏 賢 主 長 杜 氏 通)

Tự cổ hàm ca mộc đức tứ dân lợi lạc

(Canh Ngọ niên nhị nguyệt sơ thất nhật)

Do kim cộng bố triêm ân vạn vật khang ninh

(Hội lương hữu đồng phụng cúng, Sư trưởng Phạm Thị Hiền, Chủ trưởng Xã Thị Thông)

Tạm dịch:

Tự cổ ngợi ca, đức sáng ngời tứ dân được lợi lạc

(Ngày 7 tháng Giêng năm Canh Ngọ)

Do nay cùng có công khai hóa, muôn vật được khang trang

(Bạn cùng hội Lương phụng cúng: Sư trưởng Phạm Thị Hiền, trụ trì Phạm Thị Thông)

聖 德 大 高 求 必 靈 禱 必 應

(丙 子 年 孟 春 造)

神 功 宏 遠 視 無 形 聽 無 聲

(鄉 主 徐 文 跬 卬 氏 ? 奉 供)

Thánh đức đại cao, cầu tất linh, đảo tất ứng

(Bính Tí niên mạnh xuân tạo)

Thần công hoằng viễn, thị vô hình, thính vô thanh

(Hương chủ Từ Văn Khuể Ngang Thị ? phụng cúng )

Tạm dịch:

Đức của thánh lớn, cao, cầu tất linh, nguyện tất ứng

(Tạo lập tháng Giêng năm Bính Tí)

Công của thần rộng, xa, xem không thấy hình, nghe không có tiếng

(Hương chủ Từ Văn Khuể, Ngang Thị ? phụng cúng)

隨 地 存 誠 寧 不 澤

同 時 獲 福 自 無 疆

Tùy địa tồn thành ninh bất trạch

Đồng thời hoạch phúc tự vô cương

Tạm dịch:

Hướng đất tọa thành, không chỗ đầm lầy

Tựa phước nay được hưởng, há đắm đơn sai

仰 聖 德 之 昭 彰 薰 陶 骨 髓

沐 神 恩 之 浩 蕩 漸 染 皮 膚

(阮 文 依 奉 供)

Ngưỡng thánh đức chi chiêu chương huân đào cốt tủy

Mộc thần ân chi hạo đãng tiệm nhiễm bì phu

(Nguyễn Văn Y phụng cúng)

Tạm dịch:

Vọng hưởng sự nồng ấm, sáng sủa từ trong cốt tủy của thánh đức

Được ân sủng vô ngần, thấm dần từ ngoài da vào của thần linh

(Nguyễn Văn Y phụng cúng )

煙 生 香 裡 祥 雲 合

花 發 庭 前 瑞 氣 明

Yên sinh hương lí tường vân hợp

Hoa phát đình tiền thụy khí minh

Tạm dịch:

Hương khói hợp thành mây lành tỏa sáng

Hoa sân đình tạo thành khí sáng như ngọc

香 呈 寶 鼎 時 招 福

灯 燭 珠 花 日 進 財

Hương trình bảo đỉnh thời chiêu phúc

Đăng chúc châu hoa nhật tiến tài

Tạm dịch:

Đốt nhang, cầu nguyện thời được phước

Đèn đuốc, hoa quả mỗi ngày mong phát tài

隨 地 存 誠 寧 不 澤

同 時 護 福 自 無 疆

Tùy địa tồn thành ninh bất trạch

Đồng thời hoặc phúc tự vô cương

Tạm dịch:

Hướng đất tọa thành, không chỗ đầm lầy

Tựa phước nay được hưởng, há đắm đơn sai

香 馥 錦 堂 疑 瑞 氣

燭 明 金 屋 吐 祥 光

Hương phức Cẩm Đường nghi thụy khí

Chúc minh Kim Ốc thổ tường quang

Tạm dịch:

Khí lành như hương thơm khắp Cẩm Đường

Ánh sáng lành tựa như đuốc roi cả Kim Ốc

座 楼 金

Kim Lâu tọa

Tạm dịch: Tòa Kim Lâu

駕 雨 騰 雲 灵 莫 測

出 明 八 焙 妙 無 窮

Giá vũ đằng vân linh mạc trắc

Xuất minh bát bồi diệu vô cùng

Tạm dịch:

Gió mưa ùng ùng, linh thiêng khôn lường

Sáng ra bát bồi, diệu linh vô cùng

亭 福 永

Vĩnh Phước đình

Tạm dịch: Đình Vĩnh Phước

聖 德 巍 峨 標 北 海

神 威 顯 赫 貫 南 天

Thánh đức nguy nga tiêu bắc hải

Thần uy hiển hách quán nam thiên

Tạm dịch:

Thánh đức nguy nga khắp cả biển Bắc

Thần uy nghi, hiển hách suốt cả trời Nam

廟 古 靈

Linh cổ miếu

Tạm dịch: Miếu linh thiêng muôn thuở

廟 貌 鼎 祈 光 日 月

礼 文 煥 ? 1 燿 乾 坤

Miếu mạo đỉnh kì quang nhật nguyệt

Lễ văn hoán ? diệu càn khôn

Tạm dịch:

Miếu mạo sáng như vừng nhật nguyệt

Lễ văn luôn làm sáng cả đất trời

照 普 恩 神

Ân thần phổ chiếu

Tạm dịch: Ân đức thần thánh chiếu rọi khắp nơi

高 堂 顯 赫 田 園 農 稔 萬 載 共 神 恩

(永 福 村 鄉 職 仝 造)

巍 閣 英 靈 老 幼 安 康 四 民 資 聖 德

(歲 次 乙 丑 八 月 拾 八 日)

Cao đường hiển hách điền viên nông nẫm vạn tải cộng thần ân

(Vĩnh Phước thôn hương chức đồng tạo)

Nguy các anh linh lão ấu an khang tứ dân tư thánh đức

(Tuế thứ Ất Sửu bát nguyệt thập bát nhật)

Tạm dịch:

Cao đường hiển hách, ruộng vườn tươi tốt, muôn thuở cậy ơn thần thánh

(Hương Chức thôn Vĩnh Phước đồng tạo lập)

Đài các nguy nga, anh linh, tứ dân nhờ ơn thánh đức, già trẻ được an khang

(Ngày 18 tháng 8 năm Ất Sửu)

保 龍 福 永

Vĩnh Phước Long Bảo

Tạm dịch: Bảo Long Vĩnh Phước

聖 德 及 群 黎 萬 古

神 恩 施 眾 庶 千 秋

Thánh đức cập quần lê vạn cổ

Thần ân thi chúng thứ thiên thu

Tạm dịch:

Đức thánh đến với nhân dân muôn thuở

Ơn thần ban dân chúng ngàn thu

明 燈 彩 映 祥 煙 靄

寶 鼎 香 浮 瑞 氣 融

Minh đăng thái ánh tường yên ái

Bảo đỉnh hương phù thụy khí dung

Tạm dịch:

Tia sáng lành của ánh đèn rọi ngùn ngụt

Khí hương phù thụy của ngọc đỉnh sáng lòa

照 日 宫 墻 之 美 秀

百 年 神 聖 之 封 疆

Chiếu nhật cung tường chi mĩ tú

Bách niên thần thánh chi phong cương

Tạm dịch:

Mặt trời chiếu rọi đẹp cung tường

Trăm năm phong cương thần thánh

龍 涎 永 結 平 安 字

豹 髓 福 懸 富 貴 花

Long diên vĩnh kết bình an tự

Báo tủy phúc huyền phú quý hoa

Tạm dịch:

Long mạch nối kết sự bình an tồn tại mãi

Thắt bó sự hoang phí là phúc cho giàu sang

赫 赫 流 光 揚 海 國

堂 堂 遺 銀 表 清 惶

Hách hách lưu quang dương hải quốc

Đường đường di ngân biểu thanh hoàng

Tạm dịch:

Rực rỡ hào quang, ngời biển cả

Đường đường di tượng, rạng trời xanh

百 未 盬 君 首

萬 物 米 為 先

Bách vị cổ quân thủ

Vạn vật mễ vi tiên

Tạm dịch:

Trăm vị tổ nghề, nghề ruộng muối là đầu

Trong muôn vật, muối gạo là trước hết

6. Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng liên quan đến di tích:

Hiện nay, di tích Vĩnh Phước vẫn duy trì hình thức lễ hội truyền thống từ xưa đến nay, đó là lễ hội Kỳ Yên - một trong những lễ hội lớn nhất của đình, cụ thể hàng năm, đình Vĩnh Phước có hai lễ kỳ yên lớn là vào mùng 8 tháng 2 và 18 tháng 8 âm lịch.

Nghi thức sắp xếp vị trí và cách thức đọc văn tế cho đại lễ kỳ yên của đình thần Vĩnh Phước:

Phần 1:

Củ soát tế … … vật (kiểm soát lễ vật).

Ế mao … … huyết (bỏ lông, huyết không sạch)

Chấp sự giả các tư kỳ … … sự. (vào lãnh dùi trống đứng xá).

Phân ban (ai về nhà nấy)

Khởi thái bình … … thinh (đánh mõ 3 hồi)

Khởi chính … … cổ (lệnh, kiểng, chiên, trống chầu)

Nhạc sanh tựu … … vị

Nhạc sanh cử … … nhạc hoặc tấu cửu … … thành (ba hồi chín chập)

Bô lão tựu … … vị

Nghệ quán tẩy … … sở - quán … … tẩy

Phục vì – quì – niệm hương, thượng hương.

Nghênh thần cúc cung … … bái (Hưng, bái 4 lạy) xong

Sáo thổi (đi ra ngoài)

Bổn thôn tựu vị (Bô lão, cố vấn, tập thể Ban quý tế tựu vị)

(Mỗi người 4 lạy – xong)

PHẦN 2:

Chánh tế tựu … … vị

Đông hiến, tây hiến tựu … … vị

Quán … … tẩy – quì

1. Hành sơ hiến … … lễ

Nghệ hương án … … tiền (quì, châm tửu)

Nghệ thần vị … … tiền (tấn tước, hiến tước)

Hành phân hiển … … lễ

Tuyên cáo văn – chuyển chúc, tuyên đọc. Xong.

Phủ phục: Hưng, bái (2 lạy)

2. Hành á hiến … … lễ (như lần 1)

Quì, tiến tước, hiến tước

Phủ phục, hưng, bái (2 lạy) Hưng bình thân.

3. Hành chung hiến … … lễ

Nghệ nhân vị … … tiền.

Quì, tiến tước, hiến tước.

Phủ phục: hưng, bái (2 lạy) Hưng bình thân. (chánh, phó tế ra)

Điểm trà (Hội hương vào lạy hết 4 lạy)

Chánh, phó tế vào

Từ thần cúc cung … … bái (4 lạy)

Lễ tất (đốt văn tế) – (hạ đàn hồi trống 1 hiệp)

- Toàn thể hương chức, chức sắc trong Ban quý tế làn lượt quy bái

- Toàn dân trong thôn, xóm quy bái

- Bế mạc trong ngày (khoảng 14 giờ)

- Ngoài ra nếu có cúng hát bội sẽ kéo dài 3 ngày (hát tuồng tích cổ tùy chọn cho lễ năm cúng)

- Làm lễ tất tôn vương và bế mạc.

Bản văn bài xướng đọc lễ kỳ yên tế vị thần Vĩnh Phước thôn

Việt Nam tế thần … … Niên.

Bát hoạt.

Kiến sắc việt

Thập bát nhật

Giáp thân lương thìn

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bình Dương tỉnh, Tân Uyên huyện, Thái Hòa xã, Vĩnh Phước thôn.

Bổn thôn nhân dân… …

Chánh tế: … … … … … … … … …………………..

Bồi tế ………………………………………………..….

Hương đình ……………………………………..……..

Cập bình đinh từ suất

Tịnh dích mục đẳng cấp

Nam phụ lão ấu

Đại tiểu đẳng

Cẫn vĩ can lạp

Tư thành thánh chước

Chi ghi

Cam chiêu

Cáo vu

Thành hoàng bổn xứ tôn thần

Sắc tặng bảo an chánh trực

Hựu thiên đôn ghi chi thần

Chư vị tôn thần

Tả ban liệt vị chi thần

Hữu ban liệt vị chi thần

Thiên y a la

Lãng bà chúa ngọc

Phu nhân chi thần

Sơn lâm hổ trạch chi thần

Cốc thần tôn thần

Tư nông thổ trạch chi thần

Tĩnh tiền khê thủy chi thần

Tiền hiền khai khẩn chi vị

Hậu hiền khai khẩn chi vị

Tiên sư chi vị

Chiến sĩ vị quốc

Vong thân chi vị

Đồng thừa lai cát

Công giáng bình an

NGHI TẾ THẦN:

Vi – Tế thứ … … … … … Niên … … Ngoạt kiên … … … Ngoạt sóc. Việt. Thập lục nhật … … … … Nhật. Lương thời – Việt Nam quốc.

Chánh bái. Cố vấn.

……………………………… chánh tế - Trưởng ban

……………………………….. Bồi tế tả ban – Phó ban ………………… Hữu ban phó ban ………………… - Tiền hiền thủ quỹ …………………….. hậu hiền – thư ký. .……………………………… suất đồng niên. Phó xã: ………………. Giao liên ấp: ………………… Bổn thôn hương chức – Tân cựu – nam phụ lão ấu – Đại tiểu đẳng – Cẩn vĩ bàn sạng – Tư Thạnh sanh lễ - thanh chước thứ phẩm chi nghi.

Cảm chiêu – cáo vu

Bổn cảnh thành hoàng – gia tăng chánh trực – bảo an đôn ngưng – hữu vị chi thần – tả ban liệt vị tôn thần – Hữu ban liệt vị tôn thần – Tiền hiền khai khẩn – Hậu hiền khai khẩn – Ngũ phương – Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ - tiên nương – Ngũ phương trụ trạch chi thần – Thổ thần chi vị - Tiên nông chi thần. Đẳng đẳng linh thần – Đồng lai phối hưởng.

Viết – Cung vi – Tôn thần – Phú hữu tứ thổ - Bảo thử dân sanh – San hà tác tráng – Giảng sách lưu hinh. Đức vi cáo trạch – Sung tự thả linh – Tứ diên thiết tịch – yết cáo cung trần – nguyện kỳ chiếu giám – tứ vỉ khương ninh – ngưỡng lạy tôn thần – chi đại đức giả.

Phục vi – cảm cáo

NGHI LỄ HẬU BỐI

Vi – tế thứ … … … … … … Niên … … … … Ngoạt kiên … … … … Ngoạt sóc. Việt. Thập lục nhật … … … … … Nhật. Lương thời – Việt Nam quốc

Chánh tế … … … … … - Bổn thôn hương chức – Tân cựu nam phụ lão ấu – Đại tiểu đẳng – Cẩn vĩ bàn sạn – Tư thạnh sanh lễ - thanh chước thứ tu chi nghi.

Cảm chiêu – cáo vu

Tiền đội viên quan chi linh – hậu đội viên quan chi linh – Tiền hương chức chi vị - Hậu hương chức chi vị - Hạ cập nam phụ lão ấu – Đại tiểu đẳng – đẳng đẳng linh hồn – đồng lai phối hưởng.

Viết – cung vi – tôn linh tiền bối – hiển hích thiên thu – chiêu thì vạn tổ - sáng tạo quy mô – lưu truyền pháp độ - trực đạo nhi hành – công tâm cử thố - Bất ỷ bất thiên – Vô ý vô cố - Tư nhơn tiết trị - Đông thiên – ngộ tạ thần linh – Cung trần lễ số - tư tích công lao – Bất vong ái mộ - Bàn sạn cung trần – tửu hào cụ bố - Giáng vĩ trinh tường – Nguyện kỳ chiếu cố - vu nguyện – Nhơn hữu dư tài – Hành tri nhượng lộ - Thị bất quay tranh – gia vô bế hộ - ngưỡng lạy tôn linh – Chi hồng huệ dã.

Phục vi thượng hưởng

Ngoài hai ngày lễ kỳ yên lớn trong năm của đình, vào các ngày rằm hàng tháng, nhân dân quanh vùng thường dâng hương, hoa thể hiện tấm lòng thành kính của mình đối với vị thần theo quan niệm của họ là bảo vệ, che chở cho họ.

Hàng năm tại đình thường cúng bái vào các ngày như:

- Lễ thượng nguyên, trung nguyên, hạ nguyên cúng vào các ngày rằm các tháng giêng, tháng bảy, tháng mười âm lịch. Thường hoa quả, bánh trái.

- Tết đoan ngọ: 5/5 âm lịch, thường cúng hoa quả, trái cây.

7. Các hiện vật có trong di tích

1 trống cổ lớn.

1 trống cổ hát bội

1 mõ gỗ mít từ ngày đầu xây dựng đình

2 chiêng đồng xưa

1 chuông đồng đệm nhỏ.

4 bộ lư đồng vàng xưa (2 bộ nhất, 2 bộ nhì)

9 lư nhang bằng xi măng sơn giả đồng.

2 trống nhỏ (dùng để cúng đám tang cho dân làng và Hội viên qua đời).

2 tủ gỗ xưa bằng gõ đen cất vật tư (tủ nhỏ)

1 trống tung nhịp xanh

1 chẽn lệnh khởi cúng

1 lư nhang men xưa bàn lễ.

8. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

Đình đã hình thành gần 200 năm (1853 – 2014) trên vùng đất Bình Dương mang đậm phong cách kiến trúc mỹ thuật của một ngôi đình Nam Bộ xưa, còn bảo tồn được phần lớn nếp sinh hoạt văn hóa và các nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam.

Đình Vĩnh Phước mang đậm tính chất của đình làng Việt Nam, có phong cách kiến trúc độc đáo. Đình là một di tích lịch sử - văn hoá mang đậm nét kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh. Đặc biệt, đình còn lưu giữ Sắc phong của vua Tự Đức. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Vĩnh Phước là nơi hoạt động cách mạng của địa phương.

Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa một cách nhanh chóng tại Miền Đông Nam Bộ, nhất là ở Bình Dương, đình Vĩnh Phước càng trở nên một điểm hiếm có về mặt kiến trúc cảnh quan, còn giữ được cái đẹp dân dã, cổ kính khá tiêu biểu cho đình làng miền quê Nam Bộ. Từ nhiều đời nay, đình Vĩnh Phước trở thành một điểm thờ cúng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân địa phương quanh đình. Đình Vĩnh Phước là một trong những ngôi đình hiếm hoi còn giữ lại được nét cổ kính xưa nguyên vẹn của nó cho tới ngày nay. Có thể nói ít có nơi nào ở miền Đông Nam Bộ hiện nay, cái đẹp hiền hòa, bình dị của một làng quê Việt Nam đi.