Địa điểm

NHÀ CỔ ĐỖ CAO THỨA (Di tích Lịch sử - Văn hóa)

2021-10-26 06:24:34
Tọa lạc tại cù lao Bạch Đằng, xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên. Đến đây, du khách không khỏi ngạc nhiên trước một vùng quê với nhiều vườn cây ăn quả, đi sâu vào giữa cù lao là những ngôi nhà có kiến trúc khá đẹp, mang dáng vẻ cô kính nằm lẩn khuất dưới những bóng cây xanh, tạo cảm giác như ta đang lạc bước đến những khu nhà vườn ở cố đô Huế, vùng đất kinh thành cổ kính.

1. Vị trí, không gian di tích:

Ngôi nhà nằm trên cù lao Bạch Đằng, thuộc làng Bình Hưng, xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên. Từ thị trấn Uyên Hưng đi khoảng 1km, gặp bền đò qua cù lao Bạch Đằng, mặt nước sông êm ả chảy xuôi dòng, làn gió mát nhẹ đưa du khách đến cảm giác bình yên, xa cách không gian ồn ào náo nhiệt nơi phố thị…

Đến vùng đất cù lao Bạch Đằng, du khách không khỏi ngạc nhiên trước một vùng quê đầy rậm bóng của vườn cây ăn quả, đi sâu vào giữa làng là những ngôi nhà mái ngói âm dương nằm lẩn khuất dưới bóng cây xanh, tạo cảm giác như ta đang lạc bước đến với những khu nhà vườn ở cố đô Huế, vùng đất thần kinh cổ kính.

Ngôi nhà cổ Đỗ Cao Thứa được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ cấp tỉnh, theo quyết định số 3875/QĐ-UBND ngày 02/6/2004. Với tổng diện tích sử dụng là 6957,81m2.

2. Lịch sử xây dựng ngôi nhà:

Theo ông Đỗ Cao Thứa (Bảy Quý) sinh năm 1917, là chủ nhân ngôi nhà cho biết: Cha của ông là người xây dựng nên ngôi nhà này, đội ngũ thợ cả là những người được thuê mướn từ miền Bắc vào nuôi ăn uống trong thời gian 3 năm mới hoàn thành ngôi nhà.

Về năm xây dựng thì ông không nắm rõ, chỉ biết từ nhỏ lúc sinh ra ông đã ở trong ngôi nhà này.Ông được nghe kể lại quy trình của công cuộc xây nhà vô cùng công phu và tốn kém. Muốn có đất dùng đổ nền nhà phải cần có đội ngũ nhân công lực lưỡng và hùng hậu đi lấy từ ấp Bình Hóa, xã Thạnh Phước (nay là phường Thạnh Phước), sau đó vận chuyển bằng xe bò đến bến đò thuộc xã Uyên Hưng, rồi từ đó dùng ghe chở qua sông về cù lao Bạch Đằng, tại đây có đội ngũ nhân công gánh đất tiếp tục về vị trí xây dựng ngôi nhà. Nền nhà cao ráo, xung quanh nền được bao bọc bằng những thanh đá ong tạo vững thế chải và kiên cố, bề ngang mỗi thanh 30cm, dài gần 1,5m cũng được chở từ nơi khác đến.

Ngôi nhà được xây dựng giữa một khu vườn cây ăn trái với đủ loại hoa quả mùa nào thức ấy: chôm chôm, mận, nhãn, xoài…Đặc biệt là Bưởi một loại trái cây đặc sản nổi tiếng của vùng đất cù lao Bạch Đằng. Bên ngoài sân, chủ nhân bày trí hàng chậu kiểng bằng gốm cổ (trên dưới 100 năm) đặt ngang theo chiều rộng ngôi nhà. Hệ thống cây cảnh cũng được chủ nhân chắt lọc chọn trồng, mùi hương hoa bưởi thoang thoảng đu đưa trong gió, phía xa là hàng rào dâm bụt xanh rì trổ đầy hoa đỏ buổi trưa hè, gió mát từ mặt sông thổi vào hòa quyện với không gian xanh mát của khu vườn, cảnh vật thanh bình, yên ả khiến lòng du khách lưu luyến không muốn rời chân.

3. Kiến trúc ngôi nhà:

Ngôi nhà được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, với tổng diện tích 500m2, theo lối kiến trúc chữ Đinh ( ). Nền nhà cao hơn mặt đất 0,8m lót gạch tàu, mái lợp ngói âm dương, dày và kín kẽ tạo cho sự mát mẽ về mùa hè và ấm áp khi mùa đông đến. Mái trước có độ chúi thấp cách nền nhà 1,8m, dãy hành lang hiên trước có chiều rộng 1,2m với dãy hàng cột gồm 11 cây bằng xi măng, mỗi cột có chiều cao 1,8m kê trên một tảng đá đục tròn cao 30cm rất kiên cố. Chiều cao của cửa ra vào tương đối thấp 1,7m (đây cũng là ý đồ của chủ nhân muốn mọi người phải cúi mình trước khi bước vào nhà)

Bố cục bên trong ngôi nhà:

Bên trong ngôi nhà, về kết cấu chịu lực là hệ thống tổng cộng có 36 cây cột lớn được làm bằng gỗ quý, loại danh mộc trong vùng, mặt gỗ mài nhẵn bóng tồn tại theo thời gian. Các thân cột đều có chung đặc điểm kiến trúc là ở hai đầu cột thu nhỏ, bụng phình to ra tạo dáng bề thế và vững chắc. Trên các đầu kèo đều có trang trí hoa văn với những đường nét được chạm trỗ công phu và tinh xảo.

Bàn thờ gia tiên đặt theo lối kiến trúc bàn thờ người Việt: ở giữa là áng thờ, với bức khánh thờ được chạm khắc hoa văn cổ, một bản văn tự chữ Hán đặt vị trí giữa khánh thờ. Bên ngoài là đôi câu liễn đối ốp vào hai cột hai bên bàn thờ.

Ngoài ra còn có những bao lam, hoành phi, liễn, đại tự, khánh thờ…đều được trang trí hoa văn cách điệu, chủ đề thể hiện Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng, hay Nai, Điểu, Sóc, Nho…Tất cả toát nên một lối kiến trúc văn hóa nghệ thuật độc đáo qua đôi bàn tay nghệ nhân thủ công chạm khắc tài hoa của người xưa, mang đậm phong cách Việt Nam trên đất Bình Dương thời bấy giờ.

4. Niên đại:

Căn cứ vào mốc thời gian cuối thế kỷ XIX, thì ngôi nhà có niên đại trên dưới 200 năm, là quá dài đối với một đời người. Thế hệ này đi qua, thế khác nối tiếp.Hiện nay ông Đỗ cao Thứa không còn nữa nhưng ngôi nhà vẫn tồn tại với thời gian. Từ bây giờ và cho đến sau này, ngôi nhà chắc chắn vẫn phải được bảo lưu và gìn giữ, vì đây là một chứng tích ghi dấu quá trình phát triển về kinh tế, văn hóa- xã hội của cư dân người Việt trên vùng đất cù lao màu mỡ, vùng đất cù lao Bạch Đằng…