Địa điểm

DI TÍCH NHÀ CỔ DƯƠNG VĂN HỔ

2021-10-26 06:39:56
Nhà cổ Dương Văn Hổ thuộc ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai, nằm ở phía Nam thị xã Tân Uyên, cách trung tâm thị xã khoảng 5km và cách thành phố Thủ Dầu Một 20km về hướng Đông, được UBND tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 2430 ngày 25/8/2020.

1. Tên gọi di tích

- Tên gọi thống nhất được sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích: Nhà cổ Dương Văn Hổ.

- Tên gọi khác: Nhà cổ họ Dương, Nhà cổ Dương Văn Bảnh.

Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là ông Dương Văn Hổ, sau đó được các thế hệ con cháu kế thừa, gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay, trong đó có ông Dương Văn Bảnh, là con trai của ông Dương Văn Hổ nên còn gọi là nhà cổ Dương Văn Bảnh.

2. Địa điểm phân bố và đường đi đến di tích

2.1. Địa điểm di tích

Nhà cổ Dương Văn Hổ thuộc ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Bạch Đằng là một xã cù lao, được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai, nằm ở phía Nam thị xã Tân Uyên, cách trung tâm thị xã khoảng 5km và cách thành phố Thủ Dầu Một 20km về hướng Đông. Vị trí địa lý tiếp giáp phường Uyên Hưng ở phía Bắc, giáp phường Khánh Bình và Thạnh Phước (thị xã Tân Uyên) ở phía Tây, giáp xã Tân Bình và xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) lần lượt ở phía Nam và phía Đông. Toàn xã hiện có 6 ấp (Bình Hưng, Tân Long, Điều Hòa, Tân Trạch, An Chữ, Bình Chữ), trong đó trung tâm xã nằm trên địa bàn ấp Điều Hòa.

Theo sử liệu, từ đầu thế kỷ XVII đã có lưu dân người Việt ở vùng đất Thuận - Quảng của Chúa Nguyễn đặt chân đến Mô Xoài (Bà Rịa), Đồng Nai (Biên Hòa), sau đó tỏa đi khắp nơi khai khẩn đất hoang, lập ra những làng người Việt đầu tiên ở Nam Bộ. Họ là những người không chịu thần phục triều đình, không chịu cảnh lầm than, nội chiến tương tàn trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn

phân tranh, là những người trốn lao dịch, tù đày, xuôi thuyền vào Nam tìm đến sống. Vùng đất Bình Dương nói chung, cù lao Bạch Đằng nói riêng cũng nằm

chung trong dòng chảy lịch sử đó. Để ổn định cuộc sống trên vùng đất còn hoang vu, thiên nhiên khắc nghiệt, những lưu dân đã đoàn kết, gắn bó với nhau trên tinh thần người đến trước “rước” người đến sau, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau cùng mưu sinh, lập nghiệp. Đó chính là tiền đề dựng nên truyền thống tình làng nghĩa xóm được bảo lưu cho đến ngày nay. Cù lao Bạch Đằng từng bước hình thành xóm làng với tên gọi cù lao Tân Chánh, dân gian quen gọi là cù lao Sáu Làng (Bình Hưng, Tân Long, Bình Chữ, An Chữ, Tân Trạch, Điều Hòa), đối diện với chợ Thủ Đồn Sứ ở Tân Uyên. Những tên gọi trên thể hiện niềm mong ước về cuộc sống bình an, trù phú ở vùng đất mới.

2.2. Đường đi đến di tích

Từ trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương, theo đường Lý Thái Tổ 2km đến đường Điện Biên Phủ (Tạo Lực 1) rẽ trái 1km theo hướng đến thị xã Tân Uyên đến đường Nguyễn Văn Linh (đường Tạo lực 2). Di chuyển theo đường Nguyễn Văn Linh 10km rẽ trái theo đường ĐT 746 khoảng 8km đến cầu Bạch Đằng. Từ cầu Bạch Đằng di chuyển 2km đến ngã tư Ủy ban nhân dân xã Bạch Đằng, rồi rẽ trái 200 mét đến di tích nhà cổ Dương Văn Hổ.

Di tích Nhà cổ Dương Văn Hổ tọa lạc tại xã Bạch Đằng - một xã cù lao nên có thể di chuyển đến di tích bằng phương tiện đường bộ (qua cầu Bạch Đằng) hoặc đường thủy (cập bến tại bến đò Tân Lương 1, thuộc xã Bạch Đằng).

3. Phân loại di tích

Nhà cổ Dương Văn Hổ thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

4. Sự kiện, nhân vật lịch sử

Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nơi có sự đa dạng về thổ nhưỡng và môi trường sinh thái. Lãnh thổ Bình Dương được bao bọc bởi 3 con sông lớn ở Nam Bộ là sông Sài Gòn ở phía Tây, sông Đồng Nai ở phía Đông và Sông Bé ở phía Bắc, hàng năm bồi đắp phù sa, màu mỡ, làm cho vùng đất này vừa giàu có về rừng cây gỗ quý nổi tiếng một thời, vừa có chất đất thuận lợi để trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả. Trên vùng đất trù phú được thiên nhiên ưu đãi nên nhìn chung dân cư Bình Dương có đời sống ổn định, sung túc, nền nếp, phong lưu, văn hóa phát triển. Thời vua Tự Đức, Bình Dương xưa

thuộc trấn Phiên An, giữa hai huyện Bình Dương (Tân Bình) và Phước Long, dân cư đông đúc, nhà cửa, phố chợ liền lạc, là một trong những xứ phồn hoa đô hội của đất Gia Định. Dấu ấn đó vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay thông qua nhiều ngôi nhà cổ, một loại hình di sản văn hóa độc đáo của vùng đất này, trong đó có di tích Nhà cổ Dương Văn Hổ ở xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về xã Bạch Đằng, cho thấy khi triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhường cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, để giảm chi phí hành chính, người Pháp đã sáp nhập các thôn thành xã. “Khi sáp nhập các làng Hội nghị Hương chức của làng dự định đặt tên Bình Hưng – Tân Long – Bình Chữ là Bình – Tân – Chữ, Điều Hòa – Tân Trạch – An Chữ là Tân – Điều – An. Nhưng sau đó do tính cục bộ địa phương giành nhau đứng trước, đứng sau, không ai nhường ai, cuối cùng có ý kiến đề nghị “dĩ hòa vi quý”, chúng đều có nguồn gốc từ làng Mỹ Uyên xưa, nay lấy một chữ của quê cũ kết hợp với hai từ của câu trên để đặt tên cho xã mới. Tên xã Mỹ Hòa, Mỹ Quới xuất phát từ ý nghĩa trên”1. Tên Mỹ Hòa, Mỹ Quới được duy trì cho đến năm 1977 thì sáp nhập thành xã Bạch Đằng.

Nhà cổ Dương Văn Hổ là một ngôi nhà gỗ bề thế nằm yên bình, tĩnh lặng trong khu vườn đầy cây trái trên vùng đất cù lao Bạch Đằng. Ngôi nhà do ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) xây dựng trong vòng 4 năm (từ năm 1911 đến năm 1914). Quá trình xây dựng ngôi nhà vô cùng công phu và tốn kém tiền của, được thi công bởi các nhóm thợ mộc nổi tiếng khéo tay từ miền Trung vào như thợ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, Bình Định (thường gọi chung là thợ Huế). Chủ nhân ngôi nhà đã “rước” thợ về xây nhà và nuôi nhóm thợ trong nhà hàng năm để chạm khắc và trang trí cho ngôi nhà. Đến nay, nhà cổ Dương Văn Hổ đã trải qua ba thế hệ giữ gìn và bảo quản. Thế thệ thứ nhất là ông Dương Văn Hổ và bà Trần Thị Xíu, thế hệ thứ hai là ông Dương Văn Bảnh (con trai ông Dương Văn Hổ) và thế hệ thứ ba là ông Dương Tấn Hòa (cháu nội ông Dương Văn Hổ).

Theo lời kể của ông Dương Hồng Điệp và ông Dương Tấn Hòa (cháu nội ông Dương Văn Hổ) thì ông Trần Hữu Nhâm (cha vợ ông Dương Văn Hổ) là một thương lái nổi tiếng tại vùng đất Biên Hòa2 lúc bấy giờ, làm nghề buôn bán cá từ các tỉnh miền Tây lên Bình Dương, Đồng Nai bằng ghe, tàu rồi dần trở nên giàu có. Năm 1911, ông Nhâm đã khởi công xây dựng ngôi nhà gỗ 5 gian trên vùng đất cù lao Bạch Đằng bằng toàn gỗ quý như gõ, lim, căm xe,..., dùng làm nơi ở, đồng thời mở rộng việc buôn bán của gia đình. Đến năm 1914, ngôi nhà được hoàn thành, sau đó không lâu ông dành ngôi nhà làm của hồi môn cho con gái là bà Trần Thị Xíu kết duyên cùng ông Dương Văn Hổ - một người có xuất thân trong một gia đình giàu có ở vùng đất cù lao này.

Tổng thuật các kết quả nghiên cứu

Bình Dương hiện còn nhiều ngôi nhà cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, chủ yếu tập trung ở thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên. Đến nay, đã có một số bài viết giới thiệu chung về hệ thống nhà cổ ở Bình Dương, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu chuyên sâu về ngôi nhà cổ Dương Văn Hổ.

Phan Thanh Đào (2004), Nhà cổ Bình Dương, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương. Cuốn sách bước đầu giới thiệu một số ngôi nhà tiêu biểu tại tỉnh Bình Dương, trong đó có nhà cổ Dương Văn Hổ, với những nội dung đề cập đến kiến trúc, khái quát văn hóa chữ Hán trong các ngôi nhà,....

Lê Dân, Ngôi nhà cổ trên vùng đất cù lao, Báo Văn nghệ Bình Dương, Hội Văn học Nghệ thuật Bình Dương - đặc san chào mừng 300 năm Thủ Dầu Một – Bình Dương, tháng 9 năm 1998. Bài viết đã trình bày khái quát sơ lược về lịch sử hình thành nhà cổ Dương Văn Hổ cùng với kiến trúc, nghệ thuật chạm trổ của ngôi nhà.

Trên cơ sở tiếp thu kết quả của những tác phẩm, bài viết liên quan đến hệ thống các ngôi nhà cổ ở Bình Dương, chúng tôi sẽ trình bày những nội dung quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của di tích, khảo tả di tích, những giá trị

lịch sử – văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của di tích, từ đó có những đánh giá, nhận định, đề xuất xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với nhà cổ Dương Văn Hổ.

5. Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng liên quan đến di tích

Hàng năm, vào ngày 15 tháng 3 âm lịch đều tổ chức ngày giỗ ông Dương Văn Hổ tại di tích Nhà cổ Dương Văn Hổ.

6. Khảo tả di tích

Nhà cổ Dương Văn Hổ được xây dựng trên một gò đất cao, gần sông Đồng Nai, ngôi nhà chính quay về hướng Đông, tọa lạc tại ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Vị trí tiếp giáp của di tích như sau:

- Phía Bắc giáp với nhà dân.

- Phía Nam giáp đường Bạch Đằng 04.

- Phía Tây giáp với nhà dân.

- Phía Đông giáp đường Bạch Đằng 03.

Tổng diện tích của di tích: 2.935,5 m2. Trong đó:

- Diện tích khu vực I: 228,7 m2, bao gồm diện tích của ngôi nhà chính và ngôi nhà phụ được xây dựng từ năm 1911 (không bao gồm các công trình phụ xây dựng sau này).

- Diện tích khu vực II: 1.921,5m2 gồm toàn bộ diện tích khuôn viên sân vườn của ngôi nhà.

Khuôn viên di tích được bao bọc bởi hàng rào lưới sắt B40, bên trong trồng nhiều loại cây kiểng và cây ăn trái, trong đó nổi bật là cây mai cổ thụ (có tuổi thọ tương đương với ngôi nhà), vừa giúp tạo không khí mát mẻ, trong lành, vừa tạo nét cổ kính, thanh bình cho ngôi nhà.

Ngôi nhà được xây dựng theo dạng chữ Đinh (丁), đây là kiểu nhà truyền thống của người Việt, mái lợp ngói âm dương, có ba gian, hai chái, cửa ngôi nhà chính (nhà trên) trổ ra phía trước nhà, cửa ngôi nhà phụ (nhà dưới) trổ ra đầu hồi của ngôi nhà.

Điểm nổi bật và giá trị trong kiến trúc nhà cổ Dương Văn Hổ phải kể đến các kết cấu gỗ của khung nhà. Hệ thống 50 cột gỗ (chia làm 5 hàng cột), xây dựng theo lối xuyên tâm3 các cặp vì kèo, đòn tay,... tạo nên một không gian cổ kính. Các cột gỗ chia làm 3 loại: hàng cột chính ở giữa đỡ đòn giông (cột nhất, cột cái) ngôi nhà cao 4.5 mét, đường kính cột từ 25 – 30cm, hai hàng cột nhì cao 3.5 mét, đường kính cột 21 – 27cm và hai hàng cột ngoài cùng cao 2.2 mét, đường kính 21 – 25cm. Bộ khung này hoàn toàn được làm từ các loại gỗ quý như gõ đỏ, gõ mật, gụ, căm xe... Phía trên mái, các đoạn kèo, xà được đấu nối với cột bằng lối ghép mộng vô cùng vững chắc, không dùng đinh sắt, tất cả đều được bào nhẵn, sơn phết chống mối mọt kỹ càng.

Đặc biệt, trên thân 4 thanh vì kèo của ngôi nhà chính được chạm khắc theo lối ô hộc, chủ đề thể hiện tứ quý (4 mùa trong năm): Mùa xuân chạm khắc hình hoa mai là chủ đạo, mùa hạ hình tượng là cây cúc, mùa thu lấy hình tượng là cây trúc và mùa đông với hình tượng là cây tùng. Mỗi ô chạm khắc dài 1.5m, rộng 15cm và sâu từ 1 đến 2cm.

Nền nhà cao hơn sân vườn 650cm, bó vỉa bằng đá xanh, nền lát gạch tàu màu đỏ. Nhà cổ Dương Văn Hổ bao gồm các hạng mục ngôi nhà chính (nhà trên), ngôi nhà phụ (nhà dưới) được nối với nhau qua máng xối và các công trình phụ trợ được gia chủ xây dựng sau này.

* Nhà chính (nhà trên)

Nhà chính có mái hiên ở phía trước, mái lợp ngói âm dương, với hàng cột hiên được thiết kế bằng bê tông, hình vuông (mỗi cạnh dài 25cm, cao 1,6m), quét vôi màu vàng. Khu vực này bố trí bốn bậc tam cấp bằng bê tông để bước vào nhà, bao gồm hai lối ở chính diện, hai lối ở hai bên hiên nhà.

Qua khỏi hiên nhà sẽ dẫn vào nội thất của nhà chính, có 5 cửa ra vào, được bố trí dọc theo chiều dài ngôi nhà. Nội thất nhà trên rộng 137.6m2, với 5 hàng cột gỗ, mỗi hàng có 4 cột, tổng cộng 20 cột. Tất cả các cột đều được kê trên đá táng (cột được đặt trên những tảng đá đẽo tròn). Trên mỗi cặp cột theo chiều ngang ngôi nhà đỡ một vì kèo. Có những cặp cột đấm, cột quyết4 đỡ chịu lực hai mái nhà phía dưới. Những cây đấm nối từ đầu những cây cột thẳng ra mái nhà trước, những cặp quyết nằm một đầu trên cây cột và có chức năng đỡ ở góc chỗ tiếp giáp giữa mái nhà và chái nhà (có tổng cộng tám đấm, tám quyết). Ngôi nhà có các bộ vì kèo được chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ với các đề tài chạm trổ theo mô típ truyền thống như: long, phụng, tứ quý, chim muông, hoa lá, bát bảo,... Các đầu kèo và đuôi kèo được chạm khắc, chạm nổi hình đầu đao, lá cúc, lá dung cách điệu.

Không gian nội thất bên trong được chia làm hai phần rõ rệt: “nội tự”, “ngoại khách”. Phần nội tự chiếm hai lòng căn5, tức hàng cột thứ hai trở về

trong, phần ngoại khách chiếm một lòng căn.

Lòng căn ngoài cùng (tính từ hàng cột thứ nhất đến hàng cột thứ 2): Dùng làm nơi tiếp khách, được bố trí 02 bộ phản gỗ (gõ đỏ) và 02 bộ bàn ghế (gõ đỏ).

Lòng căn giữa (tính từ hàng cột thứ 2 đến hàng cột thứ ba): Dùng làm nơi thờ cúng ông bà (vợ chồng cụ Dương Văn Hổ), vị trí chính giữa lòng căn bố trí 01 bàn thờ gỗ gõ đỏ, hình chữ nhật (cao 1.4m, dài 1m, rộng 0.8m).

Lòng căn trong cùng: Dùng để bố trí 02 phòng ngủ của gia chủ ở hai gian ngoài cùng, được ngăn cách với không gian thờ cúng bằng vách gỗ, hai bên giống nhau: cửa vào được thiết kế hình bán nguyệt, chạm trổ hoa văn, phía trên là vách gỗ trang trí là 24 ô hình chữ nhật, hình vuông, hình lục giác bố trí qua ba cấp bậc với các chủ đề trang trí bằng kỹ thuật chạm - khắc – lộng bằng gỗ rất khéo léo, tinh xảo từng đường nét (xem hình khảo tả, bảng vẽ chi tiết bao lam - cửa võng).

Tại ba gian giữa bố trí 02 tủ đựng vật dụng gia đình hai bên (phần trên 2 tủ cẩn xà cừ) và gian giữa là bàn thờ gia tiên. Bàn thờ gồm tủ thờ, bên trên là đồ ngũ sự (gồm lưu nhang, hai chò gỗ, hai dĩa gốm, bình gốm, hai chân đèn), bài vị bằng gỗ, hai bên chạm khắc câu đối bằng chữ Hán sơn son thếp vàng:

Chữ Hán: 百 代 孝 慈 高 仰 止; 萬 年 枝 派 永 流 通

Phiên âm:Bách đại hiếu từ cao ngưỡng chỉ; Vạn niên chi phái vĩnh lưu thông

Tạm dịch: Trăm đời hiếu hiền được tôn kính; Vạn năm dòng họ mãi lưu truyền

Phía trên áp theo hàng cột (của ba gian) được thiết trí các bao lam gian giữa khác hai gian hai bên chạm khắc lộng ở giữa là hình cuốn thư nối với các chủ đề về phụng, kỳ lân, nai, sóc, hoa sen, hoa cúc, dây lá nho, mai, lan, cúc, trúc, sen,... và kết nối liên ba gồm nhiều con tiện và 12 ô hộc (hình chữ nhật, hình vuông với chủ đề trang trí); tiếp theo phía trên gian giữa là tấm hoành phi ghi:

楊 府 堂 Phiên âm: Dương Phủ Đường, Tạm dịch: Phủ đường họ Dương (xem hình khảo tả, bảng vẽ chi tiết bao lam - cửa võng)

Tiếp theo vị trí phía trên của hai gian kế gian giữa được thiết trí bao lam, cửa võng (cả hai gian giống nhau về trang trí, khác gian giữa), mỗi bên gồm 11 ô trang trí (hình chữ nhật, hình vuông) kỹ thuật chạm - khắc – lộng bằng gỗ rất khéo léo, bố trí cân xứng; tiếp phía trên bố trí bức hoành phi bằng chữ Hán, niên đại cùng thời với ngôi nhà, có nội dung như sau:

+ Gian bên trái:

光 世 澤 Phiên âm: Quang Thế Trạch.

Tạm dịch: Ân trạch (của tổ tiên) sáng muôn đời.

+ Gian bên phải:

杏 林 春 Phiên âm: Hạnh Lâm Xuân,

Tạm dịch: Rừng hạnh mùa xuân.

Những tấm hoành phi được thể hiện bằng gỗ với chữ hán khắc lõm, trang trí xung quanh hoa dây, sơn son thép vàng. Tổng thể nhìn chung tại lòng căn

trong cùng được chủ nhà trọng tâm bày trí những mảng hoa văn trang trí thể hiện kỹ thuật chạm - khắc- lộng trên gỗ đạt đến nghệ thuật tinh xảo, cụ thể đến từng chi tiết nhỏ nhất, thể hiện được sự khéo léo tài tình của lớp nghệ nhân điêu khắc gỗ thời bấy giờ.

* Nhà phụ (nhà dưới)

Nhà phụ (nhà dưới) là một căn nhà ngang, nối liền với ngôi nhà chính được làm bằng gỗ nhưng kiến trúc, hoa văn trang trí đơn giản hơn nhiều so với ngôi nhà chính. Nhà phụ có diện tích 91.1m2, dùng làm nơi sinh hoạt thường nhật của gia đình và cũng là nơi cả nhà thường gặp gỡ trao đổi, bàn công việc, nơi học hành cho con cái, cũng là nơi tiếp khách thường ngày.

Nhà phụ nằm vuông góc, theo hướng bên trái của ngôi nhà chính, gồm có ba gian: gian thứ nhất (ở phía đầu hồi đi vào) dùng làm nơi sinh hoạt và tiếp khách, gian giữa là nơi sinh hoạt thường ngày và gian dưới là buồng ngủ của con cái, phía sau là nhà bếp. Ngôi nhà phụ được giới hạn bởi một bên là vách ván để ngăn cách với gian thờ tự nơi ngôi nhà chính, một bên là tường bao bọc bên ngoài, đồng thời cũng là nơi chứa vật dụng gia đình, dụng cụ lao động, chứa củi hoặc tạo vách ngăn với phòng ngủ.

Ngoài ra, ngôi nhà này có một hành lang bao bọc quanh ngôi nhà trên, được giới hạn bởi một bên là vách ván ngăn phần thờ tự với hành lang ấy, một bên là tường bao bọc bên ngoài. Hành lang này giúp sự liên lạc giữa nhà khách và những phòng phía sau nhà không phải đi ngang qua phần thờ phụng, bên cạnh đó, gia chủ có thể bố trí hành lang dùng làm nơi chứa vật dụng gia đình, dụng cụ lao động, chứa củi hoặc tạo vách ngăn làm phòng ngủ.

7. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ của di tích

7.1. Giá trị lịch sử, văn hóa

Nhà cổ Dương Văn Hổ được xây dựng cách ngày nay hơn 100 năm trên vùng đất cù lao Bạch Đằng, mang đậm phong cách kiến trúc của một ngôi nhà Nam bộ truyền thống. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, khắc nghiệt hủy hoại của thiên nhiên, tốc độ “đô thị hóa” của con người, ngôi nhà vẫn được các thế hệ của dòng họ Dương gìn giữ, bảo quản tương đối tốt, trở thành một trong những di

tích nhà cổ có lối kiến trúc gỗ độc đáo, hiếm hoi còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn trên vùng đất Bình Dương.

Ngôi nhà không đơn thuần có chức năng là nơi tránh mưa nắng, nơi sinh hoạt của gia đình, mà còn góp phần minh chứng cho quá trình lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất cù lao Bạch Đằng, đồng thời là nơi tích tụ một hàm lượng văn hóa của chính những con người nơi đó. Thông qua kiểu dáng kiến trúc và cách bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào lối sống của các thế hệ chủ nhân ngôi nhà. Các cặp liễn đối chữ Hán, đề tài mỹ thuật trang trí phổ biết trong ngôi nhà (chim muông, hoa lá,…) cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa về văn hóa, nói lên triết lý, quan niệm sống của người xưa, đồng thời chuyển tải tâm tư, tình cảm và ước vọng về một cuộc sống sung túc, yên bình của chủ nhân ngôi nhà.

7.2. Giá trị kiến trúc nghệ thuật

Nhà cổ Dương Văn Hổ có kiến trúc dạng chữ Đinh, kiểu nhà rội - một kiểu nhà phổ biến của người Việt ở Nam Bộ. Toàn bộ kết cấu ngôi nhà đều bằng gỗ, với nhiều loại gỗ quý, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu đỏ. Khung nhà được lắp ghép với nhau bằng mộng gỗ.

Ngôi nhà vừa là công trình kiến trúc tài hoa, vừa chứa đựng những tác phẩm điêu khắc mang đậm dấu ấn mỹ thuật Nam Bộ. Các họa tiết trang trí trong nhà đều được thể hiện rất tinh xảo, nhất là nhà trên (nhà chính). Các vì kèo được được trang trí, chạm khắc cầu kỳ và tỉ mĩ, phong phú và đa dạng về đề tài, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc theo lối ô hộc (nghệ thuật tạo hình trang trí phổ biến thời kỳ nhà Nguyễn) với chủ đề “tứ quý” (bốn mùa trong năm). Các bao lam được chạm thủng, chạm lộng. Các hoành phi, liễn đối thể hiện bằng chữ Hán, sơn son thếp vàng, được thiết trí trên các cột của gian thờ, đã góp phần tạo được sự uy nghi, nghiêm trang, cổ kính của ngôi nhà. Đó chính là các tác phẩm nghệ thuật, góp phần minh chứng cho trình độ tay nghề về kỹ thuật và tư duy về mỹ thuật của người đương thời.

Ngôi nhà được hình thành từ điều kiện sống và nhu cầu sử dụng của cư dân nên phản ánh đầy đủ những giá trị về nghệ thuật tổ chức không gian sống, nghệ thuật ứng xử với th

mặt tiền hướng ra sông, nơi trước đây có bến sông, vừa thuận tiện cho cuộc sống (đi lại, sử dụng nguồn nước ngọt) và công việc làm ăn của gia chủ, đồng thời tạo không gian thoáng đãng cho ngôi nhà. Quy mô của ngôi nhà tương đối rộng, bao gồm nhiều gian, trong đó không gian nhà chính được bố cục đối xứng với gian giữa bố trí làm nơi đặt bàn thờ tổ tiên, hai gian hai bên là chỗ ngủ hoặc là kho chứa đồ. Ngoài đồ trang trí nội thất chủ yếu bằng gỗ như tủ thờ, bàn thờ, bộ ván, bàn ghế… trong nhà còn có nhiều vật dụng đồ gốm (chén, dĩa, bình trà, đèn dầu,…), đồ đồng (khuôn bánh, bộ xông trầm, hộp đựng,…), đồ gỗ cẩn ốc xà cừ (khay trà) và cả vật dụng phương Tây (đèn treo của Pháp).

7.3. Giá trị khoa học

Nhà cổ Dương Văn Hổ được thiết kế xây dựng từ chất liệu gỗ quý, kỹ thuật tốt đã giúp đem lại sự mát mẻ, thông thoáng cho ngôi nhà, đồng thời giúp cho ngôi nhà duy trì được độ bền vững, mặc dù đã trải qua thời gian tồn tại hơn 100 năm. Vẻ đẹp, giá trị kiến trúc nghệ thuật của ngôi nhà được bồi đắp, lưu truyền, bảo lưu qua nhiều thế hệ nên đã trở thành truyền thống, do đó đã góp phần giúp cho các nhà nghiên cứu có thêm nguồn tư liệu để tìm hiểu thêm về truyền thống kiến trúc, mỹ thuật của cư dân địa phương, đồng thời làm cơ sở phục vụ trong việc tu bổ di tích.

DTT06076.JPG 232.5 KB