Sáng ngày 23/9/2024, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với UBND thành phố Tân Uyên tổ chức Lễ khánh thành và thông xe công trình xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (Cầu Bạch Đằng 2). Buổi lễ nằm trong chuỗi sự kiện Công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, Bình Dương đạt Top 1 ICF và xúc tiến đầu tư 2024.

Tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Trương Thị Bích Hạnh, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Dành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các sở ngành, địa phương và hàng trăm người dân 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Về phía tỉnh Đồng Nai, tham dự có ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh.

Đại biểu thành phố Tân Uyên dự lễ có ông Bùi Minh Trí - Tỉnh uỷ viên, Bí thư Thành uỷ Tân Uyên, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, ông Đoàn Hồng Tươi - Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, các xã, phường trên địa bàn thành phố cùng Nhân dân xã Bạch Đằng.
Dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) là công trình giao thông cấp II, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Công trình có chiều dài toàn tuyến 945,81m, trong đó phần cầu dài 401,32m, phần đường dẫn đầu cầu dài 544,49m. Cầu gồm bốn làn xe và có thiết kế mặt cắt ngang 17,5m, kết cấu phía trên là dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực liên tục, thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng. Đường đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h. Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa nóng, chiều rộng nền đường 17,5m bố trí cho 4 làn xe. Công trình có tổng mức đầu tư là 490,943 tỷ đồng từ vốn ngân sách.
Cầu Bạch Đằng 2 là một công trình “Ý Đảng - lòng dân”, góp phần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng linh hoạt, đồng bộ, nâng cao tiềm năng quỹ đất, phát triển các khu đô thị mới, tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Trước đây, việc di chuyển giữa Bình Dương và Đồng Nai chủ yếu dựa vào cầu Đồng Nai trên Quốc lộ 1A và cầu Thủ Biên, chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông ngày càng tăng cao giữa 2 tỉnh và khu vực lân cận. Việc thông xe cầu Bạch Đằng 2 không chỉ giúp quãng đường di chuyển từ Bình Dương đến Đồng Nai sẽ rút ngắn đáng kể, giúp kết nối hai địa phương một cách thuận lợi, tăng tính an toàn khi di chuyển bằng đò ngang mà còn hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh tại khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu vực, nâng cao chất lượng đời sống người dân 2 tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Mai Hùng Dũng - Uỷ viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương chia sẻ, đây là cây cầu của niềm tin, khát vọng, kết nối, trách nhiệm, thân thiện và tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Trong quá trình thi công dự án, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao, chủ đầu tư, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn vẫn đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời, nhờ sự đồng tình, ủng hộ của người dân mà công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, tạo điều kiện để đơn vị thi công triển khai dự án đúng tiến độ. Cầu Bạch Đằng 2 được đưa vào khai thác là niềm vui lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân 2 tỉnh, song vẫn còn nhiều trách nhiệm phía trước. Ông đề nghị các địa phương có tuyến đường và cầu đi qua có kế hoạch sử dụng, khai thác công trình thật hiệu quả, gắn với chỉnh trang đô thị, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo được sự khác biệt của vùng đất tại hai đầu cầu so với thời điểm chưa xây dựng cầu; các sở, ngành có liên quan của 2 tỉnh cần tích cực, chủ động phối hợp khảo sát, nghiên cứu phương án, tham mưu UBND tỉnh sớm đầu tư thêm các dự án cầu bắt qua sông Đồng Nai đã được quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội của 2 địa phương trong thời gian tới.

Bà Ngô Thị Minh Lan - đại diện người dân xã Bạch Đằng bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi cầu Bạch Đằng 2 được xây dựng. Bà chia sẻ, với người dân xã cù lao, chiếc cầu Bạch Đằng 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ phục vụ cho việc đi lại, giao thương mà còn tạo cơ hội cho người dân nông thôn có cơ hội giao lưu, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích, góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Bạch Đằng. Thay mặt người dân nơi đây, bà Ngô Thị Minh Lan cảm ơn lãnh đạo các cấp 2 tỉnh, đơn vị thi công, lực lượng công nhân đã nỗ lực hết mình, không quản ngày đêm, nắng mưa xây dựng hoàn thành chiếc cầu Bạch Đằng 2 khang trang và kiên cố; đồng thời hứa ra sức giữ gìn chiếc cầu luôn khang trang, sạch đẹp; đồng hành cùng các lực lượng chức năng địa phương phát huy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Đồng Nai tuyên dương và trao tặng quà cho 10 hộ dân tiêu biểu đã đồng hành, hỗ trợ tích cực cho dự án.



Các đại biểu đã thực hiện nghi thức bấm nút khánh thành và tham quan cầu Bạch Đằng 2, đánh dấu bước khởi đầu cho một công trình trọng điểm được đưa vào sử dụng, mở ra chặng đường phát triển mới cho hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Hồng Nhung - Thế Anh