Sáng ngày 13/3, Ban Chấp hành Chi hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng thành phố Tân Uyên tổ chức họp mặt Kỷ niệm 10 năm Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3/2015 - 15/3/2025).

Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại lịch sử, ý nghĩa Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam. Ngày 15/3/1962, cố Tổng thống Hoa Kỳ John Kennedy đã tuyên bố trong một bài phát biểu tại Thượng viện Mỹ rằng: “Người tiêu dùng bao gồm tất cả chúng ta. Đây là nhóm đối tượng lớn nhất trong nền kinh tế, tương tác với hầu hết các quyết định kinh tế”. Ông chỉ ra 4 quyền cơ bản của người tiêu dùng: quyền được an toàn; quyền được cung cấp thông tin; quyền được lựa chọn hàng hoá, dịch vụ; quyền được lắng nghe, góp ý. Năm 1985, nội dung về quyền của người tiêu dùng được Liên hợp quốc công nhận và mở rộng ra thành 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng. 4 quyền được bổ sung gồm: quyền tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn. Sau đó, Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế bắt đầu công nhận ngày 15/3 là Ngày Quyền người tiêu dùng thế giới, hàng năm tổ chức sự kiện này với mục tiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các quốc gia.

Tại Việt Nam, từ khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng chính thức có hiệu lực thi hành, vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quyền người tiêu dùng Thế giới, Bộ Công Thương đã có những hoạt động hưởng ứng mạnh mẽ và sâu rộng, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, theo đó lấy ngày 15/3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Ngày 20/6/2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 chính thức thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trong số các quy định được sửa đổi, bổ sung, tại Điều 13, Luật quy định ngày 15 tháng 3 hàng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Việc tiếp tục quy định về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại văn bản pháp lý có giá trị nền tảng đã nhấn mạnh và thể hiện rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nền kinh tế và đời sống xã hội hiện nay.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 có chủ đề: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm”. Với chủ đề này, Bộ Công Thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia chủ động và có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp cận thông tin một cách minh bạch, an toàn.

Cũng tại hội nghị, đại biểu được nghe lãnh đạo Phòng Tư pháp thành phố tuyên truyền Luật bảo vệ Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Đồng thời, lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 4 đã tuyên truyền đến đại biểu những thông tin về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; công tác phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động thương mại điện tử.
Thành phố Tân Uyên là địa bàn đang phát triển mạnh về công nghiệp, thương mại dịch vụ, từ đó nhu cầu tiêu thụ về hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng cũng tăng cao, dẫn đến tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.... diễn biến phức tạp và hoạt động kinh doanh môi trường thương mại điện tử cũng đang phát triển. Trước tình hình đó, Đội Quản lý thị trường đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 thành phố ban hành Kế hoạch về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử; tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử, qua đó phát hiện, xử lý một số vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử với các hành vi như: không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp thông tin sai lệch về thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nguồn gốc, xuất xứ của các thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng... Đồng thời, Chi hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố thường xuyên tuyên truyền về 8 quyền, 2 nghĩa vụ, 8 điều cấm và 4 phương pháp giải quyết tranh chấp giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ; tiếp nhận và tư vấn qua điện thoại về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; phối hợp với các ngành chức năng giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bán - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại thành phố Tân Uyên trong thời gian qua. Kết quả đó đã thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Thời gian tới, hoạt động của Hội sẽ được thực hiện theo phương án sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và nền kinh tế đất nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác này; góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.
Hồng Nhung - Hoàng Hải