Ngày 17 tháng 8 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023. Quyết định có 16 điều quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức xã hội, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã thu được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Việc được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội là một cơ chế rất cụ thể, sẽ tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện được học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời cũng là cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Tại thành phố Tân Uyên, bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 năm 2023, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Tân Uyên triển khai cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù. Phóng viên Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thanh thành phố Tân Uyên đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Khánh Dương, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Tân Uyên về vấn đề này.
Hỏi: Xin ông cho biết điều kiện và đối tượng vay vốn ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù như thế nào?
Ông Huỳnh Khánh Dương: Theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định Về điều kiện vay vốn như sau:
1. Đối với người chấp hành xong án phạt tù: Có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 05 năm;
2. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật; sử dụng tối thiểu 10% tổng số lao động là người chấp hành xong án phạt tù đáp ứng các điều kiện nêu trên và ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; có phương án vay vốn và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện phương án xác nhận.
Người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất kinh doanh không còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm theo quy định của pháp luật thì mới đủ điều kiện để vay vốn.
* Về đối tượng được vay vốn: Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù theo quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá theo quy định tại Luật Đặc xá;
Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Hỏi: Về thời hạn cho vay, mức cho vay và lãi suất cho vay được quy định như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Khánh Dương:
Về thời hạn cho vay:
- Đối với vay vốn để đào tạo nghề: thời hạn cho vay được tính bao gồm thời hạn phát tiền vay và thời hạn trả nợ.
Trong đó:
+ Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày người đứng tên vay vốn nhận món vay đầu tiên cho đến ngày Người chấp hành xong án phạt tù kết thúc khóa học.
+ Thời hạn trả nợ: Đối với chương trình đào tạo có thời gian đào tạo không quá 01 năm, thời hạn trả nợ tối đa bằng 02 lần thời hạn phát tiền vay; Đối với các chương trình đào tạo khác, thời hạn trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.
- Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng.
*Về mức vốn cho vay:
- Đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù.
- Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù.
- Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh.
*Về lãi suất cho vay:
Được áp dung bằng lãi suất cho vay vốn đối với hộ nghèo do Chính phủ quy định từng thời kỳ (hiện nay mức lãi suất cho vay là 6,6%/năm).
Hỏi: Cho vay vốn ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù thì có thực hiện bảo đảm tiền vay hay không?
Ông Huỳnh Khánh Dương:
- Đối với Người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.
- Đối với Cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là Người chấp hành xong án phạt tù vay vốn trên 100 triệu đồng thì phải thực hiện đảm bảo tiền vay theo quy định.
Hỏi: Về phương thức cho vay, NHCSXH sẽ thực hiện phương thức cho vay ra sao?
Ông Huỳnh Khánh Dương:
+ Đối với Cho vay Người chấp hành xong án phạt tù: Thực hiện cho vay thông qua hộ gia đình: Đại diện hộ gia đình Người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với ngân hàng. NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội.
+ Đối với cho vay Cơ sở sản xuất kinh doanh: Thực hiện cho vay trực tiếp.
Hỏi: Hiện tại trên địa bàn thành phố đã có bao nhiêu đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn, và trong thời gian tới, ngân hàng có kế hoạch gì trong việc thực hiện cho vốn ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù?
Ông Huỳnh Khánh Dương: Hiện tại Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Tân Uyên đã thực hiện giải ngân 02 trường hợp là Người chấp hành xong án phạt tù tại phường Tân Phước Khánh được vay vốn với số tiền vay là 100 triệu đồng.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng này, Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Tân Uyên sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, công an các xã phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách tín dụng và thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn đến từng đối tượng là người chấp hành xong án phạt tù đảm bảo mọi đối tượng có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn cho vay ưu đãi. Đồng thời thực hiện cho vay theo quy định, nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện với phương châm “Phục vụ tại nhà - Giải ngân tại xã”.
Xin cảm ơn ông.
Quyết định 22 ra đời đã đáp ứng rất kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, sẽ giúp đỡ được nhiều người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về địa phương ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật, xóa đi kỳ thị để xã hội đón nhận và hỗ trợ người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.
Cẩm Hường