Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Thực hiện Đề án “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án 02), Ban Thường vụ Thành uỷ Tân Uyên đã thành lập Ban Tổ chức Đề án và ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện; đồng thời, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, nhấn mạnh quan điểm: Đề án không phải là nhiệm vụ của riêng Ban Dân vận mà là của cả hệ thống chính trị; lấy người dân làm trung tâm, chủ thể thực hiện Đề án. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án, các cơ quan, đơn vị, xã, phường đã xây dựng Kế hoạch, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, tâm tư, nguyện vọng của người dân để triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong quá trình thực hiện Đề án, các cơ quan, đơn vị, xã, phường thường xuyên tăng cường quán triệt, tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa, các chỉ tiêu, nội dung của Đề án để Nhân dân được biết, được hiểu, từ đó nâng cao nhận thức, tự giác tham gia. Công tác tuyên truyền được thực hiện với hình thức phong phú, đa dạng như: qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền lưu động… Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên phát huy vai trò nêu gương, tiên phong, gương mẫu, đồng thời động viên gia đình và mọi người xung quanh cùng góp sức vì thành phố văn minh. Ban Tổ chức Đề án cũng thành lập Đoàn Khảo sát các mô hình của các đơn vị để tổ chức nhân rộng các mô hình hay, thiết thực và chọn phường Uyên Hưng làm điểm để tạo điểm nhấn thiết thực.
Kết quả thiết thực, lan toả sâu rộng
Hơn 3 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, Đề án 02 đã mang lại diện mạo mới khang trang, xanh, sạch, đẹp cho thành phố trẻ, đồng thời, thói quen ứng xử văn hoá, văn minh trong đời sống nhân dân. Nổi bật, thành phố đã đầu tư gần 18,4 tỷ đồng (trong đó có hơn 15,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và hơn 2,8 tỷ đồng từ đóng góp của nhân dân) để nâng cấp 80 tuyến đường, chiều dài hơn 18.320 mét; cải tạo, xây dựng 26 hoa viên, công viên, tổng diện tích 22.7000m2 với kinh phí 21 tỷ đồng; trang bị hơn 230 thùng rác công cộng, kinh phí 230 triệu đồng…
Toàn thành phố có 52 mô hình, 26 gương điển hình tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng. Tiêu biểu như cuộc thi “Tuyến phố văn minh, tuyến đường kiểu mẫu” do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức; các mô hình “Tuyến đường tuyên truyền 24 giờ” của phường Khánh Bình, “Tuyến đường kiểu mẫu thông minh, tuyến đường tự quản” phường Uyên Hưng, “Xóm ấp nghĩa tình” ở Bạch Đằng; mô hình tổ chức thi đua “Trồng hoa, cây xanh trước cổng và mặt tiền trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học”, “Làm cho khu phố - ấp sạch hơn”, “Xóa điểm ô nhiễm, biến bãi rác thành vườn hoa, cây xanh” của Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố... Thực hiện “Ngày thứ bảy văn minh”, hơn 6.700 lượt cán bộ, người dân đã ra quân vệ sinh 103 tuyến đường với chiều dài hơn 100km, tháo gỡ quảng cáo sai quy định trên 53 tuyến đường, thu gom gần 12 tấn rác thải, trồng 1.214 cây xanh, vẽ tranh trên 245m tường và 20 thùng rác... Những mô hình này không chỉ cải thiện cảnh quan đô thị mà còn khuyến khích, nâng cao ý thức của người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh chung, thiết lập lại trật tự đô thị. Đồng thời, cũng chính người dân được thụ hưởng thành quả từ những công trình, phần việc thiết thực, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao.
Giữa nhịp sống đô thị hối hả, các giá trị văn hoá tinh thần vẫn luôn hiện hữu trong hơi thở cuộc sống. Mỗi người dân, gia đình sống hướng về cội nguồn, giữ gìn, phát huy truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc; xoá bỏ hủ tục lạc lậu; thực hiện nếp sống văn minh trong các dịp hiếu hỉ; xây dựng lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, hài hoà lợi ích giữa cá nhân, tập thể và cộng đồng; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; có hành vi ứng xử văn hoá, văn minh. Các hoạt động tương thân tương ái được triển khai sâu rộng, kịp thời chăm lo, động viên người dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tiêu biểu như mô hình “Phiên chợ 0 đồng”, “Nhà ăn 0 đồng”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với địa chỉ nhân đạo”, “Quỹ Vì người nghèo” của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể... Đặc biệt mới đây, Chiến dịch “Thu gom thiết bị điện tử tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn” đã quyên góp được 379 điện thoại thông minh tặng người dân, góp phần chuyển đổi số. Người dân luôn ý thức chấp hành tốt chủ trương, đượng lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua 3 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ “Gia đình văn hoá” đạt 98%, “Khu nhà trọ văn hoá” đạt 99,12%, “Khu phố, ấp văn hoá” đạt 100%, “Khu dân cư văn hoá” đạt 100%.
Để nâng cao chất lượng thực hiện hiệu quả Đề án 02 trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành uỷ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đảng, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xây dựng nếp sống, ý thức văn hóa, văn minh thông qua các hình thức tuyên truyền bề nổi tạo điểm nhấn; 100% cơ quan đơn vị, xã phường, Mặt trận Đoàn thể tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả. Thành phố sẽ tiếp tục bố trí ngân sách và huy động nguồn lực để đầu tư, nâng cấp chỉnh trang đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, văn hóa giao thông, tập trung đầu tư thảm nhựa các tuyến hẻm kết nối với các trục giao thông chính, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Đề án đề ra. Thành phố cũng kêu gọi và tổ chức cho 100% hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhà trọ, quán ăn, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn ký cam kết thực hiện các tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; trường học đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, văn hóa học đường, an toàn giao thông; sắp xếp, nâng cấp các chợ đảm bảo vệ sinh, không lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường, đảm bảo an toàn giao thông; xây dựng khu nhà trọ sạch đẹp, bảo vệ môi trường; vận động quán ăn, nhà hàng giữ gìn vệ sinh, sắp xếp vật dụng ngăn nắp... Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hoá, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, trật tự xây dựng, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi thiếu văn hoá.
Sự lãnh đạo sát của Ban Thường vụ Thành uỷ, sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, khu phố, ấp và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đã tạo thành sức mạnh tổng hợp làm cho Đề án 02 phát huy được giá trị thiết thực, mang lại những đổi thay tích cực từ diện mạo đô thị thành phố đến lối sống người dân. Những kết quả đạt được trong thời gian qua là động lực quan trọng để Đề án tiếp tục được triển khai hiệu quả và thấm sâu vào đời sống, góp phần xây dựng hình ảnh thị xã Tân Uyên thêm sức sống mới, sạch đẹp, văn minh, hiện đại, xứng tầm là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương, đô thị loại II trong tương lai.
Hồng Nhung - Thế Anh