Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, sôi động, công nghệ số đã len lỏi và phát triển song hành với nhiều lĩnh vực, tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. Những năm qua, hoà nhịp cùng xu thế đó, thành phố Tân Uyên đã ứng dụng hiệu quả chuyển đổi số trong phát triển du lịch, tạo động lực bứt phá mạnh mẽ, thích ứng với xu thế hội nhập, nâng cao trải nghiệm của du khách khi đến với thành phố Tân Uyên.
Nâng cao trải nghiệm cho du khách
Thành phố Tân Uyên có 2 cù lao Bạch Đằng, Thạnh Hội được bao bọc bởi dòng sông Đồng Nai trong xanh, thơ mộng, phù hợp phát triển du lịch sinh thái gắn với nông thôn mới. Trên địa bàn thành phố còn có các làng nghề truyền thống cùng 12 di tích được xếp hạng, tiềm năng là điểm đến lý thú cho khách tham quan, về nguồn. Tại các di tích, Thành đoàn Tân Uyên đã thực hiện công trình “Số hóa địa chỉ đỏ”. Đến tham quan du lịch tại đây, bằng việc sử dụng thiết bị thông minh quét mã QR được trang bị tại di tích, du khách có thể nhanh chóng tìm hiểu về lịch sử, văn hoá truyền thống gắn liền với di tích qua thông tin trên Cổng thông tin điện tử thành phố. Bên cạnh đó, thành phố đang thực hiện Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, làng thông minh, ứng dụng khoa học, công nghệ tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp - dịch vụ - du lịch thông minh, thân thiện với du khách.
Thời gian qua, thành phố Tân Uyên được đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các địa phương phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan. Cùng với đó, UBND thành phố đã quan tâm đầu tư hạ tầng số để phục vụ đời sống nhân dân, mang đến nhiều tiện ích cho du khách. Số thuê bao điện thoại di động đạt khoảng 110 thuê bao/100 dân; 85% hộ gia đình có sử dụng cáp quang băng thông rộng. Thành phố đã vận động xã hội hóa lắp đặt wifi miễn phí tại hơn 30 địa điểm công cộng như các di tích lịch sử, Trung tâm phục vụ hành chính công, chợ, công viên, hoa viên… phục vụ người dân và du khách. 100% khu, điểm du lịch đều được phủ sóng wifi, có khả năng kết nối điện thoại hữu tuyến, giúp du khách có thể dễ dàng tra cứu thông tin, đặt vé, đặt phòng và thanh toán trực tuyến, giảm thiểu thời gian chờ đợi và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thành phố có 1 Trung tâm thương mại, 28 cửa hàng tiện lợi, 12 chợ truyền thống. Thành phố đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ trên địa bàn. Để quản bá các sản phẩm mang dấu ấn thành phố Tân Uyên, UBND thành phố đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ; đổi mới công tác khuyến nông, khuyến công theo hướng kết hợp giữa nhà nước với doanh nghiệp, theo chuỗi ngành hàng, chuyển đổi số. Tiêu biểu, vườn bưởi đặc sản Bạch Đằng đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Gian hàng sản phẩm mây tre lá LTL (trước đây là Mây tre lá Thành Lộc), làng nghề Tân Phước Khánh cũng có mặt trên sàn thương mại điện tử, thu hút gần 14.000 lượt theo dõi.
Xu thế tất yếu của ngành du lịch
Đề án “Phát triển du lịch thành phố Tân Uyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi ngành du lịch phải chuyển đổi số, đổi mới toàn diện hoạt động quân lý, điều hành của cơ quan quản lý và doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân cũng phải thay đổi.
Để thích ứng với yêu cầu phát triển, thành phố sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, trong đó, đẩy mạnh marketing trên nền tảng kỹ thuật số, phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để lan toả hình ảnh du lịch Tân Uyên đến với du khách; thực hiện phóng sự, phim tư liệu, phim chuyên đề… và các thể loại khác để quảng bá du lịch Tân Uyên. Thành phố cũng phát triển đội ngũ truyền thông, marketing có kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin để xây dựng thương hiệu du lịch sáng tạo, độc đáo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kinh doanh và quảng bá dịch vụ, phân phối dịch vụ lưu trú tại địa phương.
Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 thiết kết các tour du lịch thực tế ảo để phục vụ du khách, quảng bá hình ảnh Tân Uyên. Đây là xu thế đang phát triển trên thế giới. Loại hình du lịch này sử dụng công nghệ ảo hóa để tạo ra các trải nghiệm du lịch trực quan, sống động và thú vị cho du khách. Thông qua việc sử dụng thiết bị thực tế ảo như kính VR hoặc tay cầm điều khiển, du khách sẽ được đưa vào một thế giới ảo đầy màu sắc và cảm giác như đang đứng trực tiếp tại địa điểm du lịch.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch; xây dựng Trung tâm Thông tin, hỗ trợ du khách nhằm cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách khi tham quan du lịch tại địa phương; nâng cấp, hoàn thiện các chức năng của hệ thống phần mềm quản lý thông tin lưu trú, thiết lập trung tâm dữ liệu phục vụ cho việc giám sát, hỗ trợ khách du lịch trong trường hợp khẩn cấp hoặc khách cần sự trợ giúp.
Thành phố cũng triển khai nhiều dự án đầy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, như: xây dựng và triên khai sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin điểm đến, tích hợp số điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ giải quyết các yêu cầu từ du khách; xây dựng phần mềm ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo trên điện thoại di động, thuyết minh du lịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; xây dựng Công thông tin du thành phố Tân Uyên nhằm cung cấp các dữ liệu, thông tin về du lịch Tân Uyên để khách du lịch và các công ty lữ hành truy cập; triển khai đề án số hóa 3D các điểm tham quan, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố để quảng bá đến du khách.
Đề án xác định, với xu hướng phát triển du lịch thông minh, các điểm đến cần phải năng động thích ứng, phát triển một hệ sinh thái du lịch thông minh với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông minh, quản trị thông minh, con người thông minh, môi trường thông minh, nhằm mang đến những trải nghiệm chất lượng cho khách du lịch, tiến tới sự phát triển xanh và bền vững.
Chuyển đổi số trong phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển du lịch thành phố Tân Uyên bền vững theo hướng chuyên nghiệp, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hoá - lịch sử, khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố Tân Uyên, để lại ấn tượng cho du khách về một thành phố trẻ vừa hiện đại, năng động, hội nhập, vừa đậm đà bản sắc văn hoá.
Hồng Nhung - Thế Anh