Chiều ngày 21/11, UBND thành phố Tân Uyên tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện mô hình Khu phố, ấp chuyển đổi số từ nay đến năm 2025. Dự hội nghị có lãnh đạo Phòng Văn hoá và Thông tin thành phố, lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số các xã, phường; các đơn vị viễn thông, ngân hàng trên địa bàn thành phố.
Mô hình “Khu phố, ấp chuyển đổi số” trên địa bàn thành phố Tân Uyên nhằm góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong từng khu phố, ấp, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, nâng cao chất lượng đời sống người dân, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm. Mỗi xã, phường chọn từ 1 đến 2 khu phố, ấp làm điểm triển khai mô hình. Phấn đấu đến 2025, mỗi xã, phường có ít nhất 1 khu phố, ấp đạt 100% tiêu chí đánh giá chuyển đổi số.
UBND thành phố xác định 5 giải pháp tập trung thực hiện, gồm: tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực về xây dựng khu phố, ấp chuyển đổi số; xây dựng chính quyền điện tử định hướng chính quyền số; xây dựng hạ tầng số; xây dựng xã hội số, dịch vụ số khu phố, ấp; đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số tại khu phố, ấp. Việc đánh giá khu phố, ấp dựa trên 5 chỉ tiêu: nhận thức số; kỹ năng công dân số; hạ tầng số; kinh tế số; xã hội số, dịch vụ số. Mô hình được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách địa phương và nguồn vốn xã hội hóa. Các văn phòng khu phố, ấp là nơi sinh hoạt, tuyên truyền, xây dựng văn hóa số, kỹ năng số và là nơi hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Công chức xã, phường, ban vận động khu phố, Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng tiên phong trong quản lý và giao tiếp với người dân qua công nghệ số. Người dân trực tiếp hưởng thụ và tham gia vào chuyển đổi số; hộ kinh doanh, doanh nghiệp thụ hưởng và tham gia giao dịch qua công nghệ số.
Các xã, phường, khu phố, ấp sẽ được đầu tư hạ tầng viễn thông hiện đại đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, lắp đặt wifi miễn phí phục vụ người dân; triển khai dịch vụ công trực tuyến, quản lý trực tuyến và liên thông; nắm bắt ý kiến phản ánh của người dân và trả lời bằng hình thức trực tuyến; thăm dò, lấy ý kiến của người dân về các hoạt động của khu phố, ấp bằng hình thức trực tuyến; triển khai dịch vụ y tế có ứng dụng công nghệ thông tin, các dịch vụ giáo dục trực tuyến, tài chính - ngân hàng ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại số, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến… Nông dân được khuyến khích chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tiếp cận thị trường số cho nông sản và sản phẩm OCOP…
Chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu 100% người dân có căn cước công dân định danh điện tử mức độ 2; mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 tài khoản hoặc 80% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản dịch vụ công trực tuyến và biết sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 80% dân số trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán số; 100% hộ gia đình trong khu phố, ấp được phủ mạng Internet băng rộng; 95% dân số trong độ tuổi lao động có điện thoại hoặc thiết bị điện tử thông minh; khu phố, ấp có từ 1 - 2 điểm lắp đặt wifi miễn phí; đưa 100% sản phẩm hàng hoá, dịch vụ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 100% cửa hàng, hộ kinh doanh, gia đình cung cấp sản phẩm dịch vụ sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; 100% người dân trong khu phố, ấp được cung câp thông tin dịch vụ y tế từ xa, đăng ký khám bệnh trực tuyến…
Các xã, phường đã phát biểu về tình hình, tiến độ thực chuyển đổi số, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện mô hình để tìm ra giải pháp thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Lãnh đạo phòng Văn hoá và Thông tin thành phố tiếp thu, giải đáp từng ý kiến của đại biểu, đồng thời đưa ra những giải pháp, hướng dẫn giúp các xã, phường triển khai thực hiện tốt mô hình trong thời gian tới. Phòng Văn hoá và Thông tin sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan ra văn bản hướng dẫn cụ thể cho các xã, phường thực hiện tốt các nội dung, chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Dự kiến, tháng 9/2025 sẽ thực hiện hoàn thành kế hoạch và tổ chức đánh giá, khen thưởng vào tháng 10/2025.
Hồng Nhung - Châu Kha