
Hiện nay thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản, phát triển nhanh và truyền bệnh SXH trong cộng đồng. Dự báo thời gian tới, dịch SXH tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Phóng viên Trung tâm Văn hóa thể thao và truyền thanh thành phố Tân Uyên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chay, Phó Giám đốc Trung tâm y tế TP.Tân Uyên về công tác phòng chống dịch bệnh này.
PV: Thưa ông, xin ông đánh giá về công tác Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người thành phố Tân Uyên từ đầu năm đến nay?
Ông Nguyễn Văn Chay, Phó giám đốc TTYT thành phố cho biết: Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay có số ca bệnh giảm so với cùng kỳ và đã được giám sát, quản lý chặt chẽ tại cộng đồng. Công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm luôn được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo sâu sát, luôn có sự phối hợp tốt của các ban ngành đoàn thể, UBND các xã, phường nên công tác phòng chống dịch đã đạt được nhiều kết quả.
Trung tâm y tế thành phố là cơ quan thường trực đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ngay từ tháng đầu năm và các kế hoạch ứng phó các bệnh dịch mới nổi. Ngay từ đầu năm TTYT triển khai các biện pháp: kiểm tra giám sát ổ dịch, giám sát côn trùng, giám sát lăng quăng, tổ chức phun hóa chất xử lý tất cả các ổ dịch trên địa bàn thành phố. Đồng thời chỉ đạo cho Phòng khám đa khoa khu vực, Trạm y tế xã-phường, phòng khám tư nhân, thực hiện thường xuyên công tác giám sát các ca bệnh SXH, TCM và các bệnh truyền nhiễm khác để phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời, cập nhật danh sách bệnh nhân và phản hồi cho Trạm y tế xã-phường theo dõi, xác minh, xử lý hàng ngày. Tổ chức thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát tại cộng đồng và trường học để phát hiện sớm và kịp thời xử lý. Đến thời điểm hiện tại tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn thành phố cơ bản kiểm soát tốt.
PV: Thưa ông, hiện nay bước vào mùa mưa, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở người thành phố đã có những chỉ đạo gì trong công tác phòng chống bệnh SXH?
Ông Nguyễn Văn Chay, Phó giám đốc TTYT thành phố cho biết: Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố khi mùa mưa đến Trung tâm y tế thành phố tham mưu Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch Tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi và truyền thông phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn thành phố vào ngày 6-7/7/2024 và 13-14/7/2024 nhằm nâng cao ý thức người dân chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường góp phần giảm mật độ lăng quăng, giảm ca mắc khống chế không để dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng bùng phát trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra giám sát quản lý 100% ca bệnh tại cộng đồng, xử lý triệt để các ổ dịch xảy ra ở từng địa phương nhằm không để dịch bệnh lây lan.
PV: Thưa ông, hiện nay trên địa bàn thành phố bệnh SXH diễn ra như thế nào? Để người dân biết về cách nhận biết các đặc điểm, triệu chứng và cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết, xin ông thông tin một số nội dung?
Ông Nguyễn Văn Chay, Phó giám đốc TTYT thành phố cho biết: Tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố hiện tại số ca mắc, số ca nặng đều giảm so với cùng kỳ, không có ca tử vong. Tuy nhiên chúng ta không vì vậy chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Để người dân nhận biết về đặc điểm, triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết và cách phòng ngừa chúng tôi xin nêu một số triệu chứng chính sau đây: Người dân nên đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi có các triệu chứng sau: sốt cao đột ngột, liên tục, đau đầu, đau 2 hố mắt, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn; sau sốt vài ngày thì người bệnh sẽ biểu hiện các triệu chứng như là có những chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng... Bệnh có thể trở nặng dẫn đến mệt mỏi suy nhược, tay chân lạnh, da xanh, mạch huyết áp nhanh nhỏ khó bắt, đây là một tình trạng bệnh trở nặng có thể dẫn đến tử vong.
“Không có lăng quăng, không có muỗi, không có SXH” vì vậy để phòng bệnh sốt xuất huyết người dân cần phải diệt lăng quăng bằng cách loại bỏ môi trường sống của chúng là các vật dụng chứa nước có lăng quăng bằng nhiều cách như: cọ rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên, bỏ muối hoặc xà bông vào các chung vại, nước kê chân tủ, chân bàn ghế, thay nước bình bông thường xuyên, thu gom tiêu hủy các vật phế thải quanh nhà, nơi có nguy cơ chứa nước để muỗi sinh sản như vỏ bánh xe, chai lọ, ly nhựa…; khai thông các nơi ao tù nước đọng… Kế đến là diệt muỗi có các biện pháp như: vệ sinh nhà cửa thường xuyên, xịt thuốc hóa chất diệt muỗi, ngủ mùng, bôi thuốc chống muỗi, mặc quần áo dài tránh muỗi đốt….
PV: Thưa ông, ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong công tác phòng tránh bệnh SXH có hiệu quả?
Ông Nguyễn Văn Chay, Phó giám đốc TTYT thành phố cho biết: Người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh SXH. Thực ra phòng chống sốt xuất huyết không khó, chỉ cần mỗi gia đình, mỗi người dân hàng tuần bỏ ra 10 phút để thực hiện vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp lật úp tất cả những vật dụng chứa nước có lăng quăng và các dụng chứa nước nguy cơ có lăng quăng xung quanh nhà, chà rửa dụng cụ chứa nước sinh hoạt hàng tuần, bỏ muối hoặc xà phòng vào khay nước sau tủ lạnh, bát kê chân chạng, lấp đầy cát vào lư nhang, chậu cây cảnh, bonsai, quan tâm dọn dẹp các đồ phế thải xung quanh nhà…là thực hiện tốt việc phòng chống bệnh sốt huyết.
PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này./.
Nguyễn Phường