Tại Hội trường Thành uỷ Tân Uyên, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ; Ban Tổ chức Đề án thành phố; lãnh đạo Ban Dân vận, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành phố, lãnh đạo các cơ quan có liên quan. Các xã, phường cũng tham dự điểm cầu tại địa phương, với thành phần gồm lãnh đạo Đảng uỷ, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã, phường, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận và Chi hội trưởng các tổ chức chính trị - xã hội khu phố, ấp.
Qua 3 năm triển khai thực hiện, Đề án luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, sự tích cực triển khai của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động được tập trung thực hiện đã phát huy tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân; người dân ngày càng nâng cao nhận thức, ý thức tự, giác, tự nguyện xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, nhất là tích cực tham gia bảo vệ môi trường, đóng góp chỉnh trang, nâng cấp đô thị, hoạt động tương thân tương ái, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo nên diện mạo đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự quan tâm chỉ đạo, linh hoạt, quyết tâm trong triển khai thực hiện Đề án gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị. Trong quá trình thực hiện đề án, các địa phương, đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực, vận động xã hội hóa đầu tư cho Đề án theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từng khu phố, ấp, xã, phường chú trọng chỉnh trang, nâng cấp đô thị, xây dựng văn phòng khu phố, ấp, công viên, hoa viên, các tuyến đường hoa, tuyến đường kiểu mẫu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, camera an ninh; nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến đường, tuyến hẻm; xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cấp đô thị, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Hội chữ thập đỏ chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị, lồng ghép nội dung trong các phong trào thi đua nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu, nội dung của Đề án gắn với chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo hiệu quả. Các địa phương, đơn vị đã vận động kinh phí xã hội hóa và từ nguồn ngân sách thực hiện các công trình, phần việc đạt hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Nhiều mô hình, điển hình mới có thể nhân rộng trong thời gian tới, tiêu biểu như: “Cà phê sáng - trao đổi với nhân dân”, “Chợ văn minh thương mại”, “Chuông báo động điện tử gắn với camera an ninh trong khu dân cư”, “Các điểm, tuyến phố vui chơi, giao lưu văn hóa cuối tuần”, “Tuyến đường kiểu mẫu gắn với công trình panô tuyên truyền”, “Tuyến đường hoa”, “Tổ thu gom phế liệu tại chi hội”... Ban Tổ chức đề án các huyện, thành phố đã tổ chức cho trên 98% hộ gia đình ký cam kết thực hiện các tiêu chí về xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh. Hằng năm, qua kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, 97% hộ gia đình thực hiện tốt các nội dung cam kết; 95% cơ quan, đơn vị đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 19% doanh nghiệp đăng ký đạt chuẩn văn hóa; 100% chợ, siêu thị đăng ký đạt văn hoá...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương khẳng định, Đề án 02 là chủ trương chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của từng tổ chức, cá nhân, cùng chung tay xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh Bình Dương. Bí thư Tỉnh uỷ ghi nhận và biểu dương những cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng chí nhấn mạnh, Bình Dương phát triển để hướng đến mục đích lấy con người là trung tâm, nhân dân được hạnh phúc. Thành quả, thành tựu phát triển của Bình Dương là để nhân dân thụ hưởng. Chính vì vậy, việc vận động thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, không chỉ riêng Ban dân vận các cấp.
Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh các phương thức, loại hình để vận động, tập hợp nhân dân; có hình thức theo dõi, quản lý, đánh giá, hỗ trợ, cung cấp, tiếp nhận, xử lý thông tin, nhất là đối với những người yếu thế trong xã hội; tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân (đặc biệt là người mới đến Bình Dương) để người dân biết thông tin cơ bản (gọi điện cho ai, ở đâu...) khi gặp khó khăn, cần giúp đỡ trong cuộc sống. Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể phải là “cầu nối” giữa Đảng - Chính quyền với nhân dân. Chính quyền các cấp phải xây dựng các cơ chế, chính sách để tháo gỡ những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, xây dựng xã hội số, chính quyền số, công dân số để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn; quản trị xã hội tốt hơn. Từng địa phương phải có kế hoạch cụ thể về công tác cải tạo và chỉnh trang đô thị, lập lại trật tự đô thị, trật tự xây dựng; bố trí, huy động các nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu đề án, vận động phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tăng cường giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự bình yên của nhân dân. Bí thư Tỉnh uỷ cũng đề nghị tăng cường tuyên truyền cho người dân biết về những định hướng quy hoạch của tỉnh trong phát triển khoa học, công nghệ, chuyển dịch công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần từng bước hình thành các hệ sinh thái, khu công nghiệp thế hệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp 4.0, xanh, sinh thái, tuần hoàn, thông minh, Net Zero và trung hoà carbon. Ban Tổ chức đề án các huyện, thành phố căn cứ phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, 2025 xây dựng kế hoạch, các giải pháp cụ thể để lãnh, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu đề án; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, nhân rộng cách làm hay, mô hình hiệu quả, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện đề án.
Dịp này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khen thưởng cho 20 tập thể, 24 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện Đề án Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hoá - văn minh” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Hồng Nhung - Thế Anh