Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong những tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 18/7/2024), Việt Nam ghi nhận 06 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó, có 01 trường hợp tử vong. Để truyền tải đến cộng đồng những thông tin cơ bản và các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này, phóng viên Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh TP.Tân Uyên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chay, Phó Giám đốc Trung tâm y tế thành phố xoay quanh căn bệnh này.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết khái quát về bệnh bạch hầu, biểu hiện của bệnh bạch hầu như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Chay, Phó giám đốc TTYT thành phố cho biết: Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng-nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên. Bệnh thường găp ở trẻ em <15 tuổi và ở đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh bạch hầu do chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ. Vi khuẩn thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim. Bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu bằng kháng sinh và kháng độc tố bạch hầu (SAD) và có thể dự phòng bệnh bằng vắc-xin.
Biểu hiện của bệnh bạch hầu là các dấu hiệu và triệu chứng bạch hầu thường bắt đầu từ hai đến năm ngày sau khi bị nhiễm bệnh như sau: Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu. Đau họng và khàn giọng. Sưng hạch bạch huyết ở cổ. Khó thở hoặc thở nhanh. Chảy nước mũi. Sốt và ớn lạnh, khó chịu.
PV: Thưa ông, có phải những người đã tiêm vắc xin bạch hầu, thì không còn nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?
Ông Nguyễn Văn Chay, Phó giám đốc TTYT thành phố cho biết: Khi được tiêm vaccin đầy đủ thì hiệu lực của vaccine không thể bảo vệ tuyệt đối 100%, mà nó chỉ trung bình 90-95%, có nghĩa là còn có 5-10% dù được tiêm đầy đủ vẫn bị mắc bệnh có thể do yếu tố cơ địa, bệnh suy giảm miễn dịch….và miễn dịch do tiêm vaccine cũng sẽ giảm dần theo thời gian. Vì vậy, khi tiêm vaccine có tác dụng rất quan trọng là ngăn ngừa không mắc bệnh, và nếu trường hợp không may mắc bệnh thì vaccine cũng giúp triệu chứng bệnh sẽ nhẹ hơn, bệnh sẽ thoáng qua không diễn biến nặng. Do đó khuyến cáo mọi người cần đưa con cháu đến các điểm tiêm theo lịch tiêm chủng đầy đủ, kể cả mũi tiêm nhắc lại. Đối với người lớn, do thời gian chúng ta đã được tiêm chủng bạch hầu lâu quá nên cơ thể có miễn dịch sẽ giảm hay không còn miễn dịch nữa, do đó muốn ngừa bệnh thì phải đến các điểm tiêm chủng để tiêm.
PV: Xin ông cho biết bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào? Để chủ động bảo vệ sức khỏe trước bệnh bạch hầu, người dân cần làm gì?
Ông Nguyễn Văn Chay, Phó giám đốc TTYT thành phố cho biết:
Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì là bệnh nhiểm trùng, nhiễm độc, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh bạch hầu có thể dẫn đến:
Về hô hấp: Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tiết độc tố và độc tố này gây tổn thương mô ở khu vực nhiễm trùng là mũi và cổ họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng tạo ra một màng cứng màu xám bao gọi là giả mạc. Giả mạc này nó là nguyên nhân cản trở hô hấp gây khó thở suy hô hấp.
Về tim mạch: Độc tố bạch hầu có thể lây lan qua dòng máu và làm tổn thương các mô khác trong cơ thể, chẳng hạn như cơ tim, gây ra các biến chứng như viêm cơ tim. Tổn thương tim do viêm cơ tim có thể nhẹ, biểu hiện là những bất thường nhỏ trên điện tâm đồ hoặc nghiêm trọng dẫn đến suy tim sung huyết và đột tử.
Tổn thương thần kinh: Độc tố cũng có thể gây tổn thương thần kinh. Mục tiêu điển hình là dây thần kinh ở cổ họng gây khó nuốt, nếu ở cánh tay và chân cũng có thể bị viêm, gây yếu cơ. Nếu độc tố Corynebacterium diphtheriae làm tổn thương các dây thần kinh giúp kiểm soát các cơ hô hấp, các cơ này có thể bị tê liệt.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe trước bệnh bạch hầu, người dân cần: Đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh. Thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ. Khi có dấu hiệu mắc bệnh/nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
PV: Xin ông cho biết công tác tổ chức giám sát và triển khai các hoạt động phòng chống bệnh bạch hầu hiện nay trên địa bàn thành phố như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Chay, Phó giám đốc TTYT thành phố cho biết: Công tác phòng chống dịch bệnh là công tác thường xuyên luôn được đặc biệt quan tâm. Để chủ động trong công tác phòng ngừa bệnh và sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra. Trung tâm y tế thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh bạch hầu và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra và triển khai nhiều văn bản hướng dẫn về chống dịch đến các ban ngành đoàn thể, UBND xã phường, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố; tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn giám sát phòng chống và điều trị bệnh bạch hầu cho nhân viên y tế các khoa lâm sàng, nhân viên y tế hệ dự phòng, trưởng/phó trạm y tế, cán bộ chuyên trách phòng chống dịch 12 xã/phường và 100% cộng tác viên y tế thuộc 70 khu/ấp trên địa bàn thành phố; thường xuyên tăng cường kiểm tra giám sát các cas bệnh trên cộng đồng để khi phát hiện xử lý kip thời.
PV: Xin cảm ơn Ông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi.
Nguyễn Phường